Tổng thống Pháp giao lưu với sinh viên (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
|
Theo truyền thống, các tôn giáo lớn đều có trường học riêng để giảng dạy giáo lý, đạo pháp nhằm đào tạo những người lãnh đạo, những người điều hành các công việc lễ nghi, sự vụ và phổ biến tuyên truyền lý tưởng của đạo.
Hệ thống các trường tôn giáo ở Pháp rất quy mô và có quy chế rất chặt chẽ. Cũng có những bậc học từ cao đến thấp, từ sơ cấp đến trung học, đại học, cao học, tiến sĩ…
Trong cơ chế thị trường và xu hướng hòa nhập quốc tế, các trường tôn giáo muốn tồn tại và phát triển cũng phải mở rộng cánh cửa với đời, đổi mới nội dung và hình thức. Điển hình là các trường tôn giáo nổi tiếng của Pháp, đã tồn tại từ hai thế kỷ nay.
“Tư duy thật, hành động đúng”. Tôn chỉ đó của Viện Công giáo Paris (Institut catholique de Paris – ICP) còn có thể thêm “Sống đẹp”. Viện này tọa lạc cách Khu La Tinh có vài bước chân, có 10.300 sinh viên, trong đó có đến 4.500 sinh viên nước ngoài. Người Mỹ đánh giá rất cao cơ sở học tập này, vì vậy họ không ngần ngại bỏ tiền đăng ký học. Khi mà một số trường đại học công không còn được ưa chuộng thì các cơ sở đại học này – ở những nơi có uy tín vừa mới được thiết lập như Lille – số sinh viên đăng ký học lại tăng lên rất đông. Theo thống kê, có khoảng 35.000 sinh viên theo học ở mỗi viện Công giáo tại Pháp. Sinh viên sẳn sàng trả 3.000 cho đến 10.000 Euro/năm để được hưởng sự giảng dạy chu đáo và những chế độ ưu đãi (quyền giám hộ, được chọn giáo sư, người đỡ đầu, cố vấn hướng nghiệp) và sử dụng những mạng kinh tế và chính trị.
Nhưng điều hấp dẫn không chỉ là “cái đẹp” mà còn là cái “tốt”. Tỷ lệ đậu năm thứ nhất cử nhân của các khoa Công giáo đạt gần 85%, trong khi đó ở một số trường công là 20%. Đặc biệt ở Paris: hơn 3/4 những văn bằng chính quy được cấp ở Pháp là do ICP.
Viện Công giáo Lille – Viện Công giáo lớn nhất và uy tín của nước Pháp – có khoảng 22.600 sinh viên và 20 trường; trong đó có Trường Edhec, một trường thương mại có uy tín được mở theo ý muốn của nhà thờ và các nhà công nghiệp miền Bắc. Bà Thérèse Lebrun, Giám đốc – Hiệu trưởng Viện Lille nói: “Chỉ có 10% sinh viên đến học ở đây là do những động cơ về tôn giáo, tức tự nguyện phục vụ các công việc của nhà thờ sau này, còn 90% sinh viên đến học là do nhận thấy chất lượng giảng dạy của viện tốt, đáp ứng được nhu cầu của xã hội sau này. Tuy đây là trường học tôn giáo, nhưng tinh thần cơ chế thị trường và ý tưởng về một nền công nghiệp hiện đại dựa trên những tiến bộ về thông tin và tự động hóa thể hiện rất rõ trong chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy”.
Hiệp hội các trường đại học Công giáo cũng thực hiện quan điểm này trong quan hệ với chính quyền. Trong hè năm 2010, Hiệp hội đã ký nhiều hợp đồng với Bộ Đại học, theo đó chính quyền phải công nhận tính đặc thù của các trường tôn giáo (giảng dạy đạo giáo trong trường và một số quy chế khác của tín đồ). Ngược lại, các trường này phải chịu sự giám sát và đánh giá của chính quyền về mặt chuyên môn và phải hoàn thành những nhiệm vụ quy định.
Một số trường đạo còn đi xa, đi nhanh hơn theo hướng đón đầu những chủ trương chính sách của nhà nước về mặt giáo dục. Ví dụ trong lĩnh vực đào tạo giáo viên, bồi dưỡng giáo viên… Ông Jean-FrancoisCopé, lãnh đạo một trường công giáo đã giới thiệu mô hình mới theo phương châm “Đạo giáo – thế tục – đa văn hóa” nhằm đào tạo những vị giáo chủ trong tương lai. Năm 2012, ICP sẽ đưa ra mô hình mới gọi là “Hành trình văn học đa khoa tăng cường” được xem như một bước chuẩn bị vào các trường đại học.
Ông Benoit Audhuy, một lãnh đạo của ICP nói rõ: “Chúng tôi muốn mọi người bỏ thái độ thành kiến đối với các trường tôn giáo. Chúng tôi muốn hòa nhập mà vẫn giữ được đặc thù tôn giáo. Đạo và đời không tách biệt. Phải thực hiện việc đời trong niềm tin và phẩm chất tôn giáo. Đó là cách tốt nhất để thực hiện lý tưởng của tôn giáo”.
(theo L’Express)
Phan Thanh Quang
Bình luận (0)