Các con hẻm nhỏ xung quanh Bệnh viện Từ Dũ, đường Cống Quỳnh, Q.1 (TP.HCM) từ lâu được nhiều người quen gọi là xóm hiếm muộn. Những bệnh nhân đến từ khắp mọi miền, ngày đêm ấp ủ bao hy vọng về đường con cái.
Một căn phòng trọ trong xóm hiếm muộn – Ảnh: Hà Minh |
Xóm hiếm muộn mong con
Những cư dân của xóm hiếm muộn có người từ ngoài bắc lặn lội vào nam. Có gia đình cả vợ và chồng đều phải tạm nghỉ việc để đi chữa hiếm muộn với mong ước tìm một đứa con. Bao nhiêu ngày tháng đằng đẵng sống ở xóm hiếm muộn là bấy nhiêu trông chờ, thấp thỏm, lo lắng và vỡ òa vì cả hạnh phúc lẫn nỗi buồn suốt hành trình miệt mài tìm con.
Vào xóm hiếm muộn khi bữa cơm chiều đang được chuẩn bị bởi các ông chồng và người thân, còn những bà vợ thì được “đặc cách” nghỉ ngơi để dồn sức cho việc chữa trị. Vừa ngồi ngắt từng đọt rau lang, anh Sơn (30 tuổi) vừa quay sang trò chuyện thân mật với vợ là chị Thoa (30 tuổi, ở Hà Nội) đang nằm trên giường. Anh chị cưới nhau từ năm 2003, mãi 3 năm sau vẫn không có con, hai bên nội ngoại đều hết sức lo lắng. Anh chị đi chữa nhiều nơi nhưng không có hiệu quả. Đến năm 2006, họ bàn nhau khăn gói vào nam làm công nhân để tiện việc điều trị. Lần này đã là lần thứ 6 vợ chồng chị Thoa đi cấy phôi.
Anh Sơn chia sẻ: “6 lần đến Bệnh viện (BV) Từ Dũ tính sơ sơ hết mấy trăm triệu, với các đôi vợ chồng khác chắc họ đã mua được nhà rồi. Nhưng tất cả là vì con nên chúng tôi phải cố gắng đến cùng. Dù phải vất vả đến đâu cũng chịu”. Lần xuống trọ gần BV để cấy phôi này, anh chị vay thêm 60 triệu, trong đó tiền chuyển phôi đã hết khoảng 20 triệu, tiền phòng một ngày anh phải trả gần 100.000 đồng cộng thêm tiền thuốc, tiền ăn nên anh vẫn lo không đủ.
Không nguôi hy vọng
Hiện không chỉ hẻm A1 bis, khu nhà trọ nằm phía sau Co.opmart Cống Quỳnh cũng tập trung đông người đến ở chữa hiếm muộn. Anh Hồng (30 tuổi, ngụ Lâm Đồng) kể anh từ quê Nghệ An vào Lâm Đồng làm công nhân 10 năm trước. Mưu sinh nơi đất khách, anh gặp chị Minh (26 tuổi) và hai người đi đến hôn nhân.
Sống với nhau 2 năm vẫn chưa thấy chị có thai, vợ chồng anh chị khám và điều trị nhiều lần nhưng vẫn chưa có kết quả. Nhẩm tính mấy lần chữa hiếm muộn, anh bảo đã tốn gần 150 triệu đồng rồi. Anh chị ở cùng phòng với một cặp vợ chồng khác. Căn phòng được ngăn bằng cánh cửa nhôm, đặt 2 giường, mỗi cặp vợ chồng một giường và phải trả 3,5 triệu/tháng.
Anh Hồng kể, ở xóm hiếm muộn có nhiều trường hợp rất đáng thương. Có cặp vợ chồng trẻ ở Bình Dương cũng xuống ở xóm để chữa hiếm muộn. Vì không có tinh trùng nên người chồng phải xin tinh trùng của em trai để chuyển phôi. Khi người vợ mang thai tháng thứ 5, hai vợ chồng đón taxi xuống BV Từ Dũ khám, đến lúc về gần nhà thì chị đau bụng. Khi đưa chị đến BV gần đó thì chị đã vỡ nước ối và con không giữ được.
Mỗi cư dân của xóm hiếm muộn đều có những nỗi niềm riêng nhưng cùng chung hy vọng mãnh liệt về đường con cái. Có thể phải vay mượn, có thể phải khốn đốn nhưng không thể nào ngừng được sự cố gắng kiếm tìm con cái. Nhiều cặp vợ chồng vượt qua bao trở ngại khó khăn, lặn lội đến TP.HCM để chữa hiếm muộn. Họ thuê phòng ở lâu dài gần BV để tiện đi lại. Mặc dù biết tiền thuê đắt, đi các chỗ khác có thể tìm được giá rẻ hơn nhưng họ vẫn trụ lại để tránh ảnh hưởng đến phôi thai khi phải di chuyển nhiều.
Vì quá khao khát có con, nhiều cặp vợ chồng lần đầu cấy phôi không thành, họ vẫn quyết tâm cấy lại lần hai, lần ba. Ở xóm hiếm muộn không ít trường hợp sau mấy lần không đậu phôi, các cặp vợ chồng đành phải về nhà để kiếm thêm tiền cho những lần cấy khác.
Rời xóm hiếm muộn, trong tôi vẫn đọng lại lời tâm sự của chị Thoa: “Bằng mọi giá phải có được con, dù phải mất tất cả nhưng chỉ cần có con thì ta lại có tất cả”. Xóm hiếm muộn vì thế chính là nơi những hy vọng được thắp lên mà chưa bao giờ tắt đi.
Hà Minh (TNO)
Bình luận (0)