Một lớp học ở Pháp. Ảnh: I.T |
Có thể nói trước khi máy tính ra đời, về cơ bản việc giảng dạy toán ở trường tiểu học tại Pháp không có gì thay đổi nhiều. Vẫn là tập đếm, đọc số, các phép tính cơ bản cộng trừ nhân chia trên số tự nhiên, số thập phân, rồi phân số… sau đó là các bài toán đố, quy tắc tam suất, phép tính tỷ lệ… Từ ngày máy tính ra đời việc giảng dạy toán ở trường tiểu học đã có những thay đổi. Thay vì phải làm tính trên giấy khó khăn, học sinh chỉ cần bấm trên máy.
Mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy toán ở trường tiểu học đã phải trải qua một thời kỳ khủng hoảng. Trước tình hình đó Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, dưới thời của Bộ trưởng Bộ Giáo dục lúc bấy giờ là Gilles de Robien đã mở một cuộc hội thảo nhằm “phân tích việc giảng dạy toán trong trường tiểu học, kể cả những suy nghĩ dài hạn về những vấn đề quan trọng, ví dụ như vai trò của trí nhớ trong việc luyện tập”.
Viện Hàn lâm đã gần như nhất trí biểu quyết thông qua những kết luận sau đây (xem trên web: www. academie-scences.fr):
Những thành tích về cải tiến kỹ năng thực hiện phép tính (cộng, trừ, nhân, chia) vào năm cuối bậc tiểu học đòi hỏi sự đánh giá thận trọng, kèm theo sự phân tích sâu sắc, và rút kinh nghiệm, cũng như sự chú ý đặc biệt trong công tác đào tạo giáo viên. Bên cạnh đó, phải dạy làm tính kết hợp chặt với các môn khác: tiếng mẹ đẻ, khoa học về thiên nhiên, địa lý, âm nhạc, thể thao, để có thể gắn liền nó với những tình huống cụ thể, đó là điều rất cần thiết để phát triển khả năng trừu tượng hóa. Những con số đưa ra cần đi đôi với đại lượng (mét, giây, kilo…).
Học sinh đi học là đã có sẵn một vốn về trực giác và khả năng, làm nền tảng và chỗ dựa cho việc tiếp thu phép tính số học. Tự động hóa kỹ thuật làm tính (bằng máy tính-TG), kèm theo những biểu hiện mới về tính nhẩm, đòi hỏi học sinh có những cố gắng lớn về khả năng chú ý và trí nhớ. Nắm được thao tác tự động hóa, khả năng tính nhẩm được giải phóng để nhường cho nhiệm vụ khác, điều đó chỉ có thể là kết quả cuối cùng và tự nhiên của một việc thực tập thường xuyên, và hiểu kỹ cách làm tính (dù thao tác trên máy, cũng phải hiểu ý nghĩa logic của thao tác đó).
Dạy toán, trong việc thực hiện các phép tính nhằm hai mục tiêu: cung cấp cho học sinh nền tảng vững chắc về tự động hóa và duy trì mối liên hệ giữa việc tính toán với ý nghĩa của nó và với cách giải các bài toán cụ thể.
Việc dạy làm tính phải bắt đầu đồng thời học đếm và làm 4 phép toán, nắm vững số “cụ thể” như số đếm, và số trừu tượng như “số lần”. Độ phức tạp tăng dần từ lớp mẫu giáo đến lớp 5 (Việt Nam), cho đến tận những phép toán trên số thập phân và phân số. Khả năng làm tính phát triển theo nhiều mô thức thích hợp, cần thiết và bổ sung cho nhau: tính nhẩm, tính trên giấy, tính gần đúng, tính bằng công cụ. Tính nhẩm cần cho cuộc sống hàng ngày, nó phát triển và duy trì trí nhớ. Tính trên giấy, sau này sẽ dùng rất nhiều và thường xuyên, góp phần củng cố vững chắc và cấu trúc các kiến thức. Tính gần đúng rất cần thiết trong khoa học tự nhiên, giúp xử lý các đại lượng.Tính bằng công cụ không thể không biết, nó nối kết các mô thức khác nhau, nhưng không thể thay thế các mô thức đó. Tất cả những mô thức nói trên là công cụ cần thiết cho mọi người.
Học làm tính không thể tách rời với học hình học. Tính toán và hình học luôn đi đôi trong suốt lịch sử toán học. Mối liên hệ giữa hình học và phép tính phải được đưa vào rất sớm, vì học sinh không thể thấy ngay điều đó. Những nghiên cứu về nhận thức cho thấy rằng có mối liên hệ chặt chẽ giữa biểu diễn số và không gian, vì chúng cùng nằm trong một miền của não bộ.
Sự quan trọng của tỷ lệ thức trong nhiều môn, đặc biệt trong khoa học tự nhiên, đòi hỏi học sinh phải nắm vững quy tắc tam xuất.
Tất cả trẻ em đều có thể làm tính như có thể bơi. Đó là vấn đề của ý chí, của lao động và niềm vui. Các em thích chơi, các trò chơi là một nguồn đầu đề của các bài tập làm tính, vì chúng rất tự nhiên, rất tế nhị. Làm tính cũng có thể là một trò chơi hấp dẫn. Hy vọng rằng các em cũng sẽ thích làm tính, như thích chơi một trò thú vị.
Phan Thanh Quang
(Theo Thế giới Giáo Dục)
Bình luận (0)