Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

“Phao cứu sinh” của lao động nghèo?

Tạp Chí Giáo Dục

Để đến được những thị trường lao động hạng sang như bạn trẻ đang làm việc ở Hàn Quốc này, không phải dễ đối với người lao động ở 61 huyện nghèo – Ảnh: Hồ Văn

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động (XKLĐ) góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020”.

Người thuộc diện nghèo ở 61 huyện nghèo được hỗ trợ 100% chi phí học bổ túc văn hóa, học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức đi làm việc ở nước ngoài (các đối tượng khác được hỗ trợ 50% chi phí). Họ còn được vay vốn ưu đãi để đi XKLĐ.

Người lao động ở 61 huyện nghèo đã tìm được một cái “phao” bởi chi phí XKLĐ luôn là gánh nặng đối với họ. Nhưng liệu cái phao này có đưa lao động nghèo đến được các thị trường “hạng sang”?

Vé hạng sang: quá một tầm với?

Nhà nước sẽ dành trên 4.700 tỉ đồng để hỗ trợ người lao động 61 huyện nghèo và các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực XKLĐ, nhằm phấn đấu đưa 10.000 lao động thuộc các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài trong hai năm 2009-2010, góp phần giảm 8.000 hộ nghèo. Giai đoạn 2011-2015 là 50.000 và 2016 – 2020 chỉ tiêu được nâng lên hơn 70.000 lao động xuất khẩu, góp phần giảm khoảng 19% số hộ nghèo của 61 huyện nghèo.

Tổng dân số của 61 huyện nghèo khoảng 2,4 triệu người với hơn một nửa trong độ tuổi lao động. 90% trong số này là người dân tộc thiểu số, chỉ có khoảng 9% có trình độ THPT và gần 10% lao động đã qua đào tạo.

Đây là rào cản rất lớn cho người lao động nghèo muốn thoát nghèo nhờ XKLĐ. Đơn cử như ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, người lao động phải có bằng tốt nghiệp THPT, giỏi ngoại ngữ (tiếng Hàn, tiếng Anh), đã qua đào tạo nghề, cùng với khoản tiền ký quỹ khá lớn nhằm “chống trốn”. Những yêu cầu này sẽ khiến đa số lao động ở 61 huyện nghèo vốn có trình độ học vấn, tay nghề thấp không thể đáp ứng.

Ở Đài Loan, Đông Âu, Úc… các tiêu chuẩn tuyển chọn và chi phí môi giới cao cũng sẽ khiến những đối tượng trên bị loại ngay trước khi họ lựa chọn đăng ký. Một số doanh nghiệp cũng đã vào cuộc tham gia đề án này, nhưng ở đây có vẻ như doanh nghiệp ít nhiều sẽ được hưởng lợi từ người lao động (lao động được hỗ trợ từ A tới Z), và bản thân doanh nghiệp cũng rất ngại khi thấy lao động nghèo vừa yếu ngoại ngữ vừa thiếu tay nghề… Có doanh nghiệp đã úp mở nói rằng với mặt bằng như thế chỉ đi được thị trường phổ thông, còn thị trường thu nhập cao chắc còn cao và xa lắm!

Có thể nói gần như tấm vé đi các thị trường “hạng sang” không dành cho lao động nghèo.

Để đến được thị trường cao?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết:

– Đã tiến hành triển khai thí điểm tại ba tỉnh Yên Bái, Thanh Hóa và Quảng Ngãi và đã tuyển được 148 lao động để đào tạo tiếng Hàn tham gia dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc, 82 lao động đi làm việc tại Libya, 11 lao động đi làm việc tại Algeria và 130 lao động làm việc tại Malaysia.

* Với việc được chủ động chọn lựa, chắc chắn người lao động nghèo sẽ chọn thị trường cho thu nhập cao, đồng nghĩa đòi hỏi lao động cũng phải chất lượng. Cục đã có phương án thế nào để tạo chất lượng cho lao động?

– Đối với những lao động đăng ký tham gia nhưng trình độ văn hóa thấp sẽ tổ chức cho người lao động học bổ túc văn hóa, thời gian học tối đa 12 tháng, đối với những lao động chưa có tay nghề và ngoại ngữ sẽ được Chính phủ hỗ trợ đào tạo tay nghề và ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi, thời gian tối đa 12 tháng. Với thời gian đào tạo như vậy, người lao động có thể đủ trình độ đi làm việc ở các thị trường thu nhập cao nhưng đòi hỏi về tay nghề.

Trong năm 2009, cục dự kiến tuyển chọn đào tạo tiếng để đưa 500 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, 50 lao động tại Nhật Bản theo chương trình IMM, 1.000-1.200 lao động tại Libya, 1.200-1.500 lao động tại UAE và các nước Trung Đông, và khoảng 1.000 lao động đi Đài Loan, Malaysia và các thị trường khác.

* Chỉ tiêu cục đưa ra chắc chắn phải có cơ sở để thực hiện, nếu không không thể tránh tiếng “bệnh thành tích” mà bỏ rơi khâu chất lượng, uy tín hình ảnh lao động VN?

– Trong hai năm 2009-2010 thí điểm đưa 10.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cục Quản lý lao động ngoài nước đặt kế hoạch năm 2009 đưa đi 3.000 lao động và năm 2010 là 7.000 lao động các huyện nghèo.

Quan điểm thực hiện là chắc chắn, bảo đảm người lao động được tuyển chọn và được đi làm việc ở nước ngoài sớm nhất, có mức thu nhập và các điều kiện đảm bảo nhất để rút kinh nghiệm, mở rộng dần. Đồng thời sẽ giám sát chặt chẽ khâu đào tạo nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết nhằm đảm bảo người lao động đi làm việc ở nước ngoài ít phát sinh rủi ro nhất.

ĐỨC BÌNH (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)