Tổng thống Pháp yêu cầu cần phải có những biện pháp quyết liệt nhằm giải quyết triệt để bạo lực học đường (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
|
Ông Sarkozy có khá nhiều bài viết phản ánh hệ thống rối rắm của các ban bệ thuộc các lớp cuối cấp bậc phổ thông (lớp 11, 12). Ông phê phán lối học “hàn lâm” xa rời thực tế, đào tạo những con người “thầy không ra thầy, thợ không ra thợ”, không thích ứng được với nền sản xuất công nghiệp hiện đại dựa trên những thành tựu của thông tin và tự động hóa. Đặc biệt, ông rất bức xúc với vấn đề đạo đức của học sinh, mà nổi cộm nhất là bạo lực học đường. Ông Sarkozy đòi hỏi phải có những biện pháp quyết liệt tức thời nhằm giải quyết triệt để vấn đề này. Tháng 5-2010, ông yêu cầu triển khai gấp các biện pháp cụ thể “chống bạo lực học đường”. Nhằm thực hiện chỉ thị của tổng thống, hai “trường tái nhập học đường” (ERS: Etablisse-ment De Réinsertion scolaire) được mở ra khi bắt đầu kỳ nghỉ Toussaint. Việc mở ra hai trường này thu hút được sự quan tâm của dư luận, nhất là báo chí. Ở Craon (Mayenne), 14 học sinh thuộc diện phải đi học ở trường ERS vừa mới đến đã bị một nhóm học sinh chống đối dữ dội. Ngày hôm sau, trên sân trường đã có một cuộc ẩu đả. Kết quả, 5 em bị đuổi học ngay. Ở Portbail (Manche), ngôi trường ERS nằm trên bờ biển, cũng vừa phải đóng cửa do 8 em học sinh đã đe dọa một chủ quán vì người này từ chối không bán thuốc lá cho chúng.
Tình hình bạo lực vẫn cứ tiếp diễn có phải do biện pháp giáo dục bằng cách đưa học sinh quá khích vào các trường ERS là không thích hợp? Bên lề một cuộc họp tổ chức khẩn cấp ngày 22-11-2010 với hiệu trưởng các trường ERS, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Luc Chatel nói: “Dứt khoát không phải! Chúng ta không có cách nào khác để xử lý các học sinh quậy phá đó. Nhưng vì giải pháp đó mới chỉ là một thử nghiệm nên cần có thêm nhiều cải tiến. Không có giải pháp nào là thần kỳ cả”.
“Tại Pháp, những trường nội trú loại này ngày nay chứa khoảng 150 học sinh “chuyên môn trốn học, quậy phá, học kém, nhưng chưa đến nỗi phải bị đuổi học”, ông Daniel Auverlot, Thanh tra giáo dục vùng Seine – Saint – Denis cho biết. Học sinh tại các trường ERS sẽ học vào buổi sáng, chơi thể thao vào buổi chiều dưới sự theo dõi của các thầy ở trường, các nhà giáo dục, những người bảo vệ luật pháp của thanh niên. Tính trung bình là một người lớn sẽ “chăm sóc” một em. Không ai có thể tưởng tượng được nhà nước đã bỏ ra những khoản chi phí lớn như thế nào trong việc giáo dục các em học sinh loại này (15.000 Euro/em). Gấp đôi chi phí cho một học sinh tiểu học
Dự án thành lập loại trường ERS rất thuyết phục: Dạy cho các em những quy tắc cần thiết của cuộc sống cộng đồng như tuân thủ luật pháp (luật giao thông, nội quy nơi công cộng như trường học, bệnh viện, nhà hát…)…
Đáng tiếc là trong quá trình thực hiện mô hình giáo dục mới này, người ta có thể đã quá vội vã (đặc biệt ở Craon) nên chưa thu được kết quả như mong muốn. Họ không khéo léo trong việc uốn nắn các em, chưa nắm kỹ tâm lý của từng đối tượng và phương pháp sư phạm cũng chưa phù hợp. Bên cạnh đó, những người phụ trách chương trình này vẫn chưa tìm ra đâu là vấn đề then chốt: Các em học sinh cá biệt này vốn là người thành phố, đột nhiên bị tách rời ra khỏi gia đình và đến sống ở một nơi xa lạ, thiếu sự quan tâm, chiều chuộng của gia đình. Tại đây, tính bướng bỉnh, hung hăng, bất cần đời của các em như bị kích thích. Chúng có cảm giác như bị ghét bỏ, bị phân biệt đối xử, nên tìm cách đối phó, trút hết nỗi giận lên đầu bạn bè một cách vô lý. Thầy Jimmy Prudhom-me, giáo viên môn kỹ thuật, người phát ngôn của các thầy ở Trường Craon nói: “Trong các cuộc họp Hội đồng giáo viên chuẩn bị cho việc tiếp thu các em học sinh cá biệt này, người ta chưa quan tâm đúng mức đến chuyện tìm hiểu kỹ từng đối tượng nhằm đề ra các phương pháp giáo dục sao cho thích hợp, hiệu quả. Trước hết cần nhớ rằng đối tượng ở đây là con người, là những học sinh chưa đến tuổi trưởng thành “ăn chua no, lo chưa tới”, các em không phải là những tội phạm đến trường này để được cải tạo. Vì thế, nhà trường phải chăm lo, giáo dục các em trên cơ sở tình thương, không được tỏ ra nóng vội, giận dữ, hay có thành kiến với bất kỳ cá nhân nào. Một điều cần chú ý nữa là gia đình học sinh và nhà trường phải kết hợp với nhau trong việc giáo dục các em chứ không thể khoán trắng uốn nắn con em mình cho các thầy cô giáo”.
Với quyết tâm của chính quyền, nhà trường mà cụ thể là các thầy cô giáo, gia đình học sinh, trong thời gian tới, nạn bạo lực học đường tại các trường học chắc chắn sẽ được giải quyết cơ bản theo chỉ thị của tổng thống Pháp.
Phan Thanh Quang
(Theo Người quan sát, số 12-2010 )
Bình luận (0)