Khuôn viên Trường Jacques Decour. Ảnh: I.T
|
Có thể nói, mỗi ngôi trường xưa là một chứng nhân của lịch sử, mang trong lòng biết bao biến cố thăng trầm của xã hội, của dân tộc. Bao thế hệ đã sống, học tập dưới mái trường lần lượt ra đi. Và với thời gian, mỗi người có một số phận, một con đường. Người trở thành anh hùng, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nổi tiếng…
Đó là chuyện bình thường. Nhưng nhà trường cũ vẫn còn đó, như một người thư ký già cần mẫn ghi chép lại những chuyện đã qua, để kể lại cho lớp học sinh con cháu ngày nay những biến cố, những con người đã một thời ở trường này: ngày trước ở trường này, nhiều thầy giáo và cha ông các em đã đổ máu hy sinh giành tự do, độc lập cho Tổ quốc….
Có thể nói Trường Jacques Decour ở Paris là chứng nhân của một giai đoạn đau thương và anh dũng của nước Pháp trong thế chiến thứ hai, thời kỳ phát xít Đức chiếm đóng nước Pháp. Máu của nhiều thầy giáo và học sinh đã đổ xuống cho nền độc lập dân tộc. Năm 1941, nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng. Lực lượng kháng chiến chống phát xít, mà nòng cốt là Đảng Cộng sản Pháp rút vào bí mật, tiếp tục chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Tổng thống De Gaulle. Phát xít Đức dựng lên một chính phủ bù nhìn tay sai do Thống chế Pétain đứng đầu. Ngày 11 tháng 10 năm 1941, tờ báo Nhật Báo Chính Thức thông báo rằng Thống chế Pétain đang ra lệnh tiến hành dỡ bỏ những tượng làm bằng hợp kim đồng đặt ở những nơi công cộng với mục đích “lấy kim loại sản xuất máy nông nghiệp”. Ai cũng biết đằng sau quyết định đó là phát xít Đức, với ý đồ cướp tài sản của nhân dân Pháp phục vụ chiến tranh. Ở sân Trường Charles Rollin, tọa lạc ở đường Trudaine Paris, thời đó có một pho tượng bằng đồng hun, tạc hình Charles Rollin – một nhà sử học (1661-1741). Trả lời chỉ thị của Giám đốc Học chánh, một người thân phát xít, ông Hiệu trưởng nói: “Tượng không có chất đồng”. Trong bối cảnh lúc bấy giờ, vấn đề này được bỏ qua. Thế là tượng nhà sử học Rollin được cứu thoát! Nhưng số phận của ông vẫn còn long đong… Ngày 19 tháng 8 năm 1944, cuộc nổi dậy của nhân dân Paris đang lan tràn khắp nơi, các giáo viên của trường kéo đến gặp Hiệu trưởng nhà trường yêu cầu đổi tên Trường Rollin thành Trường Decourde – mande – một giáo viên của trường đã bị cảnh sát Pháp bắt cách đây hai năm, bị tra tấn và bị bọn phát xít xử bắn ở đồi Valérien. Ngày 23 tháng 8, một lá cờ tam tài to được treo ở cửa sổ và trong tiếng nhạc quốc ca hùng tráng La Marseillaise, ngay trước mũi quân phát xít Đức, một băng rôn được trương ra trước cửa lớn. Tên người anh hùng được dương cao: Daniel Decourdemande, tức Jacques Decour (21-2-1910 – 30-5-1942), thay thế cho tên Rollin. Decour là tên một thầy giáo của trường và cũng là nhà văn, nhà báo, nhà phê bình, nhà nghiên cứu, đồng sáng lập viên của “Những bức thư Pháp”; tác giả của “Philisterburg”, người dịch Kleist và Heine…
Một giờ sau khi Decour bị xử bắn, Hiệu trưởng Trường Rollin vào lớp của ông và đứng trên bục giảng nói: Thầy giáo dạy tiếng Đức của các em đã bị bọn lính chiếm đóng xử bắn. Một không khí lạnh như băng pha đôi chút sợ hãi. Thực ra lúc bấy giờ trong học sinh cũng có những xu hướng khác nhau: chống phát xít và thân phát xít. Điều này được phát hiện trong tập hồ sơ lưu trữ cũ nát, vàng úa trong góc tủ sau mấy chục năm. Qua hồ sơ, diện mạo của trường lúc đó được rõ hơn: một ngôi trường có khuôn viên hình học rõ ràng, nằm ở chân đồi Montmartre. Vào năm 1939 có đến 2.000 học sinh với mọi xu hướng chính trị. Tại trường này 27 học sinh Do Thái bị bọn phát xít bắt đi và không bao giờ trở lại. Nhiều người ở trường này về sau trở thành những nhà chỉ huy quân sự, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nổi tiếng. Và tất nhiên cũng có cả những tên phản bội, tay sai phát xít. Nhưng tuyệt đại đa số là những người yêu nước dũng cảm hoạt động bí mật chống phát xít: vào rừng tham gia du kích, in dán truyền đơn kêu gọi nhân dân đứng lên gây cho kẻ thù nỗi hoang mang, kinh hoàng còn nhân dân thì tin tưởng, phấn khởi, tiến đến cao trào giải phóng đất nước… Nhiều thầy giáo và học sinh của trường đã bị bọn phát xít sát hại dã man và hy sinh trong cuộc kháng chiến giành độc lập.
Thời gian trôi qua đã hơn nửa thế kỷ, ngôi trường cũ Rollin (được đổi tên là Decour từ 19 tháng 8 năm 1944) dưới chân đồi Montmartre vẫn còn đó. Từ trường này bao thế hệ đã ra đi, nhưng hình ảnh của họ – lòng yêu nước, tinh thần hy sinh, chiến đấu dũng cảm vì nhân dân, vì độc lập tự do vẫn còn sống mãi trên từng tấc đất, từng gốc cây. Và tất nhiên trong tiếng hát quốc ca hùng dũng trong sáng của thế hệ mới dưới lá cờ của Tổ quốc: “Hãy cùng đi, những người con của Tổ quốc, ngày vinh quang đã đến rồi…” (Quốc ca Pháp).
(Theo Người Quan sát mới số 8- 2010)
Phan Thanh Quang
Bình luận (0)