Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phân luồng từ bậc THCS, THPT

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tại sao không?

Học sinh Hà Nội tìm kiếm thông tin học nghề tại ngày hội tư vấn tuyển sinh các trường TCCN năm 2009

“Phân luồng ngay từ bậc THCS và THPT sẽ giúp nhân lực lao động của chúng ta chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa làm tốt công tác phân luồng bởi tâm lý người dân còn quá nặng nề về bằng cấp. Hơn nữa, tính liên thông của học nghề là rất kém cũng là một lý do khiến học sinh và các bậc phụ huynh không mặn mà với học nghề”, đó là nhận định của ông Dương Đức Lân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB-XH.
Ngược với thế giới
Ông Dương Đức Lân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, cho biết: Ở các nước châu Âu, học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT chỉ khống chế khoảng 40%. Cá biệt như Cộng hòa Séc và Phần Lan chỉ khoảng 20% học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT, còn lại học sinh được đi học nghề. Tất nhiên khi học nghề họ cũng được học cả văn hóa, nhưng theo con đường nghề. Còn những học sinh đã vào THPT là đào tạo theo hướng kinh viện, đào tạo nhân tài cho đất nước. Chuyện phân luồng này cũng không được học sinh, phụ huynh tự nguyện. Các nước này đều có chính sách lấy từ điểm cao xuống điểm thấp như thi đại học, cùng với xét học bạ trong cả quá trình. Chính vì thế, ở châu Âu, gia đình có con đi học mà được vào THPT là phải ăn mừng. Việt Nam lại khác, 95% học sinh nào tốt nghiệp THCS là vào THPT. Học sinh chỉ vào học nghề khi không “còn cửa” để học tiếp. Đáng lẽ ra tỷ lệ học sinh Việt Nam vào trường nghề phải nhiều hơn các nước phát triển, nhưng số học sinh Việt Nam tốt nghiệp THCS vào trường nghề rất ít, chỉ khoảng 5% những học sinh không vào được THPT. Ông Lân cũng đưa ra lý giải vì sao cho đến nay Việt Nam vẫn chưa làm tốt công tác phân luồng, từ kinh nghiệm của các nước tiên tiến và nước có nền kinh tế, nền giáo dục tương đồng cho thấy phân luồng phải do Chính phủ can thiệp. Nếu như đưa vào luật, lấy bao nhiêu phần trăm học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT, còn lại vào các trường nghề, như thế công tác phân luồng sẽ được làm tốt.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất chúng ta phải hướng nghiệp ngay từ khi bắt đầu đi học cho học sinh. Trong khoảng hơn 1.000 nghề, học sinh có thể thấy yêu thích nghề nào để lựa chọn gắn bó với nó suốt cuộc đời. “Có những người chọn nghề lầm lẫn mà hỏng cả một đời, họ phải cố chạy chọt cho qua, cho có bằng cấp rồi cả đời họ phải làm công việc ấy với một sự căng thẳng. Bởi vì quá sức! Bởi không phù hợp! Bởi vì không cảm thấy yêu thích! Như vậy, cả đời người lao động ấy sẽ không thành công…” – ông Lân khẳng định.
Lỗi tại đâu?
Hiện nay, cả nước có 90 trường cao đẳng nghề; 214 trường trung cấp nghề; 684 trung tâm dạy nghề; trên 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các cơ sở giáo dục khác có dạy nghề không kể dạy theo kiểu chuyền nghề. Năm 2008, cả nước đã đào tạo được 1.530.000 lượt người, trong đó trung cấp nghề và cao đẳng nghề chỉ chiếm khoảng 20%. 80% còn lại là đào tạo ở trình độ sơ cấp nghề (trên 3 tháng, dưới 1 năm). Dự kiến năm 2009, các trường nghề sẽ dạy nghề cho 1.640.000 lượt người.
Theo nhiều chuyên gia, chúng ta làm phân luồng không hấp dẫn được học sinh vì tính liên thông của dạy nghề rất kém. Hiện nay, học sinh vào các trường nghề muốn học cao chỉ đến cao đẳng là hết. Thậm chí có rất nhiều trường bị “tắc”. Ông Nguyễn Khắc Hiệp, Phó hiệu trưởng Trường TC Văn hóa Nghệ thuật Bắc Ninh cho biết thời gian gần đây, trường gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh. Nguyên nhân do nhu cầu học liên thông của học sinh bị “chặn” vì không tìm được trường để liên thông. Nếu như học viên học nghề có thể học lên tiến sĩ thì không phải mời, họ sẽ tự nguyện vào các trường nghề.
Một lý do nữa khiến trường nghề không hấp dẫn học viên vì Việt Nam còn nặng về tâm lý bằng cấp. Có khi học sinh và phụ huynh đều biết vào đại học, ra trường có thu nhập thấp hơn đi học một số nghề nhưng vẫn thích vào học đại học. Ví dụ, như hiện nay khi lao động học nghề hàn 6G (học trung cấp xong học nâng cấp tiếp 6 tháng trình độ cao) ra lương ít nhất là 10 triệu đồng/tháng, nhưng khi được lựa chọn đại học (lương chỉ 2 – 3 triệu đồng/tháng) nhưng họ vẫn lựa chọn đại học. Nguyên nhân nữa theo ông Dương Đức Lân, các trường nghề không được học sinh mặn mà lựa chọn một phần là do người dân ở vùng sâu, vùng xa chưa có đủ thông tin về các trường nghề. Thậm chí, họ còn không biết học nghề ra để làm gì? Trong khi đó, yếu nhất ở các trường dạy nghề hiện nay là giáo viên dạy nghề, họ chỉ chuẩn về đào tạo, chuẩn về sư phạm nhưng lại rất yếu về kỹ năng, vì thế những thầy cô này chủ yếu là dạy bằng lý thuyết. Để khắc phục điều này, ông Lân cho biết, hiện, Tổng cục Dạy nghề đang thực hiện kiểm định chất lượng các trường dạy nghề. Những trường nào đạt chất lượng sẽ có những ưu tiên, ưu đãi bằng vốn ODA và bằng ngân sách nhà nước.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)