Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Pháp: Nên đưa máy nhận diện sinh học vào nhà trường hay không?

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh: I.T

Máy nhận diện sinh học (MSH) là máy có thể xác định danh tính của một người qua một bộ phận của cơ thể (vân tay, bàn tay, mắt…). Ở Pháp việc đưa MSH vào trường để quản lý học sinh đã gây ra cuộc tranh luận gay gắt về “tính giáo dục, khía cạnh đạo đức” .
Hai năm trước (2006) việc đưa MSH vào nhà trường đã bị thất bại hoàn toàn. Trường Tiểu học Ravel ở Paris, vào đầu năm 2006 đưa MSH vào trường, đã bị giáo viên và phụ huynh phản đối, đành phải dẹp bỏ.
Vào thời đó số trường chấp nhận việc đưa MSH vào trường học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các trường này tưởng rằng như thế là tìm được một phương tiện hiện đại để quản lý học sinh, cho đến khi xảy ra chuyện phản đối mới thôi. Thế mà chỉ hai năm sau thôi, tình hình đã khác hẳn! Đã có 180 trường chấp nhận đưa MSH vào trường, theo con số của Hội đồng Quốc gia về tin học và quyền tự do (HĐTHTD), là cơ quan mà các trường phải xin phép trước khi sử dụng. Trong số 180 trường đó, có 106 trường tiểu học và 63 trường trung học, chủ yếu nằm trong vùng Đông Nam nước Pháp và vùng Paris… 4 trường trung học và 2 trường tiểu học đã đưa MSH vào căn tin. Ví dụ ở Trường Tiểu học Modigliani, một ngôi trường bề thế bằng gạch xây từ năm 1930, MSH đã thay kiểu kiểm tra cổ điển vừa chậm chạp, vừa không chính xác. Ông Hiệu trưởng nói: “Theo cách kiểm tra cũ, nhiều em có mặt mà được ghi là vắng mặt, trái lại nhiều em không có tên cũng vào ăn…”. Có hai cách kiểm tra: dùng thẻ từ đặt vào máy, hoặc chỉ cần đặt tay vào là máy nhận biết. Với cách này “học sinh hết đường gian lận bằng cách đổi tên, vắng mặt, vì làm sao đổi bàn tay được”. Điều đó giúp các thầy giám thị cũng đỡ vất vả, trước kia phải ba thầy mới kiểm tra được, bây giờ các thầy có thể làm việc khác.
 MSH sử dụng chưa được 3 tháng thì Tòa Thị chính Paris đề nghị hai trường tiểu học dừng lại. Tuy nhiên Trường Modigliani cam đoan rằng họ đã làm đúng thủ tục và đã báo cho đơn vị hành chính địa phương việc này. Hơn nữa việc lắp đặt máy tốn 12.000 Euro, thì Hội đồng Paris đã tài trợ 11.000 Euro. Dẫu sao thì từ nay về sau các trường chỉ được dùng thẻ từ để kiểm tra học sinh, vì theo lời ông Eric Ferrand, Phó thị trưởng Paris: “có nhiều cách để kiểm tra học sinh vào ăn trong căn tin. MSH đặt ra một vấn đề về đạo đức và luân lý. Cuộc tranh luận chưa ngã ngũ, cần phải thận trọng…”. Những người phản đối MSH, như ông Alain Weber thuộc Mặt trận Quyền con người nói: “Bắt một đứa trẻ phải chứng minh lý lịch của mình để được một quyền hoặc được vào một chỗ nào, đó là đã rời bỏ truyền thống nền cộng hòa. Chúng tôi chống lại việc xác nhận nhân thân của một con người bằng những bộ phận của cơ thể, thay cho lòng tin, và sự hiểu biết về con người”. Ông Gilbert Lambrescht, phụ trách Hội Phụ huynh học sinh nói: “Không thể dùng những phương tiện mù quáng trong việc quản lý được. Người kiểm tra phải có mặt. Đó là điều cần thiết để giáo dục thanh niên. Chấp nhận máy kiểm tra chứng tỏ sự bất lực của giáo dục”.
Ai cũng biết rằng HĐTHTD là tổ chức có trách nhiệm, nhưng những người phản đối vẫn không hoàn toàn yên tâm. Chính ông Giám đốc HĐTHTD cũng phải nói “MSH ngày nay tràn ngập các xí nghiệp, cần dồn công sức cho lĩnh vực này trước”.
Tuy vậy các trường học cũng không phải tự do lắp đặt MSH. Sự cho phép của HĐTHTD là cần thiết, dù nhiều vị hiệu trưởng không biết (hay quên?) cứ vội vã đặt MSH. Một số trường khác mua MSH vì các công ty đem máy đến tận nơi bán với lời thuyết phục “HĐTHTD đã hợp thức hóa việc sử dụng MSH trong trường”!
Nhiệm vụ của HĐTHTD là quy định nội dung sử dụng và quy định thủ tục cấp phép. Các trường học phải tuân thủ các khía cạnh pháp lý, và nhớ rằng máy chỉ có quyền kiểm tra hình dạng bàn tay chứ không phải vân tay, hàng năm phải xóa hết dữ kiện cũ lưu trong máy để tránh sự lưu vết. Phải nói rõ cho học sinh biết mục đích việc sử dụng của nó, và học sinh có quyền từ chối việc kiểm tra bằng máy.
Theo HĐTHTD thì máy này không có gì đáng quan ngại về mặt pháp lý, nhân quyền, không phải là kiểm tra vân tay theo kiểu công an, mà chỉ là một biện pháp để quản lý học sinh một cách khoa học, tiết kiệm thời gian; học sinh có quyền từ chối việc áp dụng biện pháp này, do đó các trường có thể sử dụng máy này với những điều thận trọng cần thiết.
Dù sao, để tránh những điều đáng tiếc xảy ra, Bộ Giáo dục sẽ ra những chỉ thị rõ ràng về vấn đề này trong thời gian tới.
Phan Thanh Quang (Theo Thế giới Giáo dục )

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)