GV Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1) tư vấn với PH về cách chọn nghề cho con tại một buổi tư vấn hướng nghiệp, phân luồng do nhà trường tổ chức năm học vừa qua
|
Những năm gần đây, Sở GD-ĐT TP.HCM đã đẩy mạnh hoạt động hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh (HS) trung học. Vậy nhưng, bộ phận hạt nhân trong công tác tư vấn là giáo viên (GV) chủ nhiệm lại không được đào tạo bài bản hoặc ít tham gia các buổi tập huấn về hướng nghiệp nên còn thiếu nhiều kỹ năng.
Thiếu GV chuyên trách
Tại một buổi họp về Dự án phân luồng HS sau trung học tại TP.HCM giai đoạn 2013-2020, ông Lê Hồng Sơn (Giám đốc Sở GD-ĐT TP) đã khẳng định: “Hơn ai hết, GV chủ nhiệm là người luôn theo sát và hiểu rõ nhất năng lực học tập của HS đến đâu để giáo dục hướng nghiệp (GDHN) cho các em chọn nghề phù hợp với năng lực, sở thích và hoàn cảnh gia đình. Vì vậy, GV chủ nhiệm đóng vai trò trọng tâm trong hoạt động này”.
Làm công tác chủ nhiệm hơn 10 năm nay, thầy Trần Minh Hoàng (GV bộ môn tiếng Anh, Trường THCS Điện Biên, Q.Bình Thạnh) cho biết: “Ngoài giảng dạy, mình thường làm thêm công tác hướng nghiệp cho HS lớp 9. Thông thường, cuối năm học, khi HS chuẩn bị tốt nghiệp THCS thì mình mới đẩy mạnh công tác này. Những kinh nghiệm mà mình có được để tư vấn chủ yếu là qua các kênh thông tin truyền thông, nắm bắt được năng lực của HS và sở thích các em qua quá trình tiếp xúc chứ chưa học qua một lớp tập huấn nào về GDHN cho HS”. Cũng chính vì chưa được đào tạo bài bản, chưa có kỹ năng thuyết phục nên dù thầy đã làm hết sức mình nhưng phụ huynh (PH) vẫn cho con thử sức ở việc thi vào THPT hoặc học tiếp ở TTGDTX. Năm học trước, lớp thầy chủ nhiệm có khá nhiều HS học lực ở mức trung bình, khó theo kịp chương trình THPT nhưng đều đăng ký ôn tập và thi vào lớp 10, tốn khá nhiều công sức của bản thân các em và thầy cô, chỉ có 2 HS chịu học nghề do đã đỗ vào THPT nhưng trường cách địa bàn sinh hoạt khá xa như quận 7, quận 8.
Thực trạng đáng buồn hơn nữa là một số GV chủ nhiệm vẫn còn xa rời với hướng nghiệp cho HS. GV chủ nhiệm lớp 9 xin được giấu tên ở một trường THCS tại Q.1 cho hay: “Mình chủ nhiệm lớp 9 từ nhiều năm nay, thường cuối năm trường có tổ chức tư vấn tuyển sinh vào lớp 10 cho HS. Còn công tác hướng nghiệp thì GV chỉ dạy ở các tiết theo quy định của Bộ GD-ĐT, GV chủ nhiệm chưa lồng ghép hoạt động này vào các tiết sinh hoạt ngoại khóa”.
Không chỉ ở bậc THCS thiếu GV chuyên trách mà ngay cả bậc THPT cũng chưa đáp ứng điều này. ThS. Phạm Đăng Khoa, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã từng làm một khảo sát về công tác hướng nghiệp tại các trường THPT trên địa bàn TP và nhận thấy hoạt động này vẫn còn tồn tại một số yếu kém, trong đó có cả bộ phận GV chuyên trách. “Hầu hết các trường đã huy động nhiều lực lượng tham gia nhưng hiện tại các trường còn thiếu GV chuyên trách công tác GDHN trong khi đội ngũ này có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công tác. Lực lượng tham gia bấy lâu nay trong công tác hướng nghiệp của nhà trường chỉ là kiêm nhiệm nên có phần hạn chế trong chuyên môn, chưa kể đến một số GV chưa ý thức được tầm quan trọng của GDHN…”, ThS. Phạm Đăng Khoa chia sẻ. Ông Lâm Văn Quản (Trưởng phòng GDCN-ĐH, Sở GD-ĐT TP.HCM) cũng cho biết: “Nhằm thực hiện mục tiêu phân luồng HS trung học từ nay đến năm 2020, ngành GD-ĐT TP sẽ tăng cường công tác tuyên truyền và nâng cao chất lượng GDHN phân luồng trong nhà trường. Theo đó, mỗi trường sẽ có một GV chuyên trách công tác tư vấn hướng nghiệp cho HS (nếu chưa tuyển được có thể cho GV chủ nhiệm kiêm nhiệm).
Rào cản từ PH
Mặc dù bị hạn chế về chuyên môn nhưng GV kiêm nhiệm công tác GDHN vẫn luôn cố gắng không ngừng, tìm tòi học hỏi qua các tư liệu, phương tiện truyền thông để tư vấn cho HS đạt hiệu quả nhất. Tuy nhiên, họ vẫn gặp không ít rào cản từ PH mặc dù những năm gần đây họ đã có nhiều biến chuyển.
Thầy Nguyễn Xuân Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương (Q.10) cho rằng: “Tâm lý của PH ai cũng muốn cho con lên lớp 10 và các bậc cao hơn. Nhiều PH đã được GV chủ nhiệm và Ban giám hiệu tư vấn rất kỹ là con mình không đủ sức học tiếp THPT nhưng hiếm có PH nào đăng ký thẳng cho con vào trường nghề. Năm học trước, trường có hàng trăm HS tốt nghiệp THCS nhưng chỉ có duy nhất một em được bố mẹ chọn thẳng con đường TCCN”.
Thầy Nguyễn Hữu Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa còn nêu lên thực tế: “Do còn hạn chế về chuyên môn, lại không có kỹ năng thuyết phục nên GV chủ nhiệm làm công tác này gặp một số khó khăn từ rào cản PH. Nhiều PH vẫn cương quyết cho con thi lớp 10, thậm chí một vài PH còn thắc mắc là thầy cô hướng dẫn học nghề có nhiều ưu điểm này ưu điểm nọ tại sao không cho con mình học trước lại hướng dẫn chúng tôi như vậy khiến GV rất buồn mà lúng túng trong xử lý tình huống”.
Đồng tình với ý kiến này, thầy Trần Minh Hoàng chia sẻ: “Khi có kết quả học tập của HS, hàng tháng, hàng kỳ GV chủ nhiệm đều mời PH có con học lực còn yếu lên trao đổi. Mặc dù biết rất rõ thực lực của con đến đâu nhưng họ vẫn muốn cho con thi vào lớp 10, thậm chí là học lớp 10 ở những địa bàn xa xôi so với nơi gia đình sinh sống. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn Sở GD-ĐT tổ chức các buổi tập huấn hướng nghiệp cho GV để chúng tôi có thêm nhiều kinh nghiệm, kỹ năng khi đảm nhận công tác này”.
Một trong những khó khăn khiến GV khó thuyết phục được PH và HS nữa là do thời lượng chương trình. “GV chủ nhiệm thường sử dụng các tiết sinh hoạt chủ nhiệm và ngoài giờ lên lớp để GDHN. Thông thường, mỗi tháng có 4 tiết ngoài giờ lên lớp và 4 tiết sinh hoạt chủ nhiệm nhưng GV sử dụng phân nửa số tiết này để làm các công tác khác như giáo dục kỹ năng, tuyên truyền các hoạt động của trường… nên thời lượng dành cho hướng nghiệp là rất ít khiến HS chưa hiểu rõ”, thầy Nguyễn Xuân Hiền nêu thực tế.
Bài, ảnh: Hà Xuyên
Ngày 3-10, Báo Giáo Dục TP.HCM sẽ phối hợp với Sở GD-ĐT TP, Trường TC Du lịch nhà hàng khách sạn Khôi Việt tổ chức hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp cho HS THPT, TT GDTX”. Hội thảo sẽ thu hút đông đảo lãnh đạo cơ quan quản lý giáo dục, các chuyên gia, chuyên viên hướng nghiệp, đại diện các trường trung học tham gia để thảo luận về thực trạng của công tác phân luồng trong nhà trường hiện nay, những yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn nghề nghiệp của HS, vai trò của GV hướng nghiệp và GV chủ nhiệm trong việc định hướng nghề nghiệp cho HS… |
Bình luận (0)