Sinh viên làm công tác xã hội để nâng cao tay nghề và đạo đức nghề nghiệp. Ảnh: I.T |
Trường Đại học Strathclyde ở Ê-côt-xơ đã thành lập một trung tâm trợ giúp pháp lý để sinh viên (SV) có thể kết hợp thực tập chuyên môn song song với việc tham gia hoạt động công tác xã hội.
Trên tường của văn phòng tại trung tâm, bên cạnh những chồng hồ sơ và giáo trình dày cộm, là một chiếc bảng trắng viết đầy chữ màu xanh. Đó là những thắng lợi về luật pháp do SV của trường thực hiện để giúp đỡ người nghèo. Thắng lợi được quy bằng tiền: 100 livres cho vụ A, 1.500 livres cho vụ B… (từ 112 đến 1.700 Euro). Tuy những khoản tiền này không lớn lắm nhưng nó thể hiện được ý thức, sự nhiệt tình và trình độ chuyên môn của các SV trường luật.
Cách đó vài bước, đầu hành lang là một căn phòng nhỏ, Phòng hành chánh của trung tâm, chứa đầy sách, tạp chí, và tài liệu. Một SV năm cuối phụ trách trung tâm nói: “Chúng tôi đang sắp xếp lại các tài liệu. Phòng bên cạnh là nơi đón tiếp các thân chủ đến trình bày trường hợp của họ. Họ từ khắp nơi trong vùng đến, sau khi đã chạy từ văn phòng luật sư này đến văn phòng luật sư khác, mà vẫn không hài lòng với những gì đạt được. Chúng tôi đã giải quyết miễn phí cho 9/10 trường hợp có kết quả, thỏa mãn yêu cầu của thân chủ. Nhiều khi chúng tôi phải chỉ dẫn cho nhiều trường hợp các bước đi tiếp theo”. Trung tâm này đã tồn tại được 6 năm với 196 thành viên hiện hành. Thân chủ được đón tiếp và tiếp nhận sự việc theo trình tự nhất định, không ưu tiên ai do tính chất sự việc, hay do số tiền được lợi nếu vụ kiện thắng lợi. Người được hưởng sự giúp đỡ này luôn được lựa chọn sao cho tránh trường hợp những người có tiền lợi dụng dịch vụ miễn phí này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người nghèo.
Hồ sơ mà SV thụ lý cũng không có gì đặc biệt: tranh chấp nhà cửa (giữa chủ nhà và người thuê nhà), tranh chấp giữa người tiêu thụ và người bán, tranh chấp giữa chủ và thợ… Cách đây một tháng, nhóm SV này đã thắng một vụ kiện trước hội đồng hòa giải, đem lại một khoản tiền đền bù lên đến 11.200 Euro cho thân chủ. Thế nhưng, không phải lĩnh vực nào họ cũng dấn thân vào. Nhiều vụ được coi là quá nhạy cảm hoặc quá phức tạp không thể giao cho những SV chưa có kinh nghiệm nhiều, cần phải giao cho luật sư có tay nghề cao hơn. Chẳng hạn như, những vụ tranh chấp con cái, những vụ mang tính hình sự không nằm trong phạm vi tư vấn của trung tâm. Ngoài ra trung tâm cũng tránh không lấn sân của nhiều tổ chức khác trong thành phố.
Thông thường các quan tòa sơ thẩm thường gửi những người đi kiện không rành luật pháp đến trung tâm, để các SV ở đây hướng dẫn họ tháo gỡ rắc rối. Nhưng trung tâm cũng có lúc phải “tạm nghỉ” vài tháng vì có nhiều hồ sơ tồn đọng.
Dù có khó khăn về tài chính, nhưng năm 2009, trung tâm đã xử lý được 152 hồ sơ, nhiều hơn năm trước 32 bộ. Trong năm nay, trung tâm có ý định giúp những người mới ra tù kiếm việc làm để mưu sinh và có tham vọng mở thêm chi nhánh ở nhiều địa phương khác, tổ chức những xê-mi-na về quyền hành nghề, bảo vệ người tiêu dùng, thủ tục pháp lý để thưa kiện.
Thông qua những việc làm thiết thực, Trung tâm Trợ giúp pháp lý muốn giáo dục cho SV trường luật quán triệt tư tưởng: kiến thức pháp luật trong tay họ không phải là công cụ để kiếm tiền bằng mọi giá mà là vũ khí để bảo vệ công lý, giúp đỡ những người “thấp cổ bé miệng” chống lại những hành vi vi phạm pháp luật. Qua công tác thực tế, SV sẽ có điều kiện nâng cao tay nghề và đạo đức nghề nghiệp. Những người sáng lập nên trung tâm này hy vọng rằng trong vòng 10 năm họ có thể thay đổi nhận thức của cộng đồng về trường luật, vốn lâu nay vẫn được xem là “trường mũ cao áo dài, phục vụ kẻ có tiền có chức”.
Phan Thanh Quang
(Theo Courrier international)
Bình luận (0)