Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Pháp: Dạy tác phẩm Đôn Kihôtê qua hình tượng sân khấu

Tạp Chí Giáo Dục

Tác phẩm Đôn Kihôtê được giảng dạy thông qua nghệ thuật sân khấu. Ảnh: I.T

Trong chương trình dạy Văn ở nước nào cũng có nhiều tác phẩm văn học của những nhà văn nổi tiếng. Những tác phẩm đó có thể là nội dung của các vở diễn trên sân khấu hoặc trên màn ảnh. Giảng dạy các tác phẩm đó qua những buổi biểu diễn trên sân khấu là một phương pháp rất tốt giúp học sinh cảm thụ sâu sắc ý nghĩa của tác phẩm về mặt nhân văn, nghệ thuật. Giáo viên ở Pháp đã thực hiện việc dạy tác phẩm Don Quixote (Đôn Kihôtê) qua hình tượng sân khấu rất hiệu quả.
Cô giáo Dominique Bonnevalle dạy Trường Trung học Mozart ở Quận 19 Paris, qua một người bạn cũ tình cờ gặp lại Chantal Pétillot, diễn viên và đạo diễn ở Nhà Biểu diễn, một tổ chức nghệ thuật chuyên giúp nhà trường dựng những tác phẩm nghệ thuật có trong chương trình học. Cùng với Pétillot, cô giáo lên kế hoạch đưa chuyệnĐôn Kihôtêlên sân khấu, do chính học sinh diễn, với sự giúp đỡ của Pétillot.
Rất khó mà khuyên bảo học sinh lớp 4 (tương đương lớp 8 ở Việt Nam) đọc Đôn Kihôtêở nhà! Ngay cả bản tóm lược của Gilles Aufrey chúng cũng bỏ qua! Đối với chúng, truyện này quá trừu tượng, đọc ở lớp “nghe chán quá” và có em còn nói “không biết người ta sáng tác truyện này để làm gì?…”. Cô phải bỏ ra 4 giờ để cùng học sinh nghiên cứu giá trị lịch sử, nhân văn, nghệ thuật của truyện. Nghe cô giáo nói sẽ cho các em đi đến nhà hát, học sinh rất thích thú, bởi trước hết là được nghỉ học đi chơi, sau đó là còn được chễm chệ ngồi trên ghế êm trong nhà hát sang trọng xem diễn kịch.
Cô nói: “Vở diễn cụ thể hóa bối cảnh xã hội, với tất cả những dấu ấn về lối sống, phong tục, tập quán, ngôn ngữ của một thời. Diễn viên cũng là học sinh của lớp. Nhìn các em diễn tôi rất xúc động. Hai năm trước có một học sinh trốn diễn luôn, thế mà năm nay cậu ta tự tin lên diễn chững chạc”.
Ngoài việc cảm thụ tác phẩm, diễn trên sân khấu giúp các em vốn lâu nay mặc cảm về hoàn cảnh gia đình hay học yếu thấy tự tin hơn. Vở diễn với hình tượng Đôn Kihôtêđứng lên chiến đấu chống bất công có tác dụng giáo dục tốt.
Cô nói tiếp: “Tôi thường nói với các em là văn học, từ trong bản chất là đấu tranh và tìm lời giải đáp”.
Để học sinh hiểu thêm ý nghĩa của tác phẩm, đạo diễn cho các em viết tự luận. Khi học sinh được hỏi: tại sao các em đấu tranh và đấu tranh vì cái gì? Nhiều em trả lời rất thật thà, cụ thể: “Em muốn trở thành một người mà em phục”, “Em muốn cho em trai của em khỏi bệnh”, “Em muốn được người khác nể minh”… Nhiều em (có lẽ là da màu) nói về nạn phân biệt chủng tộc: “Em muốn mọi người đừng nhìn em có vẻ khác biệt”. Dưới ánh đèn sân khấu mọi tính cách đều bộc lộ. Giữa các học sinh với nhau, ngày thường hình như có sự ngăn cách vô hình, đố kỵ nhau, thậm chí xung đột, dù ở mức độ hời hợt của trẻ vị thành niên. Qua công việc chuẩn bị cho một vở diễn, chúng hiểu nhau hơn, có lòng thông cảm và bao dung. Hơn nữa qua vở diễn học sinh học được phong cách làm việc tập thể, theo nhóm.
 Sau một thời gian tập tành, cuối cùng rồi vở diễn Don Quichotte đã được diễn trong 20 phút với sự có mặt của học sinh và nhiều thầy cô. Truyện Đôn Kihôtê trước kia đối với các em quá xa lạ, khô khan, giờ đã trở thành một cột mốc đánh giá sự tiến bộ của các em về mặt kiến thức văn học với tất cả ý nghĩa nhân văn và nghệ thuật của một tác phẩm văn học dạy trong nhà trường.
Phan Thanh Quang
 (Theo Thế giới giáo dục)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)