Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Pháp: Học với máy vi tính từ tiểu học

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh: I.T

Kỹ thuật vi tính có giúp được gì cho việc giảng dạy ở các lớp tiểu học không? Câu trả lời phụ thuộc vào nội dung bài học, cách sử dụng, thực chất là khả năng của thầy cô giáo. Hiện nay phương tiện này chưa được phổ biến, nhưng trong tương lai nó sẽ có một vai trò quan trọng trong quá trình giảng dạy. Hãy quan sát một giờ dạy có sử dụng vi tính ở một trường tiểu học của Pháp.
“Muốn chia hai phân số ta phải làm thế nào?”. Giọng một em vang lên từ trong máy vi tính: “Muốn chia hai phân số ta lấy phân số thứ nhất nhân với phân số đảo ngược của phân số thứ hai”. Lớp này do thầy Pierre Charles ở Trường Tiểu học Mirabelle, một vùng quê nước Pháp, phụ trách.
Các HS ở ngôi trường bé nhỏ này, cũng như phụ huynh được sống trong thời đại kỹ thuật truyền thông và thông tin hiện đại, có thể tiếp cận với những chương trình giảng dạy trên vi tính. Họ có thể nghe lại bài giảng, tự kiểm tra bài giải toán trên vi tính thông qua chương trình “123 mặt-trời” (http//123soleil. scolablog.net) do các thầy thiết kế trên blog phục vụ HS hàng ngày.
Thầy Charles đã tiếp cận với các blog trên net từ rất lâu, nhưng theo thầy “Đa số chẳng mang lại ích lợi gì cả: không có âm thanh, không có video, khó kiểm soát, rất khó sử dụng để giảng dạy cho HS”. Thầy trở lại với giải pháp Scolablog, do Thế hệ 5 (tổ chức liên kết với Hiệp hội Giáo viên Sésamath soạn sách giáo khoa toán đầu tiên sử dụng miễn phí trên mạng). Thầy nói: “Scolablog đề nghị hai phiên bản, một phiên bản miễn phí, chỉ cung cấp những bài viết, một phiên bản với lệ phí 30 Euro/năm cho phép ghi hình và tiếng. Sử dụng rất đơn giản, thầy giáo có thể kiểm soát trước được”. Nhờ phương tiện này mà HS tiến bộ rõ rệt về chính tả. Thực vậy, các từ viết sai được hiện lại trên màn hình, thầy giáo phân tích, chữa lại. Hơn nữa, nội dung trên blog được chiếu to lên màn hình treo trên tường rõ ràng (máy chiếu do thầy tự làm từ những chi tiết mua trôi nổi!).
Hàng ngày, blog là người bạn đồng hành với học tập: giáo khoa, bài tập, bài chữa, bài đọc thêm, chuyện ngoại khóa, bài hát, thơ. Nó rất phong phú, rất hấp dẫn, hòa nhập hoàn toàn với đời sống học đường. Hơn nữa đó là sợi dây liên hệ giữa phụ huynh với nhà trường, từ việc học của con em cho đến thực đơn ăn của chúng hàng ngày ở căn-tin. Đi xa hơn nữa, để uốn nắn phát âm cho HS, thầy Charles còn có sáng kiến ghép 32 âm với 32 hình ảnh về cách phát âm. Ở nhà các em có thể nhìn vào màn hình để tập phát âm cho đúng. Thiết lập từ năm 2007, nội dung blog ngày càng phong phú theo hoạt động của lớp. Tài liệu nghe đã phong phú, nhưng nghe – nhìn còn hiếm. Thầy nói: “Tôi dùng blog để chỉ cho phụ huynh cách chăm sóc súc vật, cây cối… Chỉ cần truy cập trên You Tube sẽ có thông tin cần thiết…”.
 Việc HS tiếp xúc với vi tính từ nhỏ đem lại lợi ích lâu dài. Dần dần các em làm quen với vi tính, sau này có thể dễ dàng vượt qua được những kỳ thi lấy chứng chỉ tin học và internet trình độ sơ cấp. HS Trường Mirabelle từ lớp thấp nhất cho đến lớp trên cứ như thế tiếp cận với vi tính cho đến khi vào trường PTCS. Tất nhiên các thầy cô cũng vì thế mà bận hơn. Theo ước tính mỗi thầy mỗi ngày phải bận thêm khoảng 20 phút, chưa kể trường hợp máy hỏng, có vấn đề trục trặc…
Một vấn đề thực tế đặt ra: với cách học trên blog như vậy, rõ ràng những em mà gia đình không có máy vi tính sẽ bị thiệt thòi. Đúng là như vậy, nhưng cũng có thể giải quyết bằng cách cho các em sử dụng vi tính nhiều giờ hơn ngay tại trường. Và vận động nhà nước, xã hội hỗ trợ thêm máy vi tính cho nhà trường. Hiện nay số máy nhà nước cung cấp đạt (2 máy đặt bàn + 1 máy xách tay) trên 18 máy. Nhà trường đã có kế hoạch vận động các xí nghiệp giúp trang bị máy cho trường.
 Tin học trong nhà trường đòi hỏi thiện chí và nhiệt tâm của xã hội đối với sự nghiệp giáo dục thế hệ mới.
Phan Thanh Quang
 (Theo Thế Giới Giáo Dục)

Bình luận (0)