Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Pháp: Nhà trường trong nhà tù

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà trường trong nhà tù (ảnh có tính minh họa). Ảnh: I.T

Trại giam Orvaut ở Loire-Atlantique (Pháp) là một trong sáu trại giam dành cho thiếu niên, được mở ra từ năm 2007. Có khoảng 50 em phạm pháp, tuổi từ 13 đến 18 đã bị đưa vào trại giam này. Các em bị bắt buộc phải học 20 giờ một tuần. Việc sinh hoạt, học tập của các em này ra sao trong hoàn cảnh bị tù, qua tổ chức trại và thời khóa biểu hàng ngày?
7 giờ 30 phút – Như mọi ngày, chính ông giám thị đánh thức Mathieu (16 tuổi), Bruno (gần 18 tuổi), và Benolt (16 tuổi). Ba em này bị giam ở đây vì phạm pháp nghiêm trọng. Mathieu làu bàu đòi ngủ nướng thêm một chút, nhưng thầy giáo huấn về “bảo vệ luật pháp thanh niên” không cho. Ông lay nó, không cho nó ngủ lại. Mathieu đành dậy cùng với các bạn đi ăn sáng. Thầy giáo huấn và giám thị giám sát nhóm này trong khi các nhóm khác ở tầng giường trên (giường hai tầng) cũng đã chuẩn bị dậy. 30 em bị giam ở trại này nhưng ít khi chúng gặp nhau đầy đủ. Ngay trong giờ học, chúng cũng được phân phối về những nhóm khác nhau.
9 giờ – Lớp học bắt đầu. Sáu thầy tiếp nhận và phân phối các em vào các nhóm năm người. Bài học được dạy theo nhu cầu của từng em. Mathieu hơi bối rối giải thích: “Năm nay em thi lấy chứng chỉ. Em còn kém về hình học, nhờ thầy em hy vọng có thể đuổi kịp môn lượng giác. Em muốn học môn toán trước, sau đó học Pháp văn”. Thời khóa biểu ở đây có một vài điểm khác, còn lại cũng gần giống như ở trường: 5 ngày học (từ thứ hai đến thứ sáu), có hoạt động thể thao và cả nghỉ cuối tuần.
Nhóm sư phạm (tức là các thầy dạy các môn đại cương và chuyên môn, các thầy giáo huấn và giám đốc sư phạm trong trại giam) điều hành công tác giảng dạy, giáo dục tùy theo trình độ. Những em cùng một ban đại cương như Mathieu ở trong một nhóm. Những em theo các ban chuyên nghiệp như Bruno thuộc nhóm khác. Những em kém về thực hành và tập đọc như Benoit nằm ở nhóm cuối. Năm nay có 25% thiếu niên viết kém, thậm chí có em còn mù chữ.
Đối với Benoit, đã bỏ học từ hai năm nay, thì rất đáng lo lắng! Ở trong tù mà đã bỏ học càng lâu thì càng khó khăn. Thầy giáo kỹ thuật cho em tham gia nhóm làm những dụng cụ nhỏ về điện từ. Benoit nói “Bây giờ em học làm những đồ chơi điện tử, về đọc em đã có tiến bộ, đọc được các bản hướng dẫn sử dụng”.
12 giờ – Lại trở về trại trong một giờ “để suy nghĩ”. Bruno nói: “Họ nói như vậy với chúng em”. Khác với Mathieu, Bruno không lo lắng nhiều về việc học. Đối với em, mục tiêu là cho hết thời gian: “Em không muốn ở trong trại này suốt ngày”. Nhưng nó cũng đánh giá cao sự tận tâm của các thầy: “Trong giờ học bao giờ em cũng thấy có cái mới. Về phương trình chẳng hạn, trước kia em học nhưng không hiểu mấy vì thầy giảng nhanh và ồn quá. Ở đây có 5 người. Không hiểu chỗ nào em hỏi để thầy giảng lại… Em tiếc rằng hồi đi học mình không làm như vậy, không phải là không có thể…”.
14 giờ – Giờ học ngoại khóa bắt đầu. Đó là những giờ thực tập về văn hóa, xã hội, kỹ thuật. Ở đó có thể thực tập về điện, điện tử, vẽ, kịch, hát… Bruno tỏ vẻ rất thích thú: “Sắp tới, ở đây sẽ có một buổi hòa nhạc, trong buổi đó chúng em sẽ trình bày kết quả học tập của chúng em và tất cả mọi người đều tham gia”.
 Trại giam là nơi giam giữ, học tập, thực hành ngoại khóa: trung bình có từ 30 đến 60 em trong mỗi trại. Ban sư phạm huy động từ 6 cho đến 10 thầy (giáo viên tình nguyện đến từ Bộ Giáo dục Quốc gia) và từ 25 đến 30 vị giáo huấn, thường là một giáo huấn cho một trại viên. Những người này chịu trách nhiệm về hạnh kiểm và sự tiến bộ trong học tập của các em. Một con số hùng hậu như vậy mà vẫn còn thiếu! Ông E’ric Thomas, Giám đốc sư phạm của trại Orvault, một trong những người điều hành trại hiện nay nói: “Phải chi tiêu lớn cho các em học sinh này, việc giam giữ phải là một cơ hội cuối cùng cho một trẻ phạm tội. Nhưng khi em đó đã vào đây sau khi đã thực hiện nhiều hình phạt khác, thì công việc cấp thiết của chúng ta là đem các em trở về với đời sống học đường. Tôi cho rằng nên dùng từ “rèn luyện” hơn là “giảng dạy””.
Giờ tổng kết – Bây giờ Mathieu đã có phần lấy lại niềm tin: “Nhờ thầy giáo huấn, em đã có tiến bộ. Em có nói với thầy về những lo lắng của mình. Trước kia em sợ không dám nói. Bây giờ em cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với người lớn tuổi và cởi mở. Lúc trước em cứ nghĩ rằng không thể dựa vào ai cả”.
Be-noa hy vọng kiếm được một việc làm sau khi ra trại. Cũng giống như Bruno, nó đã 18 tuổi, nó hy vọng kết thúc những ngày trong trại này: “nhờ các thầy mở ra cho em con đường nghề nghiệp”. Nó đang chuẩn bị thi chứng chỉ nghề, hy vọng kiếm được một hợp đồng sau khi thi. Nó đã gặp những người tuyển mộ trong khi học ở các lớp ngoại khóa. Đó là lần tiếp xúc đầu tiên, một cơ hội để khỏi trở lại đây sau cánh cửa trại giam.
(Theo Tạp chí Phosphore)
Phan Thanh Quang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)