Không bệnh thành có bệnh
Trà Vinh là địa phương chưa công bố dịch heo tai xanh và cũng chưa có trường hợp nào nghi nhiễm bệnh. Tuy nhiên, từ gần một tháng nay, lợi dụng sự cả tin và lo lắng của các hộ nuôi, gian thương đã phao tin dịch bệnh để thu mua heo giá rẻ.
Đầu tháng 7, hộ bà Nguyễn Thị Diệu (xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) có một đàn 3 con heo bị tiêu chảy, biếng ăn, bà lo sợ nên kêu bán ngay. Sờ nắn một lúc, các lái buôn “phán” đàn heo của bà Diệu bị bệnh tai xanh nên chỉ mua giá 2,3 triệu đồng/tạ, rẻ gần một nửa so với giá thông thường. Thiếu hiểu biết nên bà Diệu sợ xanh mặt và bán ngay đàn heo, sau này mới biết mình bị “lòe”.
Đến hết ngày 20/7, cả nước có 11 tỉnh là: Bạc Liêu, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bà Rịa Vũng Tàu, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam và Hải Dương có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày.
Tại ĐBSCL, Chi cục Thú ý các tỉnh đều chủ động nắm bắt tình hình thông tin dịch bệnh và phổ biến kịp thời cho các hộ nuôi. Đồng thời khuyến cáo nông dân bám sát thông tin, không nên hoang mang trước những tin đồn. |
Từ hộ bà Diệu, tin vịt được lan rộng, tạo điều kiện cho thương lái làm giá. Anh Kim Sô Phan, cán bộ nông nghiệp xã Long Sơn, cho biết: Trong tháng 7, toàn xã có 150 hộ nuôi heo thịt bị bệnh dân kêu lái bán vì nghi heo bị bệnh tai xanh mặc dù heo của họ chỉ mắc những bệnh thông thường, thậm chí không hề mắc loại bệnh gì.
Thương lái ép mua với giá rẻ hơn giá thị trường từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/tạ, nhiều hộ bán rẻ như cho.
Sau khi xuất hiện tình trạng bán heo ồ ạt tại xã Long Sơn, Chi cục Thú y Trà Vinh đã cho kiểm chứng thông tin, xét nghiệm trên nhiều đàn heo. Sau khi chi cục này thông báo không hề có bệnh heo tai xanh thì các hộ nuôi mới thôi bán tháo các đàn heo.
Sốt, ho cũng là… tai xanh
Tại Bến Tre, ông Lê Tấn Hữu, quyền Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bến Tre cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, Bến Tre không dịch bệnh tai xanh nhưng tin đồn đang lan nhanh dữ dội làm người chăn nuôi heo hoang mang. Chính thương lái đã tung tin đồn thất thiệt để trục lợi.
Chúng tôi chỉ đạo các trạm thú y các huyện giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đồng thời giải thích rõ tình hình dịch bệnh và tuyên truyền người dân thực hiện tốt công tác vệ sinh tiêu độc chuồng trại, tiêm phòng các bệnh dịch tả, thương hàn, tụ huyết trùng… để heo không bị bệnh.
Mong rằng người dân bình tĩnh trước tin đồn với dụng ý xấu không để việc chăn nuôi bị thiệt hại khi dịch bệnh chưa xảy ra”.
Tin đồn dịch heo tai xanh xuất hiện nhiều ở các xã Cẩm Sơn, Thành Thới B, Thành Thới A, Ngãi Đăng (huyện Mỏ Cày, Bến Tre) gây hoang mang cho các hộ nuôi. Nhiều nông dân thiếu thông tin về tình hình dịch bệnh đã tranh thủ vận chuyển heo ra ngoài địa phương để bán vừa tốn công sức, vừa mất tiền lại gây hiệu ứng tiêu cực.
Trước những tin đồn thất thiệt ngày càng tăng, Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, Chi cục Thú y tỉnh đã kiểm tra tại các hộ dân có heo bị bệnh ở xã Cẩm Sơn và kết quả chỉ là những loại bệnh nhẹ thông thường. Sau khi được “trấn an”, nhiều hộ dân đã chủ động khám phòng bệnh cho các đàn heo để không mắc lừa thương lái.
Nhật Trường (dantri.com.vn)
Bình luận (0)