Một nông dân đang tỉa những bông mai nở sớm |
Chỉ còn hơn nửa tháng là đến Tết Nguyên đán. Thế nhưng, sau những diễn biến bất thường của thời tiết, cùng với lần vỡ đê bao nước ngập trắng xóa làm hàng loạt vườn mai ở Thủ Đức, Q.12 đều nở sớm khiến chủ mai khóc ròng, thương lái hồi hộp.
Nhà vườn “khóc”
Trong những ngày trung tuần tháng 1, chúng tôi đến tổ 4, khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước (Thủ Đức), ngoài vườn mai rộng chừng 16 ngàn m2, ông Ba Lê – chủ nhân của vườn mai đang hì hục cắt tỉa lá, cành bị thối do mấy đợt triều cường gây ngập vừa qua. Ông Ba Lê cho biết: “3 ngàn cây mai được trồng từ 2 đến 3 năm tuổi bị ngập hoàn toàn do triều cường. Cây nào có nụ thì nở hết, nụ nhỏ thì bị thối rụng, lá và cành cũng vậy. Gần cả tháng nay, tôi phải cố gắng để phục hồi lại những cây mai này, nhưng chắc chắn không thể có mai đẹp trong Tết này được”. Ông Ba Lê dẫn chúng tôi vào vườn mai của mình, hàng ngàn cây mai cao lêu nghêu, bị rụng lá và những cảnh ở dưới thấp chết khô. Ông Lê than: “Năm ngoái không khí lạnh tràn về, mai của tôi bị thiệt hại nặng, cứ 100 cây thì chỉ lựa được có 20 cây để bán. Năm nay, triều cường đã gây thiệt hại như vậy rồi, nếu từ đây đến Tết có thêm đợt không khí lạnh hay mưa gió bất thường thì coi như tôi mất khả năng trả nợ ngân hàng”. Cùng cảnh như ông Ba Lê, hàng ngàn gốc mai của ông Mai Đức Công, ông Bảy Nghĩa đã nở hoa lên tới 60%. Ông Mai Đức Công cho biết: “Tôi vừa thuê người về cắt tỉa bớt những bông nở đi, chăm sóc kỹ những nụ còn lại để thương lái vào xem may ra còn “vớt vát” được”. Riêng với vườn mai khoảng 3.000 m2 của ông Bảy Nghĩa cũng không lấy gì làm khả quan. Ông cho biết: “Bao nhiêu công sức đổ vào đây, bây giờ gần như mai nở bung hết, tính toán mùa mai Tết này, tôi bị lỗ khoảng trên dưới 100 triệu đồng”. Ông Tư Địa, một chủ vườn mai ghép, cho biết: “Năm nay là năm nhuần và tình hình triều cường có xu hướng năm sau cao hơn năm trước, trong khi phường Hiệp Phước Bình là vùng đất trũng nên nghề trồng mai của bọn tôi coi như mệt mỏi rồi”. Chúng tôi ghé đến vườn mai ở xã Vĩnh Phú, Thuận An (Bình Dương) từ xa đã thấy một màu vàng rực. Tại xã Vĩnh Phú có khoảng 100 hộ trồng mai truyền thống với tổng diện tích khoảng 100.000 m2. Ít hay nhiều, các hộ trồng mai tại đây đều chịu cảnh mai rụng lá trổ bông sớm.
Thương lái thấp thỏm?
Khi chúng tôi hỏi đến tình hình giá cả và số lượng cây mai có thể cung ứng cho thị trường mai Tết năm nay, hầu hết các chủ nhà vườn đều trả lời: “Thời tiết năm nay khó quá, không thể nào đoán được”. Tuy nhiên, một số chủ vườn nhận định: Giá cho loại mai đẹp như mai ghép (mai chậu) năm nay sẽ tăng lên, nguyên nhân do giá phân bón lên. Còn đối với loại mai vườn (trồng đưới đất) bị ngập úng do triều cường vừa qua khó đoán được. Ông Ba Lê cho biết: “Giá phân bón có lên, nhưng những cây mai bị ngập mà phục hồi tốt thì giá cũng chỉ tầm 170.000 – 200.000 đồng/cây”. Cũng theo dự đoán của một số nhà vườn, năm nay giá mai Tết sẽ có nhiều biến động, giá mai ghép sẽ tăng, riêng loại mai vườn sẽ bình ổn giá so với các năm trước. Ông Tư Địa khẳng định: “Giá mai ghép sẽ tăng trong dịp Tết này, riêng tôi đã chuẩn bị được khoảng 500 chậu mai để cung cấp cho thị trường. Các thương lái cũng đã bắt đầu vào xem mai nhưng vẫn không nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Một thương lái đến thăm vườn mai Hiệp Bình Phước nhận định: “Do đài khí tượng thủy văn dự báo, triều cường rất có thể sẽ còn tiếp tục lên trong những ngày tới nên nhiều thương lái còn “lo ngại” chưa giám đặt tiền cọc vì sợ triều cường và thời tiết thay đổi, mai sẽ không ra bông”. Còn một số thương lái khác nhận định, đến thời điểm này giá cả cho mai ghép hay mai vườn vẫn đang còn mức dự đoán, khó có thể đưa ra mức giá chính thức là bao nhiêu. Nhưng chắc chắn, giá mai ghép sẽ lên vào dịp cận Tết. Mặt khác, tuy bị triều cường, thời tiết có bất thường nhưng các nhà vườn nhiều kinh nghiệm vẫn có những chậu mai đẹp, nở đúng dịp Tết để tung ra thị trường và chắc chắn giá sẽ tăng rất cao”.
Bài, ảnh: NGUYÊN HẢI
Bình luận (0)