Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Pháp: Học nhiều nhưng chất lượng thấp

Tạp Chí Giáo Dục

Các chuyên gia cho rằng học sinh tiểu học ở Pháp thời gian học trong một ngày quá dài so với khả năng chú ý của các em (ảnh minh họa).  Ảnh: I.T

Đối với học sinh phổ thông, mỗi năm nên học mấy ngày, mỗi ngày nên học mấy giờ? Đó là điều mà các nhà khoa học, tâm lý học, sư phạm đang bàn cãi nhưng vẫn chưa có đáp án thực sự.
Thời khóa biểu học đường phải đảm bảo được mục tiêu khoa học (bảo đảm sức khỏe học sinh), sư phạm (tiếp thu kiến thức thuận lợi nhất, phát huy tính sáng tạo), tâm lý (cảm thấy thích thú học tập). Ông Pablo Jensen, Giám đốc Trung tâm Quốc gia Pháp về Nghiên cứu Khoa học ở Phòng thí nghiệm Vật lý thuộc Trường Cao cấp Quốc gia Lyon cho biết, trong một năm học, học sinh (bậc tiểu học) học 913 giờ trong 144 ngày (trung bình mỗi ngày 6 giờ 20 phút). Còn trên tạp chí Thế giới Giáo dục, các chuyên gia về nhịp sinh học cho rằng một ngày học như vậy là quá dài so với khả năng chú ý của các em. Theo họ, trẻ em có hai đỉnh tập trung sức chú ý, đó là khoảng 10 giờ và 15 giờ. Ngoài những giờ ấy ra, tốt nhất là cho các em hoạt động nhẹ nhàng, đưa hoạt động mỗi ngày về 4 hoặc 5 giờ. Muốn giữ được số giờ hàng năm, phải làm việc 5 ngày mỗi tuần và rút ngắn thời gian nghỉ hè.
Có thể dựa vào ý kiến của các nhà “nhịp sinh học” (nghiên cứu trạng thái tâm sinh lý người trong những thời điểm khác nhau) để lập thời khóa biểu học tập và sinh hoạt trong nhà trường được không? Câu hỏi này khó có được câu trả lời thống nhất của nhiều người, vì mỗi người có một chỗ đứng khác nhau về nghề nghiệp trong xã hội. Ngay giữa thầy giáo và phụ huynh cũng có ý kiến khác nhau. Nhưng có một điều chắc chắn là đã có một sự khác biệt quá rõ ràng giữa việc bố trí thời gian học (trong năm, trong tuần, trong ngày, thậm chí trong một tiết) giữa nước Pháp và các nước khác ở châu Âu. Theo đó, nước Pháp tỏ ra “không giống ai”, biểu hiện ở số ngày học, giờ học nhiều hơn hẳn. Nhưng đáng tiếc là chất lượng học tập của học sinh phổ thông của Pháp, theo đánh giá của PISA (Programme for Internaional Student Assesment) do OECD (Organisation For Economic Co-Operation and Developpement) thực hiện, kỳ nào cũng ở vào loại “thường thường bậc trung”, đứng sau rất xa Phần Lan và Canada. Cần nhắc lại rằng PISA không chỉ đánh giá kiến thức sách vở của học sinh qua những câu hỏi và bài làm lý thuyết, mà còn kiểm tra cả khả năng áp dụng kiến thức vào đời sống. Ví dụ, kiểm tra xem học sinh có biết xem bản đồ mạng tàu điện, tàu hỏa không; có biết phân tích ảnh hưởng của hiện tượng nhiệt độ trái đất tăng lên do hiệu ứng nhà kính không; có kiến thức cơ bản về bệnh thông thường không; có viết được một bài tường thuật, hoặc một cái thư ngắn suôn sẻ không… Bảng đánh giá chất lượng của học sinh phổ thông Pháp còn cho thấy ở Pháp khoảng cách giữa học sinh giỏi và kém quá xa, khác hẳn với các nước còn lại. Tư tưởng “chọn tinh hoa” còn quá nặng, 20% học sinh không có điều kiện bị bỏ rơi vì không theo kịp nên càng ngày càng đuối. Điều đó mâu thuẫn với sự kiện số giờ học trong năm của Pháp nhiều nhất châu Âu, mà số ngày học lại ít hơn hẳn (học 900 giờ trong 150 ngày). Điều đó nói lên điều gì? Phải chăng nước Pháp đã quá xa rời những đòi hỏi thực tế của một cuộc sống hiện đại, chương trình học còn dài lê thê những lý thuyết vô ích có tính hàn lâm không cần thiết cho học sinh phổ thông. Cần nhắc lại rằng Tổng thống Pháp đã có lần phê phán sự rối rắm quá đáng trong cách phân chia ban bệ ở ngành giáo dục phổ thông.
Số ngày học trong tuần, số giờ học trong ngày phụ thuộc vào vấn đề cơ bản là dạy cái gì cho học sinh phổ thông để các em có thể học tiếp ở các trường chuyên ngành thuộc hệ CĐ, ĐH (một số ít thực sự có khả năng) hoặc vào các trường chuyên nghiệp, trường dạy nghề (đại đa số). Dưới đây là bảng so sánh số ngày học trong năm, số giờ học trong năm ở các nước (số gần đúng):
Pháp (ngày học: 150; giờ học: 900); Italia, Anh (180, 875); Bỉ (175, 825); Tây Ban Nha (175, 825); Đan mạch (200, 675); Đức, Phần Lan (185, 600).
Qua thống kê này có thể thấy: Pháp (được xếp loại trung bình) có số ngày học ít nhất, nhưng số giờ học nhiều nhất (trung bình 6 giờ/ ngày). Phần Lan, nước đứng đầu về chất lượng phổ thông, có số ngày học nhiều nhất, nhưng số giờ học ít nhất (trung bình 3 giờ/ ngày), còn ngoài ra các em được sinh hoạt ngoại khóa (thể thao, văn nghệ…).
Ai bảo học nhiều là giỏi? Học ít là dở? Vấn đề cơ bản là học để làm gì? Học cái gì ? Rồi từ đó mới xác định học như thế nào.
(Theo La Recherche)    
Phan Thanh Quang

Bình luận (0)