Một thầy giáo ở Pháp tìm tài liệu ở thư viện. Ảnh: I.T |
Bắt đầu từ năm học 2008 chương trình giảng dạy tiểu học ở Pháp không kèm theo tài liệu hướng dẫn giảng dạy như mọi năm nữa. Từ trước tới nay để áp dụng chương trình, giáo viên dựa vào 90 trang chương trình và 800 trang tài liệu hướng dẫn. Bắt đầu năm học 2008, họ chỉ có trong tay vỏn vẹn 31 trang chương trình, và chỉ có thế thôi!
Không phải chỉ số trang ít ỏi kia mới làm cho giáo viên cảm thấy “đơn độc”, mà tài liệu hướng dẫn cần thiết cho việc thực hiện chương trình (nguồn tài liệu tham khảo…) cũng không có tất! Nghĩa là giáo viên phải tự mình xoay xở, tự biên tự diễn.
Bà Maria Jarrega, giáo viên tiểu học của một trường vùng Paris than: “Điều đó làm tôi cảm thấy đơn độc trong nghề nghiệp, trong bối cảnh lớp học không đồng nhất, chương trình mới chỉ nêu ra những mục rời rạc, không giúp gì cho việc giáo viên soạn bài. Chúng tôi phải tự mình suy nghĩ cách lên lớp: dùng dụng cụ gì, ưu tiên phương pháp gì, lúc nào thì đưa ra khái niệm nào… Không có tài liệu kèm theo chúng tôi mất một sự hỗ trợ về sư phạm”.
Ông Philippe Joutard, Chủ tịch Hội đồng soạn thảo chương trình năm 2002 than phiền rằng việc bãi bỏ tài liệu hướng dẫn có hại cho công tác giáo dục nói chung, bao gồm những bất cập về sự phối hợp, sự yếu kém trong khâu đào tạo liên tục, và vì thế bắt đầu từ năm 2010 Viện Đại học Đào tạo giáo viên (IUFM) cũng mất đi số năm đào tạo.
Cùng một ý kiến với công đoàn Giáo dục là “tình trạng không có tài liệu hướng dẫn là một nhân tố cô lập và không ổn định”, một vị hiệu trưởng lâu năm còn sợ rằng sự bất ổn còn trầm trọng hơn. “Một mình trước lớp với những học sinh càng ngày càng phức tạp, nếu không có cái gì cầm chắc trong tay (ý nói tài liệu hướng dẫn), bạn cảm thấy khó khăn hơn…”. Ở bậc tiểu học, “nơi mà giáo viên phải dạy tất cả các môn, đặc biệt ở nông thôn, giáo viên lại càng cảm thấy đơn độc”.
Ở những trường mà giáo viên phải dạy những môn mà mình không chuyên, thì có nguy cơ là giáo viên bỏ đi những kiến thức mà mình không nắm vững lắm, hoặc chỉ dạy qua loa cho có.
Đối với giáo viên trẻ, thì vì thiếu kinh nghiệm, mà không có tài liệu hướng dẫn trong tay, họ giảng dạy tùy hứng, lan man, chỗ nào thích thì dạy “trên trời dưới đất”, chỗ không thích, hay nắm không vững thì bỏ tùy tiện.
Dư luận giáo viên tỏ ý bất bình: “Bộ Giáo dục không quan tâm gì đến chức năng của mình là phổ biến kinh nghiệm và hướng dẫn tư duy sư phạm”.
Nhưng không phải ai cũng nghĩ như vậy. Có nhiều ý kiến lập luận: “ Giáo viên không phải chỉ là người thừa hành. Từ những yêu cầu đề ra, họ phải tự mình sáng tạo ra sản phẩm sư phạm (bài giảng, giáo án), để giúp học sinh học kết quả”. Như thế mới phù hợp với quan niệm mới về nghề sư phạm, là nghề tự do trong phương pháp, trách nhiệm trước học sinh. Mỗi giáo viên phải tự làm chủ kiến thức và phương pháp sư phạm do mình tạo ra, không ai làm thay thế cho mình được.
Cũng có một ý kiến khác của một giáo viên trẻ ở Paris: tài liệu hướng dẫn đâu có ngăn cản tính sáng tạo và tự do của giáo viên? Trái lại nó giúp cho giáo viên có chỗ dựa để đi đúng hướng, theo đúng yêu cầu của chương trình. Như vậy giữa tài liệu hướng dẫn và đặc điểm về sự tự do của nghề giáo đâu có mâu thuẫn gì!
Trong mọi trường hợp, muốn cho giáo viên nắm vững được yêu cầu của chương trình, cần phải có thời gian. Dù có tài liệu hướng dẫn cũng phải mất từ 5 đến 10 năm. Ngày nay còn nhiều giáo viên dùng sách giáo khoa từ năm 2002! Không có tài liệu hướng dẫn thì quá trình này còn dài hơn. Không loại trừ trường hợp giáo viên không áp dụng chương trình mới theo quy định của Bộ Giáo dục.
Trong thời gian đầu nhiều giáo viên tiếp tục dùng tài liệu của năm 2002, hay các nguồn khác, xem như sách giáo khoa.
Nhưng rõ ràng “cái khó ló cái khôn”! Vì khó khăn về tài liệu hướng dẫn nên các giáo viên tìm đến nhau học hỏi, bổ sung cho nhau, tức là tự giác hình thành phong cách làm việc mới, là làm việc theo nhóm.
Và như vậy là trúng ý của ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Xavier Darcos, người lâu nay vẫn hô hào, khuyến khích: “Làm việc theo nhóm là một tiêu chuẩn của người lao động trong thời đại mới!”.
Phan Thanh Quang
(Theo Thế giới Giáo dục số 12/2008)
Bình luận (0)