Liên minh châu Âu (EU) được trao giải Nobel hòa bình trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ sâu sắc ở khu vực này khiến các quan chức cao cấp của EU rất vui mừng, nhưng cũng có nhiều cá nhân chỉ trích điều này.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso phát biểu sau khi EU được trao giải Nobel hòa bình – Ảnh: Reuters |
Chủ tịch ủy ban Liên minh châu Âu Jose Manuel Barroso bày tỏ niềm vui trên Twitter: “Đây là một vinh dự quá lớn cho toàn thể EU, tất cả 500 triệu công dân của EU được trao giải Nobel hòa bình".
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Van Rompuy thì cho rằng giải Nobel là sự ghi nhận vai trò của “nhà kiến tạo hòa bình lớn nhất trong lịch sử”.
Đối với Thủ tướng Đức Angela Merkel – đại diện cho nền kinh tế lớn nhất EU – thì giải Nobel là “một sự động viên”. “Chúng ta không được phép quên rằng để xây dựng được nền hòa bình, dân chủ và tự do như hiện nay thì phải liên tục và liên tục nỗ lực hết mình”.
BBC nhận định những thành tựu mà EU đạt được là điều rõ ràng, nhưng quyết định trao giải của Ủy ban Nobel trong thời điểm này là điều gây tranh cãi. Khủng hoảng ở khu vực đồng euro khiến EU dường như bị phân chia và không còn thống nhất vững chắc như quá khứ. Cho nên việc trao giải Nobel hòa bình cho EU có thể mang tính chất động viên tinh thần trong khủng hoảng.
Theo AFP, giải thưởng này cũng khiến dư luận ngạc nghiên vào thời điểm mà sự đoàn kết của châu Âu đang đối mặt với những thách thức, giữa những bất đồng sâu sắc giữa khu vực phía nam đang đắm chìm trong nợ nần và khu vực phía bắc thịnh vượng hơn mà dẫn đầu là Đức.
Năm nay giải thưởng còn gây sốc hơn khi được công bố ở Na Uy (giải Nobel Hòa bình được công bố tại Na Uy, các giải khác công bố tại Thụy Điển), nước 2 lần từ chối gia nhập EU, một lần vào năm 1972 và lần khác vào năm 1994.
Mặc dù là nơi quyết định trao giải Nobel hòa bình, nhưng phần lớn người dân Na Uy phản đối việc gia nhập EU vì cho rằng điều này đe dọa chủ quyền của quốc gia thành viên. Chủ tịch phong trào chống EU của Na Uy Heming Olaussen nói với Đài truyền thanh nhà nước NRK rằng: “Tôi thấy quyết định trao giải rất vô lý”.
Ông Nigel Farage – chủ tịch Đảng Độc lập (Anh), là đảng theo đường lối không tin tưởng sự thống nhất của EU – nói rằng: “EU có thể nhận một giải thưởng hòa bình, vì thiết chế này chưa bao giờ tạo ra sự thịnh vượng, mà chỉ có sự đói nghèo và hàng triệu người thất nghiệp. Trong vòng hai năm qua, EU đã tạo nên sự bất bình rất lớn giữa hai vùng Nam và Bắc Âu, như cách mà bà Merkel bị dân chúng phản đối dữ dội khi đến Hi Lạp và cách báo chí Đức miêu tả công dân Hi Lạp là những nhân công lười biếng”.
Ông Farage nói thêm rằng “chính chủ tịch Van Rompuy đã cổ vũ cho một cuộc chiến tại Libya chống lại nhà lãnh đạo Gaddafi, cho nên giải thưởng Nobel hòa bình cho EU là điều nực cười”.
Phó chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Nga Leonid Slutsky cho rằng quyết định của Ủy ban Nobel Na Uy là “ngoài dự kiến và không theo tiêu chuẩn nào”. “Gìn giữ hòa bình là yếu tố thứ hai trong hoạt động của EU. Nguyên tắc cơ bản của EU là một tổ chức hội nhập về kinh tế và chính trị”.
Dù sao, sự hình thành của EU cũng được đánh giá là đem lại hoà bình và ổn định cho một châu lục chia rẽ sâu sắc sau chiến tranh thế giới bằng cách đem những cựu thù lại gần với nhau. Và mặc dù đang đối mặt với những khó khăn thì EU vẫn là thị trường chung lớn nhất thế giới, cho phép lưu thông tự do về hàng hóa, con người, dịch vụ và vốn.
Hiện EU có 27 nước thành viên với 17 trong số đó chia sẻ đồng tiền chung.
Chủ tịch Ủy ban Nobel Thorbjoern Jagland nói: “EU và những người tiên phong trong hơn 6 thập kỷ qua đã đóng góp cho sự tiến bộ của hòa bình và hòa giải, dân chủ và nhân quyền ở châu Âu”.
Ông giải thích về quyết định trao giải Nobel cho EU: “Trong thời gian hơn 70 năm, Đức và Pháp đã đánh nhau trong 3 cuộc chiến. Giờ đây chuyện Đức, Pháp đánh nhau là không tưởng. Điều này cho thấy, thông qua những nỗ lực có mục tiêu tốt đẹp và bằng việc xây dựng lòng tin, các cựu thù có thể trở thành đối tác thân thiết”.
Theo TTO
Bình luận (0)