Học sinh (HS) lưu ban do sức học kém đang là nỗi bận tâm của ngành giáo dục ở Pháp. Tình trạng này làm khổ chính HS, khổ gia đình, khổ nhà trường. HS thì chán học, mặc cảm; gia đình thì tốn kém; nhà trường thì lúng túng “bỏ thì thương, vương thì tội”.
Một lớp học ở Pháp (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: I.T
|
Một ngày cuối tháng 6 vừa qua, 80 gia đình ở Ille-et-Vilaine (một vùng ngoại ô của quận Rennes) phải đến trường để nghe thông báo trường hợp lưu ban của con mình ở lớp đệ nhị cấp (lớp 11 ở Việt Nam). Bố của HS Corentin, trong lúc đợi đến lượt mình làm việc với ban giám hiệu, cho biết có nhiều trường hợp lưu ban là không đúng. Vì ông là giáo viên nên hiểu phần nào vấn đề này.
Ở thủ đô Paris tình hình cũng giống ở Ille-et-Vilaine. Mười bốn phụ huynh có con đang học lớp 10 ở một trường nổi tiếng bị lưu ban cũng đang chờ làm việc với nhà trường. Mẹ của HS Paul là một nhà báo nổi tiếng, đã từng đưa các “ông lớn” lên mặt báo. Nhưng bây giờ thì bà cảm thấy mình quá “nhỏ”, vì con của bà nằm trong diện lưu ban do điểm kém. Bà nói: “Chắc là nó phải lưu ban thôi, tôi phải nhờ bạn bè góp ý kiến bây giờ nên làm gì. Các bạn tôi đều khuyên là cần phải “chạy””. Nhưng rồi giờ “G” đã đến, niềm tin của bà thành bong bóng xì hơi! Trước mặt bà là 12 người ngồi thành một vòng cung: hiệu trưởng, giáo viên, trợ lý xã hội, đại diện ban cha mẹ HS… như là một phiên tòa! Trên “ghế bị cáo” bà bị thẩm vấn đủ các câu hỏi. Bà thấy mình cũng có lỗi vì không quan tâm đến tình hình học tập của Paul.
Tình trạng lưu ban ở Pháp đã bị phê phán nhiều và ngày càng giảm dần trong những bản thống kê quốc gia trong những năm gần đây. Năm 1985, có 2/3 HS lớp 12 bị lưu ban ít nhất một lần. Đến năm 2008, chỉ còn 44%. Tuy nhiên, ở bậc tiểu học, số HS lưu ban là 16%, một kỷ lục trong các nước thuộc OCDE, trong khi theo điều tra của PISA (chương trình đánh giá SV quốc tế) về thành tích học của HS từ 15 tuổi trở xuống thì đã có nhiều nước không còn nạn lưu ban.
Không ai thấy nguy hại của việc lưu ban. Một số em lưu ban sau đó học có tiến bộ, nhưng ít khi được xét lên thẳng. Mà sự tiến bộ đó cũng chẳng bền. Theo đó, ở bậc tiểu học chỉ có 2/3 HS lưu ban vào được trung học đại cương và kỹ thuật. Trong khi con số đó ở HS không lưu ban là 80%. Nhiều người phản bác lại: điều đó là bình thường, vì những HS lưu ban ở tiểu học có nhiều khó khăn hơn. Người ta chia HS tiểu học học yếu thành 5 nhóm, tùy theo trình độ. Trong nhóm HS học khá, các em không lưu ban chiếm 8% so với các em lưu ban (chiếm 36%). Nhiều người dự đoán, chắc là còn lâu mới giải quyết được vấn nạn HS lưu ban – một vấn nạn làm tốn của của nhà nước khoảng 2 tỷ euro/năm.
Trước thực trạng này, từ 20 năm nay Bộ Giáo dục Pháp đã áp dụng một “biện pháp mềm dẻo” mà “các bên” chấp nhận được. Ở Rennes, nhà trường để giáo viên “tùy nghi ứng phó” với tình trạng HS lưu ban. Một thầy hiệu trưởng tâm sự: “Cho tự do lên lớp là điều điên rồ. Chúng tôi bị sức ép không ngừng. Ngoài việc bắt HS học yếu lưu ban còn có cách nào nữa? Không có cách nào hết!”.
Ngày nay khó mà tìm một trường học nào không còn HS lưu ban do đã cải tiến cách dạy. Năm 2004, Trường Trung học Medon – một trường vốn được ưu đãi – đã thử đưa ra giải pháp mới trước nạn lưu ban đã thành kinh niên ở trường này với 44% HS lớp 10 học yếu, kéo theo những vấn đề về tinh thần học tập và kỷ luật làm hại cả HS tốt. Theo đó, bà hiệu trưởng đã khuyên phụ huynh và giáo viên thử thực hiện khẩu hiệu “không có HS lưu ban” bằng cách tổ chức phụ đạo theo từng nhóm HS khoảng 3 giờ/tuần, chủ yếu là môn toán và Pháp văn. Một năm sau, trong một lớp học (lớp 10) có 16 HS thì có 1 em lên lớp 11 đại cương, 9 em lên lớp 11 chuyên nghiệp, 6 em lưu ban.
Một bản tổng kết cho biết giáo viên cũng gặp khó khăn vì chưa được tập huấn phương pháp phụ đạo thích hợp. Bây giờ Trường Medon đã bỏ kinh nghiệm đó. Bà hiệu trưởng nói thẳng: “Đành phải chọn giải pháp mà đôi khi nhiều gia đình khiếu nại đó là cho lưu ban! Không có em nào muốn chuyển trường để lưu ban ở trường khác”.
Phan Thanh Quang (Theo Le Point)
Bình luận (0)