Người đi thuê nhà trọ cần tìm hiểu, cảnh giác trước những thông báo cho thuê nhà trọ (ảnh minh họa) |
Nhu cầu tìm nhà trọ của người ở tỉnh về TP.HCM sinh sống, học tập ngày càng tăng. Nắm bắt tình hình đó, nhiều kẻ gian đã tìm đủ mánh khóe để lừa đảo, trục lợi từ việc cho thuê nhà trọ giá rẻ.
Nỗi lo… bị lừa
Dù mới nhập học hơn một tháng nhưng sinh viên Nguyễn Minh Thu đã hai lần thay đổi nhà trọ. Vẫn chưa hết ấm ức vì bị lừa khi đi thuê nhà trọ giá rẻ, Thu kể lại: “Thời gian đầu vô Sài Gòn, em ở nhà người quen nhưng sau đó thấy bất tiện nên đi thuê nhà trọ ở ngoài. Tình cờ đọc được quảng cáo mạng, em cùng một người bạn liền tìm đến địa chỉ cho thuê nhà trọ. Khi đã thỏa thuận về giá cả, quy định giờ giấc, em mừng lắm vì ngỡ mình tìm được nhà trọ sạch sẽ, tiện đường đi học. Tuy nhiên, ngày đầu tiên chuyển đến phòng trọ đã tá hỏa vì hàng loạt những quy định về nhà trọ mà lúc đặt tiền cọc, em không hề được nghe nói đến, như việc đóng tiền giữ xe đạp đã 150.000 đồng/tháng”. Rất nhiều bạn sinh viên đã rơi vào tình huống như Minh Thu khi trở lại sau thời gian đặt cọc lại tá hỏa với hàng loạt những yêu cầu vô lý như: Không được khóa cửa, đóng tiền giữ xe, đóng phí an ninh nhà trọ…
Chỉ cần vào thanh công cụ tìm kiếm google và gõ từ khóa “nhà trọ giá rẻ” thì trong vòng 0,34 giây đã cho ra 1.120.000 kết quả. Nhiều sự lựa chọn cũng đồng nghĩa với không ít rắc rối cho người thuê. Bên cạnh đó, tin vào những lời rao cho thuê phòng dán ngoài đường, không ít trường hợp đã ngậm ngùi chấp nhận mất tiền cọc bởi ở thì lo.
Nhiều nhà trọ sử dụng phòng trọ đẹp, giá cả phải chăng để thu hút người đến thuê nhưng thực tế đó chỉ là chiêu lừa để chiếm tiền cọc. Dù đã được cảnh báo về những chiêu lừa thường gặp khi đi thuê nhà trọ nhưng Mai Phước (sinh viên năm 4) vẫn bị mắc lừa. Phước ấm ức cho biết: “Vào năm cuối nên em muốn ở trọ một mình để có không gian yên tĩnh học tập. Trong lúc đi tìm nhà trọ, em vô tình thấy thông tin có phòng cho thuê với giá từ 800.000-1.500.000 đồng/tháng trên một tờ rơi dán trên cột điện. Tìm đến nơi, em yên tâm vì phòng trọ thoáng, yên tĩnh, không mất thêm khoản phí nào. Khi dọn đến ở thì mới biết quy định không được nấu ăn, không cho bạn bè vào phòng, đóng tiền cọc trước 3 tháng, mất xe thì nhà trọ không chịu trách nhiệm, tháng đầu tiên phải ở ghép với một người khác… Em lên tiếng thì chủ nhà để hai anh thanh niên trông rất ngầu ra nói chuyện. Thấy vậy, nên em đành lủi thủi ra về, chấp nhận mất tiền cọc chứ không dám ở đó một ngày nào”.
Cần tìm hiểu kỹ
Đánh vào sự sơ hở, thiếu hiểu biết về pháp luật của không ít người, nhiều chủ nhà trọ đã dùng mánh khóe để lừa đảo, chiếm tiền cọc. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: “Khi tiến hành đặt cọc, hai bên phải làm việc có văn bản rõ ràng. Người thuê cần chú ý đến các điều kiện, quyền và nghĩa vụ được nêu trong hợp đồng. Khi bị bên cho thuê làm khó dễ với những điều kiện không hề có khi đặt cọc thì người đi thuê nên tìm đến cơ quan công an hoặc phòng tư pháp gần nhất để được giúp đỡ, tìm hướng giải quyết”.
Thực tế, một số trường hợp khi biết mình bị lừa nên đã tới công an hoặc tư pháp phường nhờ can thiệp và lấy lại tiền cọc. Tuy nhiên, nhiều người vì tâm lý e dè, sợ sệt đành ngậm ngùi ra về, chấp nhận mất tiền cọc. Chính điều này cũng đã tiếp tay cho kẻ xấu tiếp tục sử dụng mánh khóe của mình để lừa đảo người khác. “Rõ ràng, khi bên cho thuê nhà không thực hiện như đã thỏa thuận lúc đặt cọc là đã đủ dấu hiệu xử phạt hành chính. Nhiều người dân vì tâm lý e ngại việc kiện tụng mất thời gian, công sức nên đã làm ngơ. Do đó, để tránh những phiền phức không đáng có, mỗi người cần trang bị những kiến thức về pháp luật để tự bảo vệ mình, không sập bẫy của kẻ gian. Nếu là sinh viên có nhu cầu thuê nhà trọ nên tìm đến Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM hoặc đến văn phòng Đoàn trường để được hỗ trợ”, luật sư Võ Đan Mạch nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Yên Hà
Bình luận (0)