Kỳ cuối: “Bạn biển” bỏ ghe
Ngư dân đã bỏ nghề “bạn biển” chuyển sang đánh lưới bằng sõng |
Ở vùng biển miền Trung này không ít gia đình nhiều thế hệ quanh năm chỉ biết đi “bạn biển” vì có nghề mà không vốn. Thế rồi có nhiều lý do khiến họ bỏ nghề vì tuổi cao sức yếu, ăn chia không đều với chủ (ghe), không muốn ai “sai khiến” mình và phần lớn do đi “bạn biển” không còn có ăn như trước nên đã chuyển sang nghề đánh lưới bằng sõng.
Bỏ ghe đi sõng
Anh Nguyễn Văn Lượng, nhà ở cảng cá phường 6, TP Tuy Hòa đi “bạn biển” chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương nhiều năm nay nhưng gần đây đã chuyển sang đi bạn cho ghe đánh lưới chuồng, lưới cản ni lông… (đánh bắt gần bờ). Sở dĩ anh phải chuyển ghe khác vì nghề câu cá ngừ đại dương không có ăn như trước. Tưởng đã yên ổn với nghề này, mới đây anh Lượng lại thay đổi hẳn, không còn theo ghe đi đánh bắt nữa mà chuyển sang nghề lưới đánh bắt ở sông (cách khu vực ghe neo đậu không xa lắm). Anh Lượng cho biết, chuyển sang đi sõng không phải là việc đơn giản, chi phí mua sắm lưới, sõng thấp nhất cũng mất vài chục triệu đồng.
Cũng như anh Lượng, anh Nguyễn Thanh Phong (xã Xuân Cảnh, huyện Sông Cầu) đã chuyển sang đánh bắt cá bằng sõng vì sau nhiều chuyến đi “bạn biển” (mỗi chuyến đi mất từ 7 đến 10 ngày) với nghề lưới chuồng nhưng chẳng dư được triệu nào. Anh Phong tâm sự: “Bám chiếc sõng, ngày ngày chỉ quanh quẩn trong cửa (tức chưa ra khỏi cửa biển) cũng chán lắm. Làm “bạn biển”, dù có “đói” nhưng đến bữa ngoài biển chỉ toàn lựa cá lớn, cá ngon mà ăn. Còn bây giờ đi sõng, con cá nhỏ trước đây người ta dùng nấu cho heo ăn cũng không dám bỏ”. Ngày đánh lưới của anh Phong bắt đầu từ 3 giờ sáng, ra đến khu vực thả lưới cũng là lúc mặt trời vừa ló dạng. Cũng tùy vào từng mùa mà những người thả lưới kiểu này có những đôi lưới để đánh bắt phù hợp với từng loại cá.
Anh Lượng cho hay, đánh bắt cá bằng sõng cực và thu nhập không bằng đi “bạn biển” nhưng được cái ngày nào cũng có tiền, hôm nhiều lắm cũng được 3kg cá các loại, hôm nào ít cũng đủ ăn cho cả nhà mà khỏi mất tiền chợ. Hơn nữa, mình hoàn toàn chủ động được về thời gian cũng như khỏi phải thấp thỏm lo âu chuyện thất nghiệp (do những chuyến ra khơi lỗ tổn, mưa bão…).
Về các vùng biển Đại Lãnh (huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa), Mũi Né (Phan Thiết), Tuy Hòa (Phú Yên)… gần đây ở các bến xuất hiện dày đặc sõng đánh bắt cá. Theo ngư dân các địa phương này, vào mùa đánh bắt, chủ ghe cũng đau đầu chuyện tìm “bạn biển” vì phần lớn đã chuyển sang đánh bắt nhỏ. Anh Phong cho biết: “Nghề biển chỉ làm mấy tháng/ năm, có làm mới có ăn chia, không có lương tháng nên “bạn biển” không thể ngồi không mà chờ ngày ghe ra khơi”.
Giải pháp tình thế
Nhà ông Nguyễn Văn Bổn, ở Đông Tác, Tuy Hòa có hai chiếc ghe lớn, song ông phải sắm thêm hai chiếc sõng nhỏ để phòng kiếm cái ăn trong mùa mưa bão tới. Việc đánh bắt cá bằng sõng là việc làm chẳng đặng đừng ở một số người, song có không ít ngư dân mong muốn có được một chiếc sõng như thế nhưng không dễ.
9 giờ sáng, nhiều sõng lưới đã cập bến cảng cá phường 6. Không khí cảng cá không ồn ào, náo nhiệt như những lần ghe lớn vào bờ. Thay vì bắt gặp hình ảnh “bạn biển”, thương lái… khuân vác từng giỏ cần xé cá lên cân hay các mẹ, các chị ngồi xếp hàng đợi ghe nhà về mà thay vào đó là những chiếc sõng đơn độc một ngư dân, một đôi lưới và cái xô đựng cá bé tẻo teo. Tôi đến gần chỗ một chiếc sõng đang dần tiến vào bờ. Ngư dân đang ở trên chiếc sõng là anh Trần Rãnh. Sau hơn 6 tiếng đồng hồ thả lưới, chiến lợi phẩm mà anh Rãnh thu được chỉ khoảng 1kg cá nước lợ các loại. Giọng anh Rãnh trầm buồn: “Hôm nay xui quá, mới vừa thả giác đầu (lần thả lưới đầu tiên trong ngày) đã bị ghe chạy ngang cuốn lưới, may mà phát hiện kịp nên không bị mất lưới”. Bấy nhiêu cá đấy bán được bao nhiêu? Tôi hỏi. Anh Rãnh trả lời: “Nhiêu đó mà bán gì, để nấu nầu (nồi) canh chua. Thấy nẫu (người ta) đánh có cá thấy ham, còn mình liên tục mấy ngày nay hầu như về tay không, đã vậy còn phải còng lưng ra vá lưới”.
Hầu hết ở các vùng biển của miền Trung, hiếm có gia đình có con cái học hành đến nơi đến chốn. Vừa lên 13, 14 tuổi đã phải theo nghề biển và ngoài công việc đi biển ra, thanh niên trai tráng không có nghề gì khác nên việc chuyển đổi nghề cũng rất khó khăn. Xuất phát từ nguyên nhân đó mà phần lớn ngư dân không vốn vẫn cứ bám biển, chán ngán đi bạn thì chuyển sang làm chủ chiếc sõng lưới. Ông Bổn tâm sự: “Cái nghề biển bạc bẽo lắm, quanh năm lênh đênh ngoài biển không biết sống chết lúc nào. Gia tài của ngư dân đều là “của bọt nước” (tức toàn bộ tài sản đều nằm ngoài biển khơi-PV). Đánh lưới bằng sõng chỉ là giải pháp tình thế song cũng có nhiều hộ gia đình gắn với nghề đánh lưới sõng mấy chục năm”.
Theo ngư dân ở cảng cá phường 6, phường 7 thành phố Tuy Hòa và huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên thì có khoảng 1/3 “bạn biển” không còn mặn lắm với nghề hoặc chỉ làm khi vào cao điểm mùa vụ. Những ai không có vốn thì đi vay mượn người thân hoặc ngân hàng để mua sắm sõng, lưới. Có không ít trường hợp là chủ ghe hẳn hoi nhưng đành phải bán đổ bán tháo để trả nợ vay ngân hàng. Gia tài bao năm làm nghề biển giờ chỉ còn lại chiếc sõng và một lũ con nheo nhóc. Đó là trường hợp của anh Phương (huyện Sông Cầu). Năm 2004, đó là khoảng thời gian mà hầu hết ngư dân Phú Yên phất lên nhờ nghề câu cá ngừ đại dương, ai nấy cũng háo hức chuyển đổi mà muốn chuyển nghề cũng phải đầu tư chiếc ghe mã lực lớn mới có thể đủ sức ra biển từ 20 ngày đến một tháng. Anh Phương liều đến ngân hàng vay thêm 300 triệu đồng để đóng mới ghe. “Mọi chuyện không suôn sẻ, cái ngày nẫu no thì mình đói, cầm cự suốt mấy tháng trời cũng chỉ đủ trả tiền chi phí. Tiền lãi, tiền gốc chưa trả đồng nào đành phải để ngân hàng đến xiết nợ”. Anh Phương rầu rĩ nói.
Sông Ngân
Bình luận (0)