Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phân luồng sau THCS và THPT: Học nghề được giảm nửa học phí

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 11-9, tại 6 điểm cầu (Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ), dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng – Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo các giải pháp phân luồng học sinh sau THCS và THPT. Tại hội thảo, những khó khăn, thuận lợi cũng như những bài học kinh nghiệm phân luồng từ các địa phương được lãnh đạo Bộ ghi nhận và tìm giải pháp khắc phục.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị

Gian nan phân luồng

Theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (GDCN), Bộ GD-ĐT, trong hai năm 2006-2007, 2007-2008, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT tương ứng 69% và 70,7%. Trong khi đó, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học bổ túc THPT chiếm khoảng từ 7,3% – 7,5%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học trong các cơ sở dạy nghề và TCCN còn thấp hơn rất nhiều. Năm học 2006 – 2007, cả nước có 3,1% học sinh tốt nghiệp THCS vào học trong các cơ sở dạy nghề và vào TCCN chỉ có 1,4%. Năm học 2007-2008, tỷ lệ vào học trong cơ sở dạy nghề chiếm 2,5% và TCCN chiếm 1,8%. Ngược lại, số học sinh tốt nghiệp THCS trong hai năm học qua không tiếp tục học tương ứng là 19,1% và 17,5%, tỷ lệ này tương ứng với khoảng hơn 1,4 triệu học sinh mỗi năm. Đối với THPT, năm học 2006-2007 cả nước có khoảng 129 nghìn học sinh tốt nghiệp THPT nhưng không vào học trong các cơ sở dạy nghề. Năm học 2007-2008 con số này là 156.000. Đặc biệt, số học sinh bỏ học và trượt tốt nghiệp THPT khá lớn trong hai năm qua. Năm 2006-2007 có hơn 275.000 học sinh và năm 2007-2008 có 224.000 học sinh trượt tốt nghiệp và bỏ học giữa chừng.

Thông qua ngày hội nghề nghiệp, hàng năm Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh THPT

Bà Phạm Ngọc Trịnh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT An Giang cho hay, tỷ lệ phân luồng sau THCS của tỉnh rất thấp, chỉ đạt 2%. Nhưng tỷ lệ học sinh sau THCS và THPT năm học 2008-2009 bên ngoài nhà trường chiếm tỷ lệ là 20% và 35%. Theo bà Trịnh, học sinh tốt nghiệp THCS được tuyển vào THPT của tỉnh đạt 70%. Số còn lại vào học tại các TTGDTX rất ít. Nguyên nhân do học phí cao. Còn các trường nghề và các trường TCCN lại không “hút” được học sinh do còn nhiều bất cập. Đối với những học sinh tốt nghiệp THCS khi vào học tại các trường nghề, trường TCCN vừa được học văn hóa vừa được học nghề. Nhưng khi ra trường, đi xin việc, bằng nghề được công nhận là TCCN nhưng bằng văn hóa chỉ được coi là 9+2 hoặc 9+3, không được coi là tốt nghiệp THPT nên rất khó xin việc.

6 giải pháp thực hiện phân luồng
Tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của xã hội.
Đổi mới công tác giáo dục và tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông.
Đầu tư mở rộng quy mô các cơ sở dạy nghề, TCCN ở những vùng còn gặp nhiều khó khăn.
Tái cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, để tạo ra con đường và cơ hội học suốt đời cho người dân.
Đổi mới chương trình giáo dục.
Hỗ trợ tài chính cho học sinh dân tộc, học sinh nghèo và những cơ sở đào tạo tuyển học sinh tốt nghiệp THCS để vào học nghề, TCCN từ sớm.

Ở các thành phố lớn, việc phân luồng còn khó khăn hơn rất nhiều. Như tại Hà Nội, theo bà Tạ Song Hà, Phó trưởng Phòng giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT, công tác phân luồng sau THCS đối với thành phố gần như “tắc”. Nguyên nhân do đặc điểm của đô thị nên điều kiện kinh tế của các gia đình khá hơn, họ đều mong muốn con em học theo 1 chiều: tốt nghiệp THCS – học THPT – học ĐH. Không những thế, trên địa bàn thành phố, các trường THPT công lập và ngoài công lập rất nhiều, đã “hút” được lượng lớn học sinh tốt nghiệp THCS. Đó còn chưa kể các loại hình như TTGDTX, bổ túc văn hóa… thì các trường nghề, TCCN lấy học sinh đâu để dạy. Kể cả đối với phân luồng THPT, thành phố Hà Nội cũng gặp rất nhiều khó khăn. Học sinh, phụ huynh đều không “mặn mà” với trường nghề hay TCCN. Con số học sinh trượt tốt nghiệp THPT năm 2008 của Hà Nội lên đến hàng nghìn nhưng số thí sinh này vào học tại tất cả các trường TCCN của thành phố chỉ được 448 học sinh.

Học sinh THCS vào học nghề sẽ được giảm một nửa học phí

Tại hội thảo, các đại biểu đều đưa ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phân luồng không “thông” như hiện nay. Do chính sách chưa đồng bộ, chưa được sự quan tâm đúng mức của Đảng và Nhà nước, công tác hướng nghiệp còn nhiều hạn chế, nhận thức của phụ huynh, học sinh… Trước thực tế này, theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trong thời gian tới, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền trong xã hội. Để hướng nghiệp cho học sinh, cần có 6 đối tượng cùng bắt tay tham gia: gia đình – nhà trường – doanh nghiệp – Đảng, Nhà nước – báo chí – TW Đoàn. Đối với giáo viên hướng nghiệp, Phó thủ tướng đề xuất giải pháp nên có mã ngành hướng nghiệp trong các trường sư phạm để đào tạo giáo viên. Đồng thời, đề nghị các địa phương nên yêu cầu mỗi doanh nghiệp trở thành một trung tâm hướng nghiệp của tỉnh. Học sinh từ lớp 6 đến lớp 12, mỗi năm nên được đi tham quan thực tế một lần tại các cơ sở sản xuất. “Nếu các em thấy ở tất cả các nơi, chỗ nào cũng có nhiều công nhân hơn kỹ sư thì chắc chắn nhận thức của các em sẽ khác” – Phó thủ tướng chia sẻ. Nếu không được đi tham quan, Phó thủ tướng đề nghị Vụ Giáo dục trung học của Bộ GD-ĐT hoàn thành hệ thống video phục vụ công tác hướng nghiệp. Đối với các cơ sở đào tạo nghề, các trường TCCN, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng nếu các cơ sở này chứng minh được 30% đào tạo của cơ sở mình có địa chỉ thì Nhà nước sẽ đầu tư. Càng đào tạo nhiều theo địa chỉ, theo nhu cầu xã hội thì càng được đầu tư mạnh. Bộ GD-ĐT cũng sẽ bàn với Bộ LĐ-TB-XH sẽ sáp nhập TTGDTX với TT dạy nghề của các tỉnh. Bên cạnh đó, để thu hút nhiều học sinh vào học nghề, đối với học sinh tốt nghiệp THCS, khi vào học nghề sẽ được miễn một nửa học phí, học sinh vùng khó khăn sẽ được miễn hoàn toàn.

Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)