Hội nhậpThế giới 24h

Pháp bầu cử tổng thống

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nước Pháp hôm nay tiến hành bầu cử tổng thống để tìm người lãnh đạo quốc gia cho 5 năm tới, giữa những lo ngại của cử tri về tương lai nền kinh tế và vấn đề người nhập cư

Đại sứ Pháp tại Uruguay Jean-Chistophe Potton (trái) đi bầu cử tổng thống ở lãnh sự quán Pháp tại Montevideo. Ảnh: AFP
AFP cho hay dự kiến hơn 44 triệu cử tri tại Pháp và 882.000 người Pháp ở nước ngoài hôm nay đi bỏ phiếu cho 10 ứng viên trong vòng một bầu cử tổng thống.
85.000 điểm bỏ phiếu trên khắp nước Pháp đã mở cửa từ 8h sáng và sẽ đóng cửa vào 18h. Những điểm bầu cử ở các thành phố lớn sẽ hoạt động thêm hai giờ và công bố kết quả bầu cử sơ bộ rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Ở Pháp, các tổ chức thăm dò kết quả bỏ phiếu được phép lẫy mẫu từ các hòm phiếu nên kết quả sơ bộ được công bố tối nay cũng sẽ phản ánh gần như chính xác kết quả cuối cùng của cuộc đua.
Trước đó, người Pháp ở hải ngoại như Australia, New Zealand và các đảo nằm rải rác ở Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đã đi bỏ phiếu bầu tổng thống sớm từ hôm qua.
Nếu không có ứng viên nào giành đủ 50% số phiếu ủng hộ trong vòng đầu tiên này thì hai ứng viên có tỷ lệ ủng hộ cao nhất sẽ gặp nhau trong vòng hai diễn ra vào 6/5 tới..
Cuộc chạy đua của 10 ứng viên thực chất được xem là cuộc đối đầu của hai ứng viên sáng giá nhất là ứng viên đảng cánh tả Xã hội Francois Hollande và Tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy, đại diện đảng cánh hữu cầm quyền Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP).
Ba ứng cử viên khác cũng đạt được tỷ lệ người ủng hộ cao bao gồm ứng cử viên Mặt trận Cánh tả (FG) Jean-Luc Mélenchon, ứng cử viên của Mặt trận Quốc gia (FN) Marine Le Pen và ông Francois Bayrou theo đường lối trung dung.
Tổng thống Pháp Sakorzy, người tại nhiệm từ năm 2007, cam kết sẽ giảm thâm hụt ngân sách. Ông cũng dọa sẽ rút khỏi hiệp ước miễn hộ chiếu Schengen nếu các nước thành viên khác không hành động cứng rắn hơn để giảm lượng người nhập cư vào châu Âu.
Trong khi đó, ông Hollande cam kết tăng thuế của các tập đoàn lớn và những người có thu nhập hơn một triệu euro một năm. Ông muốn tăng lương tối thiểu, thêm 60.000 giáo viên và giảm tuổi nghỉ hưu từ 62 xuống 60 tuổi cho một số ngành lao động.
Nếu trúng cử, ông Hollande sẽ thành tổng thống đảng cánh tả đầu tiên của Pháp kể từ sau Francois Mitterrand, người giữ chức tổng thống trong hai nhiệm kỳ 7 năm từ 1981 đến 1995.
Nếu ông Sarkozy thua cuộc, ông sẽ trở thành tổng thống đầu tiên không tại vị trong hai nhiệm kỳ kể từ cựu tổng thống Valery Giscard dEstaing năm 1981. Mỗi tổng thống Pháp hiện nay phục vụ nhiệm kỳ 5 năm.
Trước đó, các ứng viên đã có 4 tháng để vận động tranh cử. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho hay chiến dịch tranh cử của 10 ứng viên chưa thực sự gây được tiếng vang và chưa nắm bắt được tâm nguyện của người dân nên số lượng cử tri đi bầu hôm nay dự kiến sẽ không cao.
Đối với các cử tri, mối lo ngại thứ nhất của họ là vấn đề kinh tế. Những người thuộc tầng lớp trung lưu hoặc nghèo hơn có xu hướng ủng hộ ứng viên Hollande, bởi ông này muốn đánh thuế người giàu. Mức thuế đề nghị lên đến 75%. Ông Hollande cũng dọa sẽ rút khỏi một hiệp định mà châu Âu vừa khó khăn lắm mới đạt được nhằm cứu nguy cuộc khủng hoảng nợ công. Lý do là hiệp định này, theo ứng viên cánh tả, là quá chú trọng đến việc cắt giảm chi tiêu và vì thế gây ảnh hưởng đến các công dân có mức sống thường thường. Tuy nhiên các nhà đầu tư thì cho rằng chính sách của ông Hollande sẽ nhanh chóng đưa đất nước đến bên vực thẳm khủng hoảng nợ công.
Cùng cánh tả, ứng viên Mechelon thậm chí đề xuất đánh thuế người siêu giàu mức 100%, thường lên án Mỹ và muốn quay sang hợp tác với nền kinh tế số 2 thế giới Trung Quốc.
Ứng viên Marien Le Pen nhấn mạnh vào nguy cơ mà bà gọi là "Hồi giáo hóa" nước Pháp, nơi có cộng đồng người Hồi giáo đông nhất ở châu Âu với 5 triệu người . Cương lĩnh tranh cử theo phái hữu của bà được chú ý nhiều hơn sau các vụ giết người hàng loạt ở gần Toulouse do một kẻ Hồi giáo gây ra. Vụ việc này cũng giúp các cử tri có quan điểm chống nhập cư thêm lý do để ủng hộ tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy.
Cuộc bỏ phiếu hôm nay cũng được coi là sự đánh giá 5 năm cầm quyền của ông Sarkozy. Ông được bầu làm tổng thống cách đây 5 năm nhờ cam kết đưa nước Pháp đến một thời kỳ mới và thay đổi. Sarkozy đã giành được nhiều thắng lợi trong chính sách đối ngoại, tuy nhiên về đối nội thì cử tri dường như chưa hài lòng, nhất là trong vấn đề kinh tế và tạo việc làm.
Anh Ngọc
Theo VNE

 

 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)