Ảnh: I.T |
Hàng năm ở Pháp có hàng triệu học sinh tốt nghiệp phổ thông, nhưng chỉ có một số được tiếp tục học trong các trường đại học, cao đẳng, còn đa số “lạc lõng”, mất phương hướng, không biết mình sẽ xin học trường chuyên nghiệp nào, trường dạy nghề nào, vì chính họ cũng không hiểu mình muốn gì, làm được gì.
Vai trò của cha mẹ và người thân
Nguyên nhân của tình trạng trên là ở chỗ ngay từ thời học phổ thông họ không được giáo dục hướng nghiệp (GDHN), không được tạo điều kiện để tự hiểu mình về xu hướng, khả năng, sở thích, sở trường, sở đoản, mặt mạnh mặt yếu… Do đó, cung cấp cho học sinh những kiến thức phổ thông và kiến thức về hướng nghiệp là nhiệm vụ không thể tách rời của nhà trường. Trong nội bộ gia đình, GDHN phải được tiến hành một cách khác, không sách vở mà qua tâm sự, lồng vào sinh hoạt đời thường. Không phải đòi hỏi các em vạch ra được một “kế hoạch tương lai” có bài bản, mà giúp các em tự tìm hiểu mình. Cha mẹ và người thân đóng vai trò quyết định. Ông Didier Pleux tiến sĩ về tâm lý phát triển nói: “Các gia đình thường không muốn bàn về hướng nghiệp với con em từ khi chúng còn đang học phổ thông, vì sợ khép chúng vào nghề sớm làm chúng cảm thấy lo âu như sắp phải xa gia đình. Đợi các em học xong mới đặt vấn đề sở thích, xu hướng, nghề nghiệp sẽ làm các em ngỡ ngàng, bối rối trước quá nhiều lựa chọn, không biết mình muốn gì, làm được gì. Tốt nhất là phải theo dõi để đánh giá sở thích và xu hướng của trẻ từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Bà Berna-dette Dumora, nhà nghiên cứu về tâm lý hướng nghiệp nói: “Suy nghĩ về tương lai và quá trình học tập phải được chuẩn bị dài hơi từ đầu”.
Nhà trường và xã hội cùng chung tay
GDHN thành công khi dựa vào tính cách của trẻ. Ông D.Pleux nói: “Cha mẹ phải giúp các em tự khám phá mình về sở thích, xu hướng, khả năng. Phải quan sát các em hàng ngày, bàn bạc với các giáo viên, đừng ngại gặp các nhà hướng nghiệp, và cả các nhà tâm lý”. Ông nói thêm: “Phải quan sát xem các em phản ứng ra sao trước môi trường thiên nhiên và xã hội. Đừng vội ghép các em vào một xu hướng nhất định, vì ở tuổi này tính cách của chúng đang hình thành, chưa chắc chắn. Quan sát tính cách của trẻ (loại trầm tĩnh hay hiếu động), sở thích của trẻ (yêu khoa học, tìm tòi, khám phá hay yêu nghệ thuật), giúp trẻ tìm hiểu các ngành nghề. “Thường chúng chỉ có trong đầu vài nghề “có giá trị” theo cảm tính như diễn viên, luật sư, bác sĩ. Và cha mẹ chúng cũng có những cái nhìn hời hợt về vài nghề thông dụng” – bà B.Dumora nói. Thực ra ngoài phạm vi nhà trường, có rất nhiều tổ chức công và tư có thể tư vấn cho các em về xu hướng nghề nghiệp, trên những cơ sở thể chất, khả năng, tâm lý. Hiện ở Pháp có Trung tâm Thông tin và Hướng nghiệp (CIO: Centre d’information et d’orientation) với số lượng là 660 địa chỉ, 4.500 cố vấn sẵn sàng tư vấn cho học sinh trong vấn đề hướng nghiệp. Ở cấp địa phương có những trung tâm Thông tin cho Tuổi trẻ (CIJ: Centre d’informa-tion jeunesse). Các trung tâm này cung cấp cho học sinh phổ thông nhiều thông tin rất thiết thực về hướng nghiệp, kể cả những băng đĩa, CD-ROM giới thiệu các ngành nghề trong các ngành kinh tế và xã hội Pháp. Nhiều hiệp hội chuyên nghiệp và trung tâm nghề sẵn sàng giúp học sinh chọn ngành nghề tương lai.
Ông D.Pleux kết luận: Phải biết xác định càng sớm càng tốt sự lựa chọn cuối cùng về nghề nghiệp. Giáo dục phổ thông phải tạo điều kiện cho học sinh hình thành dần dần trong đầu xu hướng nghề nghiệp trong tương lai, độc lập với những ước muốn chủ quan của cha mẹ. Đôi khi, nó còn phải giúp học sinh thoát khỏi những ước mơ viển vông không có cơ sở, cảm tính, và trở lại đúng với thực chất của chúng về thể chất, khả năng, điều kiện, sở thích…”.
(Theo Thế giới Giáo dục)
Phan Thanh Quang
Bình luận (0)