Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Pháp: Sự cố trong các kỳ thi quốc gia

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh: I.T
Kỳ thi tuyển sinh ĐH ở Việt Nam vừa qua có một “sự cố” nhỏ do lỗi của giám thị (ký nhầm tên vào ô chấm điểm), Bộ GD-ĐT đã có cách giải quyết hợp tình hợp lý, đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Nhìn ra bên ngoài, tại các kỳ thi quốc gia của nhiều nước trên thế giới, “sự cố” xảy ra cũng không phải là hiếm.
Ở Pháp, ngày 16-6-2011, lúc 8 giờ, 400.000 thí sinh thi tú tài làm bài thi môn triết. Đề ra chung cho cả nước. Điều này chứng tỏ rằng kỳ thi này mang tính quốc gia, và hơn nữa là nền giáo dục phổ thông mang tính thống nhất cao xuyên suốt tất cả các miền trên toàn lãnh thổ. Cũng vì tính thống nhất cao nên khi có một trục trặc nào đó (như đề thi chẳng hạn) thì tác động của nó sẽ xảy ra trên một phạm vi rất rộng và khó giải quyết. Ngày 1-6 vừa qua, một sự cố đã xảy ra tại kỳ thi lấy bằng tốt nghiệp quốc gia của 7.400 sinh viên Y khoa năm thứ 6, được phân phối tại 7 vùng trên lãnh thổ Pháp. Cụ thể, đề thi có sai sót nhỏ, theo ý kiến cấp trên buộc chủ tịch hội đồng thi phải ngưng cuộc thi lại, sau đó cuộc thi được tiếp tục lại vào lúc 14 giờ. Nhưng đến 14 giờ, lại có một trục trặc nhỏ xảy ra: tại điểm thi Toulouse, ban giám thị thông báo thiếu giấy nháp khiến cho gần 7.000 thí sinh phải đợi lâu. Một số thí sinh biết đề thi trước thí sinh khác – sự công bằng giữa các thí sinh không được thực hiện. Do đó kỳ thi lại bị bãi bỏ. Serge Uzan, Trưởng khoa Y Trường ĐH Pierre và Marie-Curie tỏ ra tức giận: “Kỳ thi này quả là một trận bão sa mạc. Có sự không cân xứng giữa yêu cầu và thực tế. Chỉ cần một trục trặc nhỏ thì tất cả đã rối ren!”. Theo ý ông, đặt quá nặng tính bình đẳng giữa các cơ hội tất nhiên sẽ dễ vấp phải trục trặc do thiếu cẩn trọng, làm tăng thêm nguy cơ xảy ra sự cố. Do đó cần phải có một cơ chế linh hoạt, có thể bỏ qua những vấn đề nhỏ có thể gây tranh chấp để không làm hỏng cái toàn cục. “Tại sao không ra những đề thi khác nhau cho những trung tâm thi khác nhau, và việc chọn đề được thực hiện theo cách bốc thăm cho từng trung tâm?”, ông Serge Uzan nói. Nhưng, nếu thực hiện như thế thì sinh viên lại phản đối, vì theo họ “thí sinh phải được bình đẳng trong kỳ thi”, nghĩa là phải được yêu cầu như nhau, được đánh giá theo tiêu chuẩn như nhau!
Tuần qua một kỳ thi cũng bị hủy do quyết định của ông Valérie Pécresse. Hơn 3.000 sinh viên vốn hiếu động được tập trung đến Công viên triển lãm Villepinte, ở trong một phòng rộng lớn. Hơn 3.000 túi xách phải để ngoài cửa. Trong giờ thi đầu tiên thí sinh không được ra ngoài, kể cả đi vệ sinh, đó là quy định. Sau một giờ, nhiều thí sinh trao đổi nhau giấy nháp, nói chuyện ồn ào… Một giám thị nhìn cảnh này lắc đầu ngao ngán: “Giám thị không đủ, chỉ thi hành nhiệm vụ trong chốc lát, bởi đa số giám thị chỉ lớn hơn thí sinh có vài tuổi”. Theo ý ông, tốt nhất là tổ chức thi ngay trong trường học của các em.
Ai cũng biết kỳ thi tuyển giáo viên quan trọng biết chừng nào. Thế nhưng năm nay kỳ thi này lại xảy ra nhiều sự cố đáng tiếc mà nguyên nhân cũng rất phức tạp, nguồn gốc suy ra từ hơn 40 năm trước!
Lỗi là từ ông Palémon Glorieux, vào năm 1964 ông đã công bố một bài báo nói là lấy trong Biên niên sử của Hội nghị Giám mục ở Constance (Đức), từ 1414-1418, nhằm chấm dứt sự ly khai lớn của phương Tây. Ngày 14-4 năm nay, trong bảy giờ liên tục, 2.000 thí sinh dự thi tuyển giáo viên dạy sử phải bình luận một trích đoạn trong bản văn giàu chi tiết đó, mà có người gọi là “mỏ tài liệu tha hồ khai thác”. Nhưng, có người phát hiện là ông Glorieux không phải là người phát hiện ra bản văn này trong Biên niên sử được cất giữ từ mấy trăm năm nay, mà bản văn này là do chính ông Glorieux sáng tác ra ngay trong Hội nghị Giám mục Vatican I. Nhưng các thí sinh trong kỳ thi này, cũng như hai chuyên viên về Sử trung cổ (những người soạn thảo đề thi này) không biết! Sự cố này đã khiến cho hai chuyên viên này xin rút chân ra khỏi Hội đồng tuyển sinh.
Kỳ thi tuyển giáo viên lần này có 2.000 thí sinh nhưng kết quả chỉ 70 người trúng tuyển, Sự bình đẳng giữa các thí sinh, dù trên cơ sở của những bài bình luận từ một giả thiết sai vẫn được tôn trọng và được đánh giá một cách rất công bằng!
(Theo Le Point)        
Phan Thanh Quang

Bình luận (0)