Hội nhậpGiáo dục phát triển

Phần thưởng lớn nhất của người quản lý là được tin yêu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ở độ tuổi mầm non, tâm hồn của trẻ non nớt, trong sáng như những trang giấy trắng và giáo viên mầm non là người đầu tiên viết lên những trang giấy đó.

Tập thể Hội đồng sư phạm Trường Mầm non 13, Q.Tân Bình

Để những trang giấy trắng luôn tinh khiết, sáng trong đòi hỏi người cán bộ quản lý giáo dục và những thầy cô giáo phải luôn nỗ lực hết mình, tìm ra những phương pháp sáng tạo trong công tác quản lý, truyền thụ kiến thức và giúp trẻ phát triển một cách toàn diện. Và với những cô giáo của Trường Mầm non 13 (Q.Tân Bình, TP.HCM) cũng như cá nhân cô Nguyễn Thị Thanh Nhã (Hiệu trưởng nhà trường) đã và đang làm được điều đó.

Cô Thanh Nhã chia sẻ: “Hơn ai hết, chúng tôi – những người làm công tác quản lý hiểu rằng: giáo viên mầm non không chỉ đơn thuần có cái tâm yêu thương trẻ, mà luôn cần một nghị lực vững vàng vượt qua những khó khăn để trở thành một cô giáo mầm non, người mẹ thứ hai của trẻ. Những bạn trẻ đang có ước muốn trở thành giáo viên mầm non phải trang bị cho mình một cái tâm trong sáng, lòng nhiệt huyết, tình yêu trẻ và phải có nghị lực, ý chí kiên định để vượt qua áp lực công việc. Khi đã được trang bị đầy đủ, thì những người đang chuẩn bị bước vào nghề sẽ xứng đáng là những người ươm mầm xanh cho Tổ quốc”.

Có lẽ chính tinh thần của cô Thanh Nhã là động lực, là niềm tin để các cô giáo của Trường Mầm non 13 luôn xác định: mình là “người mẹ thứ hai” của các bé. Coi các bé như con, các cô không chỉ dạy dỗ học hành, ứng xử, vui chơi cùng mà còn chăm lo cho các bé từng bữa ăn, giấc ngủ. Nhưng để làm được điều ý nghĩa nêu trên, các cô giáo của ngôi trường này luôn thực hiện mục tiêu đổi mới – nâng cao chất lượng giáo dục. Luôn suy nghĩ, tìm tòi trong cách dạy trẻ và chăm sóc trẻ. Họ học từ chính các đồng nghiệp có kinh nghiệm, bên cạnh đó là lắng nghe, trao đổi với phụ huynh để có các biện pháp chăm sóc cũng như dạy dỗ trẻ một cách tốt nhất. Còn ở lớp, các cô tích cực tuyên truyền, vận động phụ huynh cùng nhà trường quan tâm, làm tốt công tác chăm sóc giáo dục trẻ. Đặc biệt, chú ý tới chế độ ăn bổ sung dinh dưỡng cho các cháu thấp còi, thiếu cân và có chế độ ăn phù hợp cho trẻ thừa cân. Hàng tháng cân đo trẻ đúng lịch và chấm biểu đồ kịp thời. Các cháu có đủ đồ dùng phục vụ nuôi ăn bán trú, chỗ ăn ngủ sạch sẽ đủ ánh sáng, thoáng mát trong mùa khô.

Bé tham gia chương trình kỹ năng sống tại vườn rau sạch

Không chỉ vậy, các cô giáo ở “ngôi trường mơ ước” này còn theo sát chỉ dạy, uốn nắn các bé có ứng xử văn minh trong ăn uống như trước khi ăn phải mời mọi người, nhai kỹ, không nô đùa trong khi ăn; dạy các cháu biết giữ gìn vệ sinh cá nhân và biết giữ gìn vệ sinh môi trường trong và ngoài lớp học. Chính vì vậy, các bé đều có thói quen vệ sinh cá nhân tốt, nề nếp ăn ngủ đảm bảo sức khỏe. Sự chỉ dạy quan tâm chu đáo, tỉ mỉ của người “mẹ thứ hai” giúp các bé nghe lời, lễ phép, nhanh nhẹn, tự tin trong các hoạt động, và đặc biệt là đi học chuyên cần, thích đến lớp.

Cô Thanh Nhã tâm sự: “Cầu thị trong công tác quản lý, lắng nghe những ý kiến đóng góp tích cực của giáo viên và đặc biệt là phụ huynh học sinh, tôi học hỏi được rất nhiều từ các đồng nghiệp; họ chính là những “cuốn sách” thực tế chứa đựng nhiều trải nghiệm thú vị và hữu ích với tôi. Ngoài ra, việc tham khảo sách báo, tài liệu, truyền thông… để học tập nghệ thuật thu hút trẻ cũng được tôi chú ý và chia sẻ với giáo viên của mình, giúp các cô áp dụng hiệu quả vào các hoạt động trên lớp”.

Những kết quả mà trường đạt được trong năm học 2015-2016

Bé tự phục vụ bữa ăn theo sở thích

– Chất lượng chăm sóc: Chất lượng chăm sóc trẻ luôn giữ vững, không để xảy ra dịch bệnh; tỉ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến trường đạt 100%; giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân: 8/9-88,89%; giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi: 6/14-42,85%; giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thể còi: 4/5-80%; trẻ thừa cân – béo phì: 8/116- 6,89%; trẻ phát triển bình thường về cân nặng và chiều cao theo tuổi: 687/805-85,34%; trẻ cân nặng kênh A: 803/805-99,75%.

Bé tập làm bánh

– Chất lượng giáo dục: Trẻ đạt yêu cầu theo mục tiêu phát triển: 803/805 (99,75%); trẻ đạt bé khỏe – ngoan 803/805 (99,75%); xây dựng môi trường thân thiện, thể lực trẻ được phát triển tốt, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ của phụ huynh. Giáo viên – nhân viên được quan tâm giải quyết các chế độ chính sách, được chăm lo thiết thực về vật chất và tinh thần, đội ngũ yên tâm công tác hoàn thành nhiệm vụ năm học. Tỉ lệ giáo viên trong biên chế: 39/39 – đạt trên chuẩn 38/39 (97,43%); nhà trẻ: 3 giáo viên/lớp; mẫu giáo: 2 giáo viên/lớp; mẫu giáo 5 tuổi: 10 giáo viên/5 lớp, đảm bảo trình độ giáo viên trên chuẩn.

Chính sự cầu thị của cô Thanh Nhã – người hiệu trưởng gương mẫu trong công tác quản lý, minh bạch trong các hoạt động, tài chính… đã thu được những kết quả tích cực, giúp tập thể sư phạm nhà trường luôn đoàn kết, thương yêu nhau bởi tất cả đều vì một mục tiêu cao quý đó là “trồng người”.

Khi được hỏi về bí quyết của sự sáng tạo trong công tác của mình, cô Thanh Nhã cười hiền bộc bạch: “Tôi không có bí quyết gì cả, chỉ đơn giản đây là công việc mình yêu thích. Mình hạnh phúc khi nhìn thấy các cháu coi trường, coi lớp như ngôi nhà thứ hai và trở thành những bé ngoan ngoãn, lễ phép. Các cô giáo và nhân viên trong trường coi nhau như người một nhà để từ đó hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà ngành và lãnh đạo cấp trên tin tưởng giao phó – đó chính là phần thưởng lớn nhất mà những người làm công tác quản lý như tôi luôn mong ước đạt được!”.

Quỳnh Chi

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)