Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Pháp: Khuyến khích nữ sinh học ngành điện tử

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh: I.T

Các chuyên gia về điện tử, kỹ thuật điện, tự động hóa, tin học và viễn thông ngạc nhiên và tự hỏi: tại sao rất ít nữ sinh đăng ký vào học các ngành trên, dù họ đã mở hết “công suất” tuyên truyền, khuyến khích, thậm chí mời mọc. Dường như vẫn còn rất nhiều định kiến trong chọn nghề đối với phái nữ, bởi thế nên ở Pháp số sinh viên nữ chỉ chiếm từ 5 đến 12% tổng số sinh viên các trường đào tạo kỹ thuật viên và kỹ sư.
Ưu tiên cho sinh viên nữ
Viện Kỹ thuật Điện tử Cao cấp Paris tung hết mọi “ngón tuyên truyền” để chiêu dụ học sinh. Báo chí in cảnh học sinh đang thuyết trình về vận hành của vệ tinh địa tĩnh, và xử lý dữ liệu máy tính. Trên tường treo ảnh một tủ nặng trĩu băng hoạt hình và ba máy phục vụ trò chơi trên mạng và ký túc xá sinh viên đầy tiện nghi. Riêng ký túc xá dành cho nữ sinh viên thì “có thể nói là sang trọng, vì chúng tôi được ưu đãi”, theo lời cô Marie một nữ sinh (năm thứ hai) hiếm hoi của ngành điện, đồng thời là vận động viên thuyền buồm của trường. Cô Isabelle, sinh viên năm thứ nhất khoe: “Người ta ưu tiên cho nữ vào học điện kỹ thuật. Nữ sinh ở đây không bị ganh đua khốc liệt như thường thấy ở trong khóa chỉ có nữ với nhau”. Đáng tiếc là hình ảnh cổ điển trong chiêu sinh “một kỹ sư ngồi thiền trước vi tính, với nét mặt đăm chiêu” lại không hấp dẫn gì với các bạn nữ. Trong những năm 80 có đến 1/3 số sinh viên là nữ, ngày nay chỉ còn 11%!Nữ kỹ sư thừa biết một khi nắm được tấm bằng trong tay, họ có thể dễ dàng tìm được một chỗ làm ngon lành, vì nhiều cơ sở kỹ thuật “trải thảm đỏ” mời các cô.
Lợi thế
 Nữ vào học kỹ sư điện cũng hợp lắm, vì đâu có phải chỉ là điện mà còn “công tác đối ngoại” vốn rất phù hợp với nữ. Cụ thể của công việc này có thể là liên hệ với các nhà máy, khách hàng (để ký hợp đồng), vật tư… Một lý do nữa để thu hút phái nữ là đảm bảo “tiền lương nam nữ như nhau, chế độ chính sách bảo hiểm có phần ưu tiên hơn, nhất là khi có thai, sinh đẻ”.
Bóng dáng các nữ sinh trong Trường Đại học Kỹ thuật điện cũng làm không khí khô khan của trường dịu mát. Một vị trong ban giám hiệu nói: “Nữ sinh tô điểm cho trường, nếu không có họ, người ta có cảm giác trường này là trường quân sự! Và rõ ràng sự có mặt của nữ sinh trong học tập, sinh hoạt thể thao, văn nghệ, và trong giao tiếp cũng làm cho nam sinh biết điều hơn, tỏ ra “có văn hóa hơn, lịch sự hơn”, không khí thi đua học tập thêm phần sôi nổi và đi đến chất lượng hơn”.
Trên thực tế các thầy cũng có nương tay hơn trong kiểm tra, sát hạch đối với nữ sinh, nhất là trong các kỳ thi vấn đáp. Điều này cũng dễ hiểu, nhưng đừng ai nghĩ rằng thành tích học tập của nữ sinh là kết quả của sự khuyến khích. Họ rất tự ái, phản đối kịch liệt và khẳng định: chúng tôi xứng đáng thực sự với những đánh giá tốt của lãnh đạo, vì chúng tôi học chăm, học giỏi. Bằng chứng là huy chương vàng về học tập năm vừa qua được trao cho nữ sinh viên Séverine. Các thầy giáo cũng thừa nhận nữ sinh thường là những sinh viên cần cù, kỷ luật hơn, có tinh thần trách nhiệm hơn và có tính tỉ mỉ, chính xác của một người làm công tác khoa học. Rất nhiều nữ kỹ sư điện ra trường với “bằng đỏ”, được nhiều nhà máy, công ty đón nhận.
Vượt qua mặc cảm giới tính, nữ sinh hoàn toàn bình đẳng với nam về tất cả mọi phương diện. Các bạn nữ có khả năng, có điều kiện hãy mạnh dạn đầu quân vào học các trường kỹ thuật điện, là trường mà lâu nay phái nam chiếm ưu thế để trở thành kỹ sư điện.
(Theo Tạp chí Phosphore, Pháp)   
PHAN THANH QUANG

Bình luận (0)