Một tiết học vẽ của sinh viên ngành mỹ thuật. Ảnh: T.L
|
Không làm việc dưới ánh đèn sân khấu lấp lánh, không diện lên người những trang phục lộng lẫy, những người làm nghề mẫu vẽ cho sinh viên các trường nghệ thuật vẫn lặng lẽ với công việc của mình. Công việc mà không hẳn ai cũng hiểu, ai cũng cảm thông…
Những nỗi niềm không tên
Khó khăn lắm chúng tôi mới hẹn gặp được anh D(*), một người có hơn 10 năm kinh nghiệm làm nghề mẫu vẽ ở Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM. Khác với cách nói chuyện lạnh lùng khi giao tiếp qua điện thoại, anh có phần cởi mở hơn. “Nghề của chúng tôi là vậy. Không muốn ai biết hết”, anh H. mở đầu câu chuyện. Những hôm có giờ làm mẫu ở trường, anh phải có mặt từ lúc 8 giờ sáng. Sau khi nhận tư thế làm mẫu, anh bắt đầu tạo thế. Và như vậy, suốt mấy tiếng đồng hồ, anh phải giữ đúng tư thế đó để sinh viên vẽ anh. Thù lao cho một buổi (4 tiết) trong tư thế đứng sẽ là 160.000 đồng, trong tư thế ngồi là 140.000 đồng. Vất vả nhất là mẫu đứng vì toàn bộ trọng lực cơ thể sẽ dồn vào đôi chân, đứng như vậy suốt 4 tiết học thì đôi chân rất tê. Thông thường, một bài học vẽ như thế sẽ kéo dài trong khoảng từ 2 tuần đến 1 tháng. Như vậy, người mẫu phải thực hiện đúng tư thế trong bài học đó mỗi buổi sáng 4 tiết. Hết môn học đó cũng đồng nghĩa với việc người mẫu vẽ sẽ thất nghiệp một thời gian, khi có môn học thì công việc của họ mới lại tiếp tục.
“Công việc nào cũng có vất vả riêng. Nhiều người làm nghề này được dăm ba bữa là bỏ cuộc liền. Hồi mới làm, tôi cũng ngại nhưng riết rồi quen. Xã hội giờ đã có cái nhìn thoáng hơn với nghề nhạy cảm này nhưng không hẳn ai cũng hiểu cho mình. Cánh đàn ông chúng tôi còn đỡ, chị em phụ nữ mới khó khăn hơn. Tôi biết nhiều mẫu nữ đi làm mà phải giấu gia đình, bạn bè. Tất cả cũng vì mưu sinh thôi”, anh H. chia sẻ.
Quả đúng như vậy, đa phần mẫu nam thường không lận đận, chất chứa nhiều tâm trạng như mẫu nữ. Công việc của người làm mẫu vẽ đôi khi phải trút bỏ quần áo để “hóa thân” vào nhân vật. Có lẽ vì vậy mà nhiều phụ nữ vẫn chưa nhận được sự cảm thông của những người xung quanh. Đó cũng là lý do vì sao khá nhiều mẫu nữ đều giấu kín công việc của mình với người thân, bạn bè. Để đảm bảo công việc cho những người mẫu, phòng vẽ của các trường mỹ thuật luôn được đóng kín cửa và cấm không có một thiết bị chụp hình, quay phim nào được hoạt động. “Đối với những phòng vẽ có người mẫu đang làm việc đều treo tấm bảng ở ngoài để tránh những người “không phận sự” ra vào. Bất kỳ ai cũng phải chấp hành nghiêm chỉnh nội quy”, ông Nguyễn Hoàng Kim, nhân viên Phòng Đào tạo, phụ trách nhóm người mẫu vẽ ở Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM cho biết.
Giờ giải lao của một buổi học vẽ chân dung ở Trường ĐH Mỹ thuật, chúng tôi có dịp được trò chuyện cùng chị T., một người mẫu đã có 7 năm kinh nghiệm làm mẫu vẽ. “Hồi đó, tôi được một người bạn giới thiệu làm nghề này. Ban đầu ngượng lắm, thậm chí đến giờ cũng vậy nhưng không hiểu sao như duyên nghiệp vậy, tôi không dứt ra được”, nói rồi chị đưa bàn tay vuốt mái tóc, giọng nói như lạc đi… “Tôi chỉ ngồi đây được một chốc rồi phải vào phòng vẽ lại rồi. Hôm nay công việc cũng không ngại lắm. Tôi chỉ “ớn” nhất những buổi phải làm mẫu nude thôi”, chị T. nói thêm. Bảy năm gắn bó với công việc này, chị T. đã có cơ hội được gặp nhiều người mẫu vẽ. Mỗi người là một câu chuyện, một số phận mà không hẳn ai cũng dễ dàng chia sẻ. Chị nói, có người lặng lẽ giấu trong đôi mắt, có người giấu trong nụ cười…
Mong ước giản đơn
Hiện nay, ĐH Mỹ thuật TP.HCM chỉ có khoảng 6 người chính thức làm mẫu vẽ (vào biên chế cơ quan), số còn lại đều làm hợp đồng thời vụ. Ở TP.HCM chỉ có ĐH Mỹ thuật là có những người mẫu dài hạn, còn các trường khác đa phần là phải đi thuê. Chính vì thu nhập không ổn định nên hầu như ai cũng phải làm thêm những công việc khác để có tiền xoay xở cuộc sống. Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết thù lao cho các mẫu vẽ gần như ngang nhau. Bên cạnh đó, tùy theo tư thế của mẫu như mẫu đứng, mẫu ngồi, mẫu khỏa thân, mặc đầy đủ quần áo… mà có những mức giá khác nhau, dao động từ 140.000-180.000 đồng/tư thế (một buổi 4 tiết).
“Đối với những họa sĩ tương lai thì người mẫu vẽ có vai trò quan trọng lắm. Nếu không có sự hy sinh vì nghệ thuật của họ thì sinh viên rất khó khăn trong quá trình học vẽ. Chỉ mong xã hội có cái nhìn thiện cảm hơn về công việc này”, ông Nguyễn Hoàng Kim cho biết.
|
Với người làm mẫu vẽ, không đòi hỏi ai cũng phải có ngoại hình chuẩn, có khuôn mặt ấn tượng như người mẫu diễn trên sân khấu. Người mẫu vẽ có thể có hình dáng của người mẹ nông thôn tảo tần, hay là anh công nhân, chị bán vé số… – những con người rất bình dị giữa cuộc sống này. Chị K., một người mẫu vẽ ở Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM kể lại: “Hồi trẻ, mình thích làm người mẫu nhưng ước mơ không thành. Ba má la dữ lắm. Lúc má biết mình làm nghề này, má giận cả tuần. Nhiều hôm đi làm về, nước mắt tự nhiên ở đâu rớt xuống. Thu nhập từ nghề làm mẫu vẽ không đủ sống, mình chạy làm thêm việc này, việc kia nhưng nghề người mẫu vẽ thì vẫn gắn bó được 5 năm rồi. Chỉ mong xã hội công nhận đây là một nghề để nhiều người mẫu vẽ không phải e dè, giấu giếm về công việc của mình”. Nói rồi chị K. cười, đôi mắt buồn thiu.
Có những câu chuyện về người mẫu nữ mà nghe xong chắc hẳn ai cũng ngậm ngùi. Có người bị người yêu bỏ rơi khi phát hiện ra cô làm nghề này. Những mộng ước, bình yên lẩn khuất vào mái tóc đen mướt cũng tan biến. Bao nhiêu tâm sự, họ gửi vào đôi mắt, dáng người trong tranh. Đối với những người già, công việc này không hề dễ dàng bởi ngồi lâu làm mẫu, cơ xương đau nhức nhưng cũng đành ráng. Ông P., người mẫu già có năm tháng dạn dày hằn cứa lên da thịt tâm sự: “Hồi trước, tôi có ông bạn cũng làm chung nghề này. Giờ ổng mất rồi. Nghề làm mẫu vẽ cũng giúp chúng tôi đi qua những ngày khó khăn…”. “Nhiều đứa nhỏ vẽ xong tặng tranh cho tôi nhiều lắm. Giờ ở nhà trọ tôi treo đầy tranh của chúng”, ông P. kể thêm.
* Tên được viết tắt theo yêu cầu của nhân vật
Yên Hà
Hai thế hệ gắn bó với nghề
Bao thế hệ sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM vẫn nhớ hình ảnh hai cha con ông S., hai thế hệ trong một gia đình đã gắn bó với nghề này. Đến nay, cả hai đều đã qua đời nhưng tinh thần làm việc nghiêm túc, hăng say của họ thì vẫn còn trong ký ức của nhiều người.
|
Bình luận (0)