Hội nhậpThế giới 24h

Pháp bứng người nhập cư khỏi rừng Calais

Tạp Chí Giáo Dục

Chính quyền Pháp đã bắt đầu chiến dịch đưa người xin tị nạn khỏi khu tập trung tạm bợ ở Calais vốn đã tồn tại nhiều năm qua.

Pháp bứng người nhập cư khỏi rừng Calais
Người xin tị nạn ở Calais được “đánh dấu” bằng vòng màu đeo tay để đi về các trung tâm tiếp nhận -Ảnh: Reuters

Sau rất nhiều tranh cãi, suy tính, sau rất nhiều cân nhắc, phản ứng, cuối cùng chính quyền Pháp cũng đã quyết định ra tay vào sáng 24-10. Không phải từng bước như bộ trưởng nội vụ từng tuyên bố trước đó mà dẹp mạnh, có tổ chức và dẹp quyết liệt.

Theo tính toán, có 6.000 – 8.000 người nhập cư phải bị “bứng đi” khỏi khu lán trại tạm bợ và nhếch nhác ở Calais. Họ sẽ được đưa về các trung tâm tiếp nhận và định hướng (CAO) ở các điểm khác nhau. Công việc này dự kiến kéo dài trong một tuần.

Lên kế hoạch kỹ

Một khi được đưa ra khỏi lán trại ở “rừng Calais”, người tị nạn sẽ được thẩm vấn để chính quyền nắm về thông tin cá nhân của họ. Họ phải xếp theo bốn hàng được phân định: nhóm người trưởng thành, nhóm trẻ vị thành niên không có người thân, nhóm gia đình và nhóm người dễ tổn thương (đang bệnh tật, phụ nữ mang thai…).

Những người đàn ông đi một mình, nhóm gia đình và nhóm người dễ tổn thương sẽ được đưa về các trại ở 12 vùng của Pháp. Nhân viên của Cơ quan Nhập cư và hội nhập Pháp sẽ đưa ra 2 giới thiệu về điểm đến để họ lựa chọn.

Những người xin tị nạn đã quen biết nhau chọn cùng trung tâm và muốn chờ đi cùng nhau cũng được phép. Họ sẽ đi xe buýt đến trung tâm CAO mà họ đã chọn lựa.

Có 450 trung tâm như thế ở khắp nước Pháp, trong đó có 287 trung tâm được mở trong khuôn khổ chiến dịch dọn dẹp “rừng Calais”, theo Đài France Inter. Các trung tâm CAO sẽ tiếp nhận trung bình 20 người nhằm tránh tình trạng tập trung quá đông có thể gây những bất ổn định sau đó.

Khi đến trung tâm CAO, người xin tị nạn sẽ được chăm sóc tại đó và có thể xin hẹn với cảnh sát địa phương để được biết về các quyền của mình, được làm gì và không được làm gì.

Hồ sơ xin tị nạn tại Pháp hoặc nước khác (có đến 80% số người sống tập trung trong “rừng Calais” đã làm hồ sơ) sẽ được chuyển đến chính quyền vùng có trung tâm tiếp nhận họ.

Thực thi rốt ráo

Lần này, có vẻ chính quyền Pháp đã chuẩn bị kỹ để giải quyết rốt ráo khu tập trung “rừng Calais” quá nổi tiếng hay đúng hơn là tai tiếng: họ xem xét giải quyết nhanh từng trường hợp xin tị nạn. Các nhóm nhân viên phụ trách hồ sơ xin tị nạn sẽ trực tiếp đi đến các trung tâm CAO có người từ Calais.

Ông Pascal Brice – giám đốc Cơ quan Bảo vệ người tị nạn và người không quốc tịch – khẳng định trễ nhất là đầu tháng 12 tới các nhóm cán bộ đầu tiên sẽ lên đường thực hiện nhiệm vụ xem xét hồ sơ và “đến trước cuối năm sẽ có những kết quả đầu tiên”.

Như vậy nếu hồ sơ hợp lệ, người xin tị nạn sẽ nhận được giấy “chứng nhận người tị nạn”. Như thế người này sẽ có các quyền lợi và nghĩa vụ xã hội của mình và sẽ rời khỏi trung tâm tiếp nhận CAO trong vòng ba tháng.

Trong trường hợp hồ sơ không được xét duyệt thì người xin tị nạn sẽ phải rời trung tâm CAO trong vòng một tháng và buộc phải rời luôn lãnh thổ Pháp.

Chiến dịch di dời trong ngày đầu tiên nhìn chung là suôn sẻ vì trước đó một thời gian chính quyền đã làm công tác tư tưởng lẫn thể hiện sự cứng rắn trong thực thi lập lại trật tự.

Bà Fabienne Buccio, tỉnh trưởng vùng Pas-de-Calais, tỏ ra hào hứng khi tuyên bố ngày 24-10 là “ngày lịch sử” vì người dân vùng của bà không còn mệt mỏi với sự tập trung nhếch nhác đông người và cũng vì những người tị nạn “sẽ có cơ hội tạo lập lại tương lai”.

Thực tế đã xảy ra một số vụ đụng độ giữa người tị nạn với lực lượng chức năng vào sáng 
24-10 nhưng lực lượng 1.200 cảnh sát được trang bị đầy đủ và được tập dượt tình huống trước đã giải quyết nhanh chóng vấn đề.

Bà tỉnh trưởng Buccio nói: “Tôi tin mọi chuyện rồi sẽ ổn rất nhanh vì chúng tôi ở đây biết rõ người tị nạn lắm. Đa số họ đã phải rời bỏ đất nước vì tình hình căng thẳng và họ chỉ muốn sống bình thường”.

Những người ở các khu vực sẽ tiếp nhận người tị nạn cũng chỉ mong “sống bình thường”. Họ mong chính quyền sẽ sớm giải quyết vấn đề giấy tờ để trả lại sự bình yên trước đó của họ…

Riêng số thiếu niên không có người thân được chăm sóc đặc biệt. Số này vào khoảng 1.300 em đang sinh sống tại “rừng Calais”. Các em sẽ được phép ở lại thêm khoảng 15 ngày trong các nhà tạm làm từ thùng container đặt gần khu tị nạn hiện hữu.

Khoảng thời gian dành thêm cho các em này là nhằm chờ xem các em có được phép sang Anh hay không, như trường hợp của 200 em đã được đưa sang Anh từ đầu tuần trước.

Nếu không có người tiếp nhận bên Anh thì các em sẽ được tổ chức đưa đến các trung tâm CAO dành cho trẻ vị thành niên tại Pháp.

 

NGUYỄN QUÂN (TTO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)