Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Phân tuyến tuyển sinh đầu cấp: Những điều cần lưu ý

Tạp Chí Giáo Dục

Phụ huynh học sinh tại TP.HCM đã hoàn tất giai đoạn đăng ký thông tin tuyển sinh trực tuyến trên hệ thống tuyển sinh đầu cấp. Các phòng GD-ĐT đang bước vào giai đoạn phân tuyến trên hệ thống để thông báo học sinh trúng tuyển vào các trường từ ngày 20.7.

Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết căn cứ dữ liệu mà phụ huynh khai báo, ban chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp các địa phương sẽ bố trí chỗ học phù hợp cho HS. Trong quá trình phân tuyến, ngoài 3 địa phương là TP.Thủ Đức, Q.8, Q.Tân Bình thí điểm áp dụng bản đồ số GIS của ngành giáo dục để phân tuyến (tức là HS sẽ được phân tuyến để học tại trường gần nhà nhất, có thể không theo địa giới hành chính) thì các địa phương khác có thể sử dụng để tham khảo. Những quận, huyện còn lại thực hiện theo nguyên tắc phân tuyến HS cư trú trên địa bàn phường nào sẽ học tại trường đóng trên địa bàn phường đó hoặc lân cận. Sau khi hoàn thành việc phân tuyến, phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức và các quận, huyện sẽ cập nhật toàn bộ kết quả lên hệ thống tuyển sinh đầu cấp của ngành giáo dục.

Có được thay đổi trường sau khi phân tuyến theo GIS ?

Năm học 2023 – 2024, Q.Tân Bình là một trong 3 địa phương của TP.HCM thí điểm thực hiện tuyển sinh đầu cấp ứng dụng bản đồ hành chính số GIS vào phân tuyến. Theo đó việc phân tuyến HS vào từng trường có thể không theo địa bàn hành chính phường, và sắp xếp sao cho HS học trường gần nhà nhất có thể.

Lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình cho biết căn cứ thông tin cư trú của HS, hội đồng tuyển sinh quận đã áp dụng bản đồ GIS vào để chọn ra trường học gần nơi cư trú của HS nhất. Từ đó HS cùng một phường có thể học ở nhiều trường đóng ở các phường khác địa bàn mình. Khác với trước đây, hầu như HS ở phường nào sẽ vào học gần như toàn bộ tại trường học đóng trên địa bàn phường đó.

Phân tuyến tuyển sinh đầu cấp: Những điều cần lưu ý  - Ảnh 1.

Đây là năm đầu tiên TP.HCM thực hiện tuyển sinh đầu cấp theo hình thức trực tuyến. NHẬT THỊNH

Tuy nhiên, bên cạnh đó, lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình cho biết sẽ không cứng nhắc khi áp dụng bản đồ GIS mà có sự linh động, linh hoạt trong những trường hợp cụ thể. Chẳng hạn gia đình có 2 con, con thứ nhất đang học trường A, nay con thứ 2 khi áp dụng bản đồ GIS có thể phân tuyến sang học trường B. Như vậy sẽ bất tiện trong việc đưa đón nên phụ huynh có thể báo với phường nơi mình cư trú để hỗ trợ tạo điều kiện trong việc khai báo và tuyển sinh.

Thêm vào đó, vị lãnh đạo trên cũng đưa ra tình huống, có những phụ huynh HS ở phường A và được phân tuyến theo bản đồ GIS là trường ngay gần nhà nhưng đóng trên địa bàn phường B. Tuy nhiên phụ huynh lại muốn học ở trường đóng trên địa bàn phường cư trú dù khoảng cách từ nhà đến trường xa thì ban tuyển sinh cũng sẽ tạo điều kiện hỗ trợ trong trường hợp có thể.

Theo thông tin từ Ban tuyển sinh Q.1, từ ngày 24.6, căn cứ dữ liệu tuyển sinh của phụ huynh trên hệ thống, ban tuyển sinh sắp xếp, phân bổ chỗ học cho HS, có thể áp dụng bản đồ GIS để tham khảo. Sau khi hoàn thành việc phân bổ chỗ học, Phòng GD-ĐT sẽ cập nhật toàn bộ kết quả lên hệ thống tuyển sinh đầu cấp tại địa chỉ: https://tuyensinhdaucap.hcm.edu.vn vào hôm nay (6.7) đối với những trường thực hiện mô hình tiên tiến, theo xu thế hội nhập và phụ huynh nộp hồ sơ nhập học cho con em vào mô hình trường này đến ngày 10.7. Sau đó, ngày 17.7, Phòng GD-ĐT Q.1 sẽ công bố danh sách phân bổ chỗ học cho từng HS vào những trường còn lại và phụ huynh nộp hồ sơ nhập học đến ngày 19.7.

Trẻ tạm trú được phân tuyến phù hợp

Là địa phương không áp dụng bản đồ GIS vào phân tuyến tuyển sinh đầu cấp, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp, cho biết lý do bởi quận này còn những phường hiện nay chưa có trường tiểu học như P.9, P.12, thậm chí có phường chưa có cả trường tiểu học và THCS. Nếu áp dụng bản đồ GIS trong tuyển sinh đầu cấp trên địa bàn quận một cách cứng nhắc và triệt để thì có thể dẫn đến tình trạng gần nhà thì lại không có trường.

Với hạn chế về trường lớp nên trong phân tuyến tuyển sinh, Q.Gò Vấp sẽ ưu tiên cho HS thường trú trên địa bàn phường, sau đó là HS tạm trú, trên cơ sở đảm bảo chỗ học cho con em trên địa bàn phường và quãng đường đi học của HS là ngắn nhất trong khả năng. Trong đó, trẻ thường trú sẽ được phân tuyến học tại trường trên địa bàn phường hoặc phường liền kề, trẻ tạm trú thì theo phân tuyến của ban tuyển sinh.

Đặc biệt, theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp, nếu những năm trước quận chỉ thực hiện phân tuyến cho trẻ thường trú và trẻ tạm trú có hộ khẩu tỉnh đang sinh sống trên địa bàn quận thì năm nay ngoài trẻ thường trú, tất cả trường hợp trẻ tạm trú thực tế đang sinh sống trên địa bàn quận (không phân biệt tạm trú với hộ khẩu tỉnh hay hộ khẩu TP) đều sẽ được địa phương phân tuyến chỗ học phù hợp.

Chẳng hạn, ông Thanh lấy ví dụ, năm nay, trẻ có hộ khẩu Q.Phú Nhuận nhưng đang sinh sống ở Q.Gò Vấp cũng sẽ được địa phương phân tuyến chỗ học. Tuy nhiên, bắt buộc trường hợp này phải có xác minh của công an phường.

Phân tuyến tuyển sinh đầu cấp: Những điều cần lưu ý - Ảnh 2.

Các trường tại TP.HCM chuẩn bị công bố kết quả tuyển sinh đầu cấp. NHẬT THỊNH

Tuyển sinh đợt 2 trái tuyến

Cũng theo lộ trình thời gian thực hiện tuyển sinh đầu cấp thì từ ngày 20.7 đến 1.8 sau khi các địa phương lần lượt công bố kết quả tuyển sinh đầu cấp, nếu đồng ý với kết quả tuyển sinh, phụ huynh HS cần xác nhận nhập học ngay trên hệ thống, sau đó tiến hành nộp hồ sơ giấy trực tiếp tại trường đã trúng tuyển.

Các trường hợp không trúng tuyển hoặc từ chối nhập học với kết quả tuyển sinh thì sau ngày 1.8 sẽ thực hiện đăng ký xét tuyển ở đợt 2 theo kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của các quận, huyện. Thời gian quy định cho đợt xét tuyển trái tuyến này sẽ căn cứ kế hoạch tuyển sinh của TP.Thủ Đức và từng quận, huyện.

Chẳng hạn, Ban tuyển sinh Q.1 thông báo thực hiện xét tuyển đợt 2 các trường hợp không nhập học theo phân bổ ở đợt 1, có nguyện vọng học ở trường khác kết quả tuyển sinh đã công bố; trường hợp HS chưa có mã định danh, phụ huynh có thể tiến hành đăng ký xét tuyển ở đợt 2 theo hình thức trực tuyến tại địa chỉ: https://tuyensinhdaucap.hcm.edu.vn.

Cụ thể, bà Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho hay trường này sẽ thực hiện xét tuyển đợt 2 từ ngày 20 – 23.7 và công bố kết quả vào ngày 10.8. Phụ huynh xác nhận nhập học trực tuyến và nộp hồ sơ giấy nhập học trực tiếp tại trường trúng tuyển đợt 2 từ ngày 10 – 11.8.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng hướng dẫn, những trường hợp phụ huynh không đồng ý với kết quả tuyển sinh lớp 1, lớp 6 của ban chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp quận, huyện, từ chối nhập học vào trường đã được phân bổ và tiếp tục đăng ký xét tuyển vào các trường khác trong cùng địa phương hoặc khác địa phương thì phải hết sức lưu ý HS sẽ không còn trong danh sách phân bổ chỗ học tại trường. Và có thể nhà trường sẽ xóa tên khỏi danh sách để xét tuyển bổ sung đợt 2.

Trường hợp nào yêu cầu cung cấp giấy xác nhận mã định danh cá nhân của HS?

Đây là năm đầu tiên TP.HCM thực hiện tuyển sinh theo hình thức trực tuyến 100% và song song với đó là luật Cư trú có hiệu lực, không còn sử dụng sổ hộ khẩu. Do đó, lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng lưu ý đến phòng GD-ĐT các quận, huyện về quy định hồ sơ giấy tờ khi tuyển sinh.

Trong trường hợp nếu giấy khai sinh của trẻ đã được hiển thị, thông báo mã định danh cá nhân thì nhà trường không được phép yêu cầu phụ huynh HS phải có thêm giấy xác nhận mã định danh cá nhân của trẻ. Nhà trường chỉ được yêu cầu phụ huynh cung cấp giấy xác nhận mã định danh cá nhân của HS trong hồ sơ nhập học các lớp đầu cấp nếu giấy khai sinh chưa có thông tin này.

Theo Bích Thanh/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)