Ngành nào còn đào tạo tức ngành đó vẫn đang cần nhân lực. Đây là khẳng định của các chuyên gia trong Chương trình Tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 14 năm học 2021-2022 vừa diễn ra tại một số trường THPT tỉnh Bình Thuận…
Học sinh tỉnh Bình Thuận tham dự chương trình hướng nghiệp qua nền tàng trực tuyến
Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức với hình thức trực tuyến có sự phối hợp của Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận, ĐH Quốc gia TP.HCM, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) cùng sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM.
Trong chương trình tư vấn tại Trường THPT Đức Linh, một học sinh chia sẻ: “Em muốn học tại Nhạc viện TP.HCM nhưng lại không giỏi nhạc cụ thì phải làm sao?”. TS. Tô Nhi A (chuyên gia tâm lý) cho biết, Nhạc viện có nhiều khoa, ngành, chuyên ngành. Nếu muốn học tại Nhạc viện, học sinh không giỏi nhạc cụ phải xác định bản thân muốn học khoa nào, ngành nào… Chẳng hạn, nếu các em chọn khoa thanh nhạc thì không bắt buộc phải giỏi nhạc cụ nhưng phải có chất giọng tốt. Nhưng nếu chọn khoa nhạc cụ dân tộc thì đòi hỏi các em phải biết một nhạc cụ nào đó và có năng khiếu sử dụng thì mới có cơ hội trúng tuyển. “Chính vì vậy, trước khi chọn trường, các em phải chọn được nghề rồi chọn ngành để xem bản thân có thế mạnh như thế nào để lựa chọn cho phù hợp”, bà Tô Nhi A khuyên.
Tiếp tục giải đáp cho một số học sinh khác về cách tìm hiểu tính cách của người khác để học ngành quản trị nhân lực, bà Tô Nhi A cho rằng, để học ngành này người học phải có kiến thức tốt ở nhiều lĩnh vực như: tâm lý, sinh lý, văn hóa… Kiến thức không tự nhiên có mà phải qua quá trình rèn luyện lâu dài. Tuy nhiên kiến thức chỉ là lý thuyết, muốn áp dụng vào thực tế để hiểu tính cách người khác thì chúng ta phải giao tiếp, quan sát cuộc đời của họ. Từ đó chúng ta mới hiểu và có cách quản lý họ tốt. “Con đường nào cũng có nhưng làm được hay không là do bản thân mình. Nếu phấn đấu chắc chắn sẽ thành công”, bà Nhi A nhấn mạnh.
ThS. Đoàn Thanh Phong (Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM)
Chuyên gia tâm lý Vũ Thiện Toàn
Tư vấn cho học sinh Trường THPT Tánh Linh, TS. Vũ Thiện Toàn (chuyên gia tâm lý) cho rằng, học sinh nên tách biệt giữa ngành và nghề. Bởi ngành và nghề khác nhau. Chọn ngành mà không xác định được nghề khi ra trường chúng ta phải mất thời gian trải nghiệm với nghề. Nếu không phù hợp chúng ta phải “nhảy việc” và như vậy thì không biết bao giờ mới tìm được việc phù hợp. Do đó khi chọn nghề phải tổng hòa nhiều yếu tố: nghề đó có hợp với bản thân không; khi chọn nghề liệu mình có làm tốt không; có kiếm được tiền không và được xã hội thừa nhận không; cơ hội phát triển làm sao… “Chọn nghề, sau đó xác định ngành trong quá trình học sẽ giúp chúng ta gặp nhiều thuận lợi”, ông Toàn cho biết.
Trong chương trình tư vấn, em Việt Ngân (lớp 12A4, Trường THPT Đức Tân) hỏi: ngành maketing và sale có gì khác nhau? ThS. Đoàn Thanh Phong (Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) khẳng định, ngành maketing giúp chúng ta tìm hiểu nhu cầu xã hội, lên chiến dịch đưa sản phẩm tới người tiêu dùng để doanh nghiệp bán sản phẩm tốt nhất. Trong khi đó sale là làm công việc trực tiếp bán hàng qua độ nhận biết của người tiêu dùng. Để học cách sale, học sinh có thể chọn học ngành quản trị kinh doanh, kinh doanh thương mại… tiếng Anh, ngoại ngữ tốt là lợi thế giúp người làm về marketing hay sale tiếp cận với quốc tế, làm cho các tập đoàn đa quốc gia.
Với băn khoăn của em Trần Thị Hường (lớp 12A5) về việc nữ học ngành công nghệ ô tô được không, ThS. Nguyễn Xuân Luyện (Phó Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) thông tin, mỗi năm tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đều có sinh viên nữ học ngành công nghệ ô tô. Ngành này thuộc nhóm ngành kỹ thuật, nhu cầu lao động cao nhất trong các nhóm ngành. Ngành công nghệ ô tô có nhiều vị trí công việc: kỹ sư vận hành các dây truyền sản xuất, lắp ráp, bộ phận kiểm định ô tô trước khi ra thị trường, nhân viên kỹ thuật trong các trung tâm kiểm định, bảo trì ô tô, các cơ sở sửa chữa bảo trì ô tô. Với nữ, sau khi ra trường có thể làm việc ở phòng tư vấn về kỹ thuật, tư vấn khách hàng mua xe. Bên cạnh đó có thể tham gia giảng dạy, truyền đạt kiến thức đến sinh viên tại các trường nghề, ĐH, CĐ.
Trả lời câu hỏi cho một học sinh về ngành dầu khí, ThS. Trần Vũ (Trưởng phòng CTSV, ĐH KHTN, ĐHQG TP.HCM) cho biết đây là ngành đặc thù, ít cơ sở đào tạo. Theo ThS. Trần Vũ, hiện nay các công ty về dầu khí thường tuyển dụng 2 vị trí: chuyên gia nghiên cứu và kỹ sư dầu khí. Chuyên gia nghiên cứu về dầu khí, học sinh có thể học tại Trường ĐH KHTN, ĐHQG TP.HCM. Làm một chuyên gia về dầu khí sẽ có nhiệm vụ đo đạc, tính toán đưa phương án tối ưu trong quá trình khai thác, vận chuyển, mua bán sản phẩm. Kỹ sư dầu khí phải ra trực tiếp hiện trường để khai thác, phải đi nhiều, đi biển… “Ngành dầu khí chỉ đào tạo ở bậc đại học. Học càng cao mới có cơ hội trở thành chuyên gia đầu ngành. Khi học phải học thật giỏi, nếu không, khó thăng tiến trong công việc. Ngành dầu khí không còn “hót” nhưng vẫn cần nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao”, ThS. Trần Vũ thông tin.
H.Trinh
Bình luận (0)