KTS là công cụ tốt để giúp HS học tập tự giác, chủ động hơn. Ảnh: I.T |
Nửa cuối thế kỷ 20, với sự xuất hiện của các phương tiện kỹ thuật số (KTS) như máy vi tính, internet… và nói chung là những kỹ thuật và phương tiện đa truyền thông, nền văn minh thế giới đã có một bước ngoặt mới về chất chưa từng có trong lịch sử nhân loại.
Tất cả những nền móng lý luận cũng như giá trị của khoa học tự nhiên (toán, vật lý, hóa học, y học, thiên văn, sinh vật…) hay khoa học xã hội (sử, luật…) đều phải lấy KTS làm phương tiện để nghiên cứu và xác minh tính chân lý. Có thể nói, KTS đã xâm nhập vào mọi hoạt động của con người, từ người bán rau ngoài chợ cho đến nhà bác học trong phòng thí nghiệm, những chính trị gia trong nghị trường hiện nay đều dùng điện thoại.
Ngày nay, nếu chúng ta không biết dùng phương tiện KTS (sử dụng vi tính, internet…) xem như là mù chữ. Nền giáo dục và lý luận sư phạm đều phải nằm trong quỹ đạo chung đó. Việc kỹ thuật đa truyền thông trở thành phương tiện dạy – học hay một bộ môn trong trường học là điều hiển nhiên. Thế nhưng trên thực tế, nhiều trường học vẫn còn lúng túng khi giải quyết mối quan hệ giữa phương pháp sư phạm truyền thống và phương pháp sư phạm mới dựa trên kỹ thuật đa truyền thông hiện đại.
Trong một cuộc hội thảo do Nhà xuất bản Retz tổ chức ở Paris vào tháng 3 năm 2010, Tổ chức “Kỹ thuật thông tin và Truyền thông cho giảng dạy” (TICE) bị chỉ trích khá nặng nề. Sở dĩ có cuộc hội thảo này là do Bộ trưởng Bộ Giáo dục Quốc gia vừa đưa ra một bản báo cáo kèm theo những đề nghị về “hiện đại hóa trường học theo hướng KTS”. Báo cáo của Michel Fourgous (tiến sĩ tâm lý xã hội và chuyên gia về những vấn đề giáo dục) thực chất là một bản yêu cầu nhanh chóng đưa KTS vào trường học. Ông cung cấp những dẫn chứng, số liệu về tình hình giảng dạy, ứng dụng KTS ở các trường học trên thế giới so với Pháp. Hơn nữa, ông Michel Fourgous còn vạch ra đường hướng, bộ mặt của nhà trường trong tương lai khi KTS trở thành công cụ hỗ trợ sư phạm chính yếu.
Học sinh (HS) ngày nay phải làm việc với KTS, và “chỉ có em nào biết tự nắm bắt thông tin, tự đào tạo” mới thích nghi được với một thế giới thay đổi không ngừng. Cái thiệt và lợi bây giờ không phải ở chỗ có máy vi tính hay không, mà ở chỗ biết sử dụng vi tính thế nào cho tốt, hay là bị làm nạn nhân của mớ thông tin hỗn độn. Người đóng vai trò chủ đạo hướng dẫn học sinh giải quyết sự lựa chọn này không ai khác ngoài nhà trường. Cuộc hội thảo nhấn mạnh yêu cầu đặt giáo dục KTS trên tinh thần giáo dục văn hóa và có tính phê phán. “Chúng ta phải coi chừng tư tưởng xem KTS là “chiếc đũa thần” mà ai sở hữu thì có thể thao túng mọi sự. Thế hệ mới được sinh ra trong thời đại “bàn phím và màn hình” cứ tưởng rằng có KTS là có văn hóa cao, mà không hiểu rằng KTS chẳng qua là công cụ để tiếp cận văn hóa, còn văn hóa là tri thức, là đạo đức, là quan hệ xã hội, là điều cần phải được giáo dục và rèn luyện” – ông Michel Fourgous nói.
Hội thảo cũng nêu rõ tình trạng thiếu máy vi tính tại các trường học ở Pháp. Hiện ở Pháp, Trường tiểu học có 8 máy/ 100 HS, ở trung học số này là 16/ 100 HS. Trong khi đó, con số này ở Phần Lan là 13 máy/ 100 HS, và 17 máy/ 100 HS. Ở Anh, tỷ lệ HS có máy vi tính còn cao hơn, vì họ đầu tư ồ ạt các phương tiện KTS cho các trường và đưa vào chương trình giảng dạy. Kết quả đánh giá năng lực học sinh: về “đọc hiểu”, nước Pháp đứng thứ 17, Phần Lan đứng đầu, Anh đứng thứ 13. Về khoa học, Pháp đứng thứ 19, Phần Lan đứng thứ 2, Anh đứng thứ 13.
Vấn đề giáo viên (GV) với máy vi tính cũng được đưa ra bàn luận tại hội thảo. GV có đủ điều kiện để có mặt thường trực khi HS sử dụng vi tính không? Giảng dạy với máy vi tính ở trường tiểu học khác với ở trường trung học (từng môn học tách rời, mỗi thầy dạy một môn) như thế nào? Về điểm này báo cáo cho rằng KTS chỉ là một công cụ dạy học phụ trợ. Không nên hy vọng KTS đem lại một “phương pháp sư phạm tích cực và đa dạng”, là yếu tố đem lại thành công cho HS trong tương lai. KTS chỉ giúp chấm dứt phương pháp sư phạm truyền thống “bị động và áp đặt”, vẫn còn phổ biến ở trong nhà trường.
KTS có thể làm thay đổi phương pháp sư phạm truyền thống không? Tất nhiên là có, nhưng không có nghĩa là làm lu mờ vai trò của GV, biến họ thành “thợ dạy vi tính”. GV không thể có mặt suốt ngày tại trường để theo dõi từng em HS sát sao, và chỉ được soạn bài trên máy vi tính. Trách nhiệm của GV trong việc đào tạo về kiến thức, kỹ năng, đạo đức, nhân cách, lối sống… cho HS là điều không hề thay đổi. Hội thảo nhấn mạnh: KTS là công cụ tốt để giúp HS học tập tự giác, chủ động hơn, để đạt năng suất cao hơn.n
(Theo Sciences humaines, tháng 6-2010)
Phan Thanh Quang
Bình luận (0)