Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Pháp: Dạy môn lý, hóa trên mạng

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh: I.T

Từ tháng 9 năm 2006 thầy Pascal Bihoue’e dạy lý hóa tại Trường Saint Joseph ở Plouguenast (Cote-d’Armor – Pháp) đã biến những giờ học lý hóa thành những “giờ học vui”, làm học sinh rất thích thú, chỉ mong đến giờ của thầy.
Thầy Pascal Bihoue’e không sử dụng sách giáo khoa như một công cụ khô cứng mà dùng những trang sinh động trên internet, với biết bao điều hấp dẫn do thầy tạo ra: tranh hoạt hình, chuyện cổ tích, câu đố… Kiến thức từ chương trong sách giáo khoa đã được thầy “chế biến” lại để học sinh tiếp thụ một cách tự giác, chủ động, vui vẻ, sống động, như chính tự các em tìm ra.
Trên trang web www.biweb.fr, các học sinh lớp 5, 4, 3 (tương đương lớp 5, 6, 7 của Việt Nam) có toàn bộ những tài liệu cần thiết của bộ môn: quá trình thí nghiệm dẫn đến nhận xét, kết luận; các tranh vẽ, hình ảnh, các câu hỏi trắc nghiệm, các bài đọc thêm mở rộng, hướng dẫn thực hành… Học sinh có thói quen sưu tầm những tài liệu từ internet, rồi tập hợp để thành một tài liệu hoàn chỉnh riêng mình. Qua cách dạy và học này, thầy giáo không phải là một người “phát thanh sách giáo khoa”, học sinh không phải là “máy thu thanh”, mà thầy chỉ đóng vai trò hướng dẫn, gợi ý, để học sinh tự mình tìm ra lời giải đáp.
Lúc đầu thầy Pascal Bihoue’e chỉ có một ý định rất thực tế và khiêm tốn: Phải làm một cái gì đó để giúp học sinh học lý hóa một cách tự giác, chủ động, thích thú. Trên Biweb do mình lập ra, thầy không muốn “sao y” sách. Thầy nói: “Tôi soạn bài giảng trên vi tính để học sinh đọc trên máy, tự mình tìm hiểu vấn đề, đề xuất thắc mắc nếu có. Sau đó đến phần bài tập, câu hỏi, học sinh phải tự mình giải quyết trước đã”. Ví dụ ở lớp 5 (lớp 7 VN) có bài: “Thầy trưởng phòng thí nghiệm nhờ bạn H. đi mua dụng cụ bằng thủy tinh để pha trộn các chất. Bạn H. không biết phải mua thứ gì, dùng để làm gì, bạn hãy mách cho bạn H. biết”. Vì máy vi tính không phải là độc quyền của thầy dạy lý hóa, mà còn phải phục vụ các giờ học khác, nên có khi thầy phải in tài liệu ra, hoặc dùng máy chiếu, nhưng dù sao trang Biweb của thầy cũng là cầu nối thường xuyên, thân thiết giữa thầy và trò.
Trang Biweb còn kèm theo nhiều tranh hoạt hình vui, với các nhân vật quen thuộc với tuổi thiếu niên như Tin Tin, Scoubidou, Gaston Lagaffe… Các nhân vật tham gia vào bài học một cách dí dỏm, khi ẩn, khi hiện kích thích trí tò mò của học sinh. Các bài toán lý – hóa đều cho dưới dạng một câu đố vui.Ví dụ: Muốn vượt qua một cái cầu, “con quỷ gác cầu” đòi khách phải dùng những miếng gỗ vuông ghi các kí hiệu của các đại lượng về điện (I, U, R…) ghép với nhau biểu thị một công thức về điện theo yêu cầu; tương tự như vậy để có những công thức hóa học. Hơn nữa để bài học thêm sinh động thầy còn đặt ra những câu chuyện hấp dẫn về “thám hiểm đại dương”, “thám hiểm núi lửa”, khi học về áp suất, nhiệt… Trong bất cứ trường hợp nào, thầy cũng đóng vai trò người hỗ trợ, còn học sinh là người chủ động.
Với cách học đó, môn lý – hóa không còn là một vấn đề xa lạ, bí hiểm gì với học sinh. Không dưới 95 trên 122 học sinh thường xuyên truy cập trên vi tính để học. Em Florent,13 tuổi nói: “Ngày nào em cũng mở vi tính ra xem có gì mới trên Biweb về bài học lý hóa, đặc biệt em rất thích những câu chuyện, câu đố, tranh vẽ”. Thầy Pascal Bihoue’e rất chú ý đến các học sinh học yếu, do đó nội dung trên Biweb phải có tính sư phạm cao, làm sao phục vụ được đối tượng rộng rãi, em nào cũng tìm thấy lợi ích khi tiếp cận.
Đối với thầy Pascal Bihoue’e, sách giáo khoa là một công cụ cần thiết vì nó quy định yêu cầu của chương trình về mặt kiến thức và kỹ năng. Nhưng một cuốn sách giáo khoa cụ thể nào đó cũng chỉ là một cách để thực hiện những yêu cầu đó. Nhiệm vụ của thầy giáo là biến nội dung sách giáo khoa thành “một món ăn ngon, bổ dưỡng” phù hợp với đối tượng học sinh mà mình có trách nhiệm giảng dạy. Điều đó đòi hỏi thầy giáo nhiều công sức, tính sáng tạo, và trước hết là tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề, toàn tâm toàn ý phục vụ thế hệ trẻ, tương lai của dân tộc.
*Học sinh biết tiếng Pháp có thể vào trang www.biweb.fr để đọc thêm, nâng cao kiến thức về lý – hóa.
Phan Thanh Quang (Theo Thế Giới Giáo Dục)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)