Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Phập phồng hoa Tết: Kỳ cuối: Trông chờ vào… may rủi

Tạp Chí Giáo Dục

Tiệm Phương Linh bán nhiều loại hoa để tránh sự may rủi trong mùa hoa Tết
“Phải chờ đến giờ phút chót mới biết thắng thua ra sao” là câu nói cửa miệng của các tiểu thương ở chợ hoa đầu mối Hồ Thị Kỷ (TP.HCM). Thị hiếu hoa Tết của người dân thay đổi liên tục khiến các tiểu thương phải trữ hoa Tết theo kiểu “đánh bạc”. May thì nhờ, nhưng rủi thì phải chịu.
Bị động nguồn hoa
Chợ đầu mối Hồ Thị Kỷ là một trong số những chợ đầu mối cung cấp nguồn hoa lớn nhất thành phố. So với chợ đầu mối Đầm Sen, Hậu Giang, chợ đầu mối nông sản thì chợ Hồ Thị Kỷ tấp nập hơn do địa thế nằm gần trung tâm thành phố và là nơi cung cấp nhiều chủng loại hoa cả nội, ngoại nhập nên hầu hết khách hàng cả trong thành phố cũng như các tỉnh đều đổ về đây. Chị Lan, một tiểu thương chuyên kinh doanh hoa lily, hoa hồng cho hay khoảng 5 năm về trước các tiểu thương ngành hoa ở chợ có thu nhập 10, thì trong 3-4 năm gần đây, thu nhập cao lắm cũng chỉ được 2-3 so với trước. Nguyên nhân do thị trường hoa bị thương lái địa phương phong tỏa, nên hầu hết tiểu thương ở chợ đầu mối bị phụ thuộc nguồn hàng qua thương lái.
Theo lời chị Lan kể lại, trước đây tiểu thương ở chợ đầu mối mua hoa trực tiếp từ nhà vườn ở Đà Lạt với phương thức tiểu thương nhận hoa bán rồi thanh toán tiền cho nhà vườn sau. Thường còn khoảng nửa tháng trước khi cần lấy hoa cho các dịp lễ tết thì tiểu thương lên Đà Lạt vào tận vườn để xem hàng và đặt cọc. Trong trường hợp hoa nhận về chất lượng không tốt, thì hai bên sẽ thương lượng giá cả phù hợp rồi thanh toán tiền sau khi đã bán hàng xong để không ai phải chịu thiệt thòi. Sự công bằng này mấy năm gần đây dường như không còn mấy do tại Đà Lạt xuất hiện nhiều thương lái địa phương. Với phương thức này, các thương lái nhanh chóng phong tỏa nguồn cung bằng cách “mua non” các vườn hoa và đặt tiền cọc cho nhà vườn. Tuy nhiên để có hoa bán, các tiểu thương ở chợ đầu mối phải mua qua tay thương lái và phải trả tiền mặt trước rồi nhận hàng sau. Và điều nghiễm nhiên hoa nhận về chất lượng tốt hay không cũng đều phải chịu giá tiền như đã thanh toán.
Chị Lan than rằng có khi hoa lily mới nhận về chưa kịp bán cho khách lá đã úa vàng do thương lái trữ trong kho lạnh lâu. Hầu hết các thương lái ở Đà Lạt đều đầu tư các kho lạnh lớn, để chủ động thu gom, ém hàng và tăng giá khi khan hiếm nguồn cung, nhất là vào những dịp lễ tết. Mặt hàng hoa lạnh tính về chất lượng thì độ tươi không bền, thậm chí cánh hoa không được cứng cáp và tươi tắn như hoa thường nên cũng “khó qua mắt” những khách hàng là dân chuyên làm nghề hoa.
Phụ thuộc may rủi
Theo lời kể của các tiểu thương ở chợ Hồ Thị Kỷ, Tết Giáp Ngọ 2014 thì tiểu thương đem hoa lily đổ bỏ, năm 2013 thì lại đổ bỏ hoa lay ơn… Chỉ tiếc là trong khi hoa Việt Nam phải đổ bỏ vì ế ẩm thì mấy năm rồi hoa đào Trung Quốc lại lên ngôi và chiếm lĩnh thị trường hoa Tết.
Cho đến giờ phút này, chuyện kinh doanh hoa lily thua lỗ vào Tết Giáp Ngọ năm ngoái vẫn khiến cho các tiểu thương xót xa. Nhiều tiểu thương cay đắng ví việc bán hoa Tết cũng mang nhiều tính rủi may như chuyện “đánh bạc”. Năm ngoái do ảnh hưởng của thời tiết lạnh nên hoa lily không phát triển khiến nhà vườn phải thu hoạch non. Tiểu thương mua hoa này ban đầu cũng bán được giá 250.000 đồng/bó (5 cây) loại nụ có kích cỡ trung bình vào các ngày 25-28 Tết, nhưng đến ngày 29-30 Tết thì giá hoa này giảm chỉ còn 50.000-60.000 đồng/bó do chợ vắng khách. Tuy giá rẻ nhưng tiểu thương cũng rất khó bán vì nụ hoa nhỏ, chỉ bán được số ít cho người dân thường, còn những người chuyên kinh doanh từ chối mua vì họ biết nụ quá non thì sẽ không nở được hoa.
Chị Phạm Thị Phượng, chủ tiệm Phượng Lá tại ki-ốt lô E, chợ hoa Hồ Thị Kỷ cho hay “Nhu cầu sử dụng hoa Tết của người dân mỗi năm mỗi thay đổi nên phải đến giờ chót mới biết hoa nào hút hàng. Nếu loại hoa nào hút hàng thì tiểu thương trữ loại hoa đó thắng, còn không thì lỗ to”. Theo lời chị Phượng, mùa Tết năm ngoái có nhiều chủ vựa vì trữ hoa lily với số lượng lớn nên bị thua lỗ cả trăm triệu đồng, một số chủ lỗ ít cũng mất 30-40 triệu đồng do chất lượng hoa kém và cũng vì số lượng tích trữ quá lớn, bán không xuể nên bị ế hàng.
Để tránh những bài học may rủi, chị Phượng quanh năm chỉ bán duy nhất loại hoa lan và các loại lá do gia đình chị ở Bến Tre canh tác. Theo chị Phượng, loại hoa này luôn ổn định về giá cả, tính an toàn cao và có năm cũng lại trở thành “hàng độc quyền”. Chẳng hạn như mùa Tết năm ngoái chị bán được 1.000 bó/ngày, nhiều gấp 4 lần so với ngày thường.
Bài, ảnh: Bích Vân
Chọn cách bán đủ các loại hoa
Vừa cẩn trọng vừa tính cách hòa vào thị trường hoa Tết, chủ tiệm hoa Phương Linh cho hay khoảng một tháng nữa tiệm hoa của ông mới xác định được loại hoa chủ lực của mùa Tết năm nay là hoa gì từ thông báo của nguồn cung. Tuy nhiên, tiệm hoa này trong nhiều năm nay vẫn bán đủ các loại hoa như lan, phi yến, hồng, hướng dương, cát tường, cẩm chướng, lily, đồng tiền và cả loại hoa chủ lực mùa Tết. Và để tránh khỏi vòng quay “thắng – thua”, tiệm này chỉ lấy số lượng đủ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng quen. Ông chủ tiệm quan niệm: “Ngày Tết, tôi cũng chọn cách bán nhiều loại hoa, miễn là mình có nguồn hàng hoa tươi đẹp. Vì người dân ai cũng chỉ mong có bình hoa đẹp chưng trong nhà như biểu tượng của sự may mắn cho năm mới”.
 
 

Bình luận (0)