Mô hình ĐH 3 tầng: ĐH nghiên cứu, ĐH đa ngành và các trường cao đẳng là lời giải hiệu quả cho bài toán quy mô – chất lượng, đào tạo – sử dụng, học chữ – học nghề…
Về cơ bản, giáo dục ĐH nước ta hiện nay vẫn là giáo dục cho số ít khi trên dưới 15% thanh niên trong độ tuổi vào ĐH. Thiếu tính cạnh tranh cao như thường thấy ở các nước, nên chất lượng giáo dục càng cần được bảo đảm và thực hiện nghiêm túc, nhất quán bằng các quy định, chính sách của Nhà nước. Giữ vững phân tầng ĐH là góp phần nâng cao chất lượng.
Lời giải cho nhiều bài toán
Phân tầng ĐH hiểu một cách cụ thể là sự phân chia hệ thống ĐH thành nhiều loại trường như có tham gia nghiên cứu khoa học, đào tạo hàn lâm hay nghề nghiệp với sự đa dạng các chương trình, nội dung, thời gian học và văn bằng cấp, đối tượng sinh viên và khoảng cách địa lý.
Do vậy, phân tầng ĐH không chỉ là yêu cầu của bản thân hệ thống mà còn là đa dạng hóa ĐH, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khác nhau.
Trên thế giới, việc phân tầng ĐH nhìn chung không khác nhau lắm giữa các hệ thống. Ở Mỹ, có ba loại trường: ĐH nghiên cứu có khoảng 150 trường đào tạo đến bậc tiến sĩ, loại ĐH 4 năm với khoảng 2.000 trường đào tạo đến trình độ thạc sĩ, và CĐ cộng đồng khoảng 1.600 trường đào tạo đến trình độ á cử nhân.
Sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM trong giờ thực hành thí nghiệm. Ảnh: Tấn Thạnh
Singapore cũng có 3 loại trường: ĐH nghiên cứu đào tạo hoàn chỉnh đến tiến sĩ; CĐ bách khoa đào tạo bán hay toàn thời gian và cấp chứng chỉ diploma; và cuối cùng là các học viện công nghệ cấp chứng chỉ nghề sơ trung cấp. Ở Canada thì chi tiết hơn với 6 loại trường…
Kinh nghiệm phân tầng ĐH trên thế giới cho thấy: Phân tầng ĐH là phản ánh trung thực, cụ thể của chiến lược phát triển quốc gia, chiến lược phát triển giáo dục. Sự tồn tại và phát triển của mỗi loại trường là do nó đáp ứng cho một số đối tượng người học nhất định, chương trình và trình độ đào tạo nhất định.
Thí dụ như CĐ cộng đồng ở Mỹ phát triển hơn 100 năm qua, nhưng rất hiếm có trường lại muốn trở thành đào tạo 4 năm. Chính vì việc tập trung xây dựng một loại trường sẽ làm cho chất lượng ổn định.
Đầu tư trong xây dựng các loại trường cũng khác nhau, trong đó, đầu tư cho bậc CĐ thường đỡ tốn kém hơn. Vì vậy, loại hình CĐ (thường là kết hợp học thuật và dạy nghề) thường được phát triển dễ dàng, nhiều và nhanh nhất trong hệ thống.
Do đó, cần coi phân tầng ĐH là lời giải hiệu quả cho các bài toán quy mô – chất lượng, đào tạo – sử dụng và nhu cầu xã hội, học chữ – học nghề, và bài toán nâng cao trách nhiệm của cộng đồng địa phương.
Mô hình ĐH 3 tầng
Trong hội nhập và toàn cầu hóa, nhất là đối với việc xây dựng không gian hợp tác chung về giáo dục ĐH từ Tuyên bố Bologna, ĐH nước ta cần có những bước đi phù hợp.
Đối với thực tiễn Việt Nam, cần kiên trì xây dựng mô hình ĐH 3 tầng: ĐH nghiên cứu, ĐH đa ngành và các trường CĐ. Trong ĐH đa ngành, đầu tư xây dựng các trường ĐH nghiên cứu từ các ĐH như ĐH Quốc gia, ĐH vùng, các ĐH trọng điểm và các ĐH có đủ điều kiện khác. ĐH nghiên cứu tổ chức giảng dạy và cấp đến văn bằng tiến sĩ. ĐH đa ngành cấp đến thạc sĩ và CĐ cấp đến CĐ.
Phân tầng ĐH không chỉ là yêu cầu của bản thân hệ thống mà còn là đa dạng hóa ĐH, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khác nhau.
|
CĐ phải là cái nền trong hình tháp phát triển của giáo dục ĐH. Mỗi địa phương đều có thể thành lập CĐ cộng đồng để tăng quy mô đào tạo thích hợp với hai chức năng chính là đào tạo giai đoạn đại cương để chuyển tiếp cho ĐH và đào tạo nghề, trong đó, đào tạo nghề có vai trò vô cùng quan trọng do cung cấp nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Trong khi ở các nước, nhất là các nước công nghiệp phát triển, chức năng thứ hai là chủ yếu, ở nước ta lại là chức năng thứ nhất, đào tạo chuyển tiếp. Không ít trường CĐ khi thành lập đều nhắm đến việc trở thành ĐH sau 4 – 5 năm hoạt động.
Phân tầng ĐH chính là cơ sở để chuẩn bị cho tương lai 5, 10 năm nữa, khi hệ thống ĐH Việt Nam trở thành đại chúng, trong đó phải tính toán cụ thể và khoa học đến các yếu tố số lượng trường, số lượng đội ngũ nhân lực được đào tạo ở các trình độ và nhu cầu khác nhau của xã hội.
Cuối cùng, để kiểm định chất lượng có chất lượng cao trở thành hoạt động trung tâm của giáo dục ĐH, cần có thêm các tổ chức độc lập, khách quan tham gia. Công tác kiểm định, theo kinh nghiệm quốc tế, là tự nguyện, nhưng kết quả kiểm định lại có giá trị rất lớn, là cơ sở xem xét việc tồn tại hay đóng cửa trường ĐH.
PGS-TS Đỗ Huy Thịnh, (Giám đốc Trung tâm SEAMEO VN)
Người Lao Động
Bình luận (0)