Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Phận nữ hậu cần

Tạp Chí Giáo Dục

Chị Thương (phải) và chị Thúy đang giặt đồ ở con rạch cách xa lán trại hơn một km

Giặt giũ quần áo, đi chợ, nấu ăn cho các công nhân xây dựng ở ngoại thành TP.HCM là công việc mới được nhiều phụ nữ lựa chọn. Công việc nhẹ nhàng nhưng không hề đơn giản chút nào và người trong nghề cũng chịu không ít điều tiếng.
“Bèo” như lương nữ hậu cần
Tôi gặp một người phụ nữ đội chiếc nón lá rách tả tơi, mặt che chiếc khẩu trang kín bưng đang khệ nệ bưng thau quần áo đi về phía con rạch ở phường Cát Lái, quận 2. Tiếp chuyện tôi, người phụ nữ khá niềm nở. Chị tên Thúy, tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thúy, 32 tuổi, thuê trọ ở ấp Mỹ Thủy, Cát Lái. Chị Thúy làm nghề giặt đồ thuê cho công nhân xây dựng ở một công trình gần đó. Hỏi chuyện cơ duyên đến với nghề, chị Thúy nói: “Tôi sống bằng nghề bán xôi dạo ở các công trình, đầu tháng 4 vừa rồi đi ngang thấy tấm biển treo “cần người đi chợ, nấu cơm…”, tôi bạo dạn thử sức”. Ban đầu họ chỉ thuê chị Thúy đi chợ, nấu ăn ngày hai bữa với mức thù lao 27 ngàn đồng/ ngày. Sau đó, một vài công nhân ngán ngẩm chuyện đi tìm nước để giặt giũ quần áo nên đã gợi ý với chị. Chị Thúy kiêm luôn công việc này mà chẳng nề hà gì. “Cứ mỗi bộ quần áo tôi lấy tiền công 1.000 đồng, có hơn chục công nhân thì mỗi tháng tôi cũng kiếm thêm chút đỉnh tiền. Công việc của mình đều có giờ giấc, cố gắng thu xếp thì làm được nhiều việc”. Thù lao thấp quá làm sao đủ sống? “Tụi tôi thường động viên nhau, “bèo như lương hậu cần” mà, bây giờ ra ngoài xin việc đâu có dễ. Chỉ sợ một thời gian công trình hoàn công thì mình thất nghiệp thôi”.
Thấy chị Thúy siêng năng tháo vát, nấu ăn rất hợp khẩu vị… nhiều công nhân rất quý mến và xem chị là “người nhà”. Anh Lâm Văn Khang, đội trưởng đội xây dựng nơi chị Thúy làm việc vui vẻ cho biết: “Nói mức thù lao là vậy nhưng hầu như tháng nào tôi cũng đề xuất gửi thêm cho chị ấy vài trăm ngàn nữa. Mặc dù tiền chợ quy định mỗi ngày không nhiều nhưng chị nấu ăn ngon, thức ăn đủ chất dinh dưỡng, anh em khỏe, làm chạy việc thì chúng tôi không tiếc tiền”.
Ở đây, không chỉ có chị Thúy kiếm sống bằng công việc này mà còn có chị Trần Thị Thương. Chị Thương đã có gia đình, chồng và hai con trai chị là công nhân xây dựng và lái xe ben ở công trình này. Trước đây, chị Thương theo chồng đi phụ hồ, nay cũng với ngày công 70 ngàn đồng/ ngày nhưng chị Thương chỉ đảm trách công tác hậu cần và giặt giũ.
Để tiết kiệm nước, hai chị Thúy và Thương hàng ngày thường mang quần áo ra con rạch phía trước lán trại để giặt. Công việc của các chị tưởng chừng đơn giản nhưng không đơn giản chút nào, khổ nhất là những ngày “chạy theo con nước”. Chị Thương bảo: “Cũng may thời gian này là mùa mưa nên nước tương đối sạch chứ lúc trước ít nước lại đục ngầu”. Do công trình xây dựng nằm cách xa khu dân cư đến 5, 7 km (đoạn tiếp giáp với cầu Phú Mỹ, đầu cầu quận 2) nên việc mua nước để sinh hoạt hết sức khó khăn. “Mặc dù chỉ mua nước giếng nhưng cũng mất hơn 20 ngàn đồng/ mét khối, chưa kể tiền vận chuyển. Nước mua chủ yếu để nấu ăn, uống, tranh thủ những ngày trời mưa thì hứng để dành tắm rửa”.
Vào nghề: không dễ
Sáng nào cũng vậy, chị Thúy tranh thủ dậy thật sớm để đến các công trình bán xôi cho công nhân. Xong, chị mới bắt đầu đi chợ, làm thịt, cá, nhặt rau… để sẵn mới đi giặt đồ. 10 giờ sáng lại vào bếp nấu ăn. Chị Thúy tâm sự: “Để có một bữa ăn vừa lòng tất cả các công nhân là việc không hề đơn giản. Mỗi người có một khẩu vị riêng, tôi cũng từng bị chửi vì “nấu ăn chẳng ra chi”. Nhiều lần lắng nghe ý kiến khen, chê của anh em mình mới rút kinh nghiệm từ việc chọn mua thức ăn, cách nêm nếm đến việc chế biến những món ăn lạ miệng, khoái khẩu”.
Đã gần 4 giờ chiều nhưng bếp ở lán trại mà chị Thương làm việc vẫn chưa đỏ lửa, còn chị Thương thì liên tục đứng dậy, ngồi xuống rồi lại đi ra đi vào. Thấy vậy, tôi rất ái ngại vì không biết rằng sự hiện diện của mình trong lán trại hơn 30 phút có làm chị không hài lòng. Tuy nhiên, câu nói của chị đã giải tỏa hết mọi âu lo: “Ông trời gầm gừ từ trưa giờ mà không mưa nổi, trông mưa để hứng nước cho thợ xài chứ cả ngày nay kêu nước mà không ai chở hết”. Sao chị không lo bữa chiều? Tôi hỏi: “Hôm nay là thứ bảy mà”. Thứ bảy rồi sao? “Thứ bảy anh em lãnh lương, “cắt cơm” ra quán lai rai”. Thì ra, công nhân xây dựng thường lãnh lương vào cuối tuần, “hợp tác xã” để tự thưởng cho mình một bữa tiệc khá linh đình.
Chuyện bị phê phán gay gắt khi “nấu ăn chẳng ra gì” chị Thúy không ngại mà sợ nhất là những lời gièm pha của bà con lối xóm. “Phận mình không chồng con, đi làm công việc này không ít người bảo công việc không lành mạnh. Nghe vậy ai mà không buồn, trong khi đó mình bỏ công sức ra để kiếm tiền chứ có xin xỏ ai đâu”. Họ nói công việc của chị không lành mạnh là ý gì? “Người ta bảo tôi đi làm cho đám đàn ông, thanh niên kia chỉ để được cái… “tế nhị””. Chị không phản ứng gì? “Miệng đời mà anh, họ nhiều chuyện rồi thêu dệt lên, mình không làm gì trái với lương tâm nên không nhất thiết phải biện hộ”.
Còn chị Thương cũng đã không ít lần “bị đòn” vì những cơn ghen vô cớ của chồng mình. Chị Thương kể lại: “Thời gian trước tôi “chạy sô” giặt đồ thuê cho thợ ở công trình mở rộng đường Liên tỉnh lộ 25B, giờ giấc đi lại có khi sớm, khi trễ nên ổng (chồng chị Thương-PV) ghen. Lúc tỉnh thì không nói gì, khi say thì mắng nhiếc hết lời, xung quanh có cái gì là chụp cái đó ném vào người tôi. Mặc dù mình trong sáng nhưng vợ chồng cơm không lành canh không ngọt hoài người ta chê cười nên tôi không còn đi làm bên ngoài nữa”.
Trần Trọng Tri

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)