Sinh viên ngành y tại Pháp đang thực tập (ảnh minh họa). Ảnh: I.T |
Có những ngành học đặc thù chỉ dành riêng cho nam hoặc cho nữ. Ví dụ người ta không tuyển nữ trong ngành quân sự (pháo binh, xe tăng) và một số ngành đặc biệt (địa chất, đánh cá…). Ngoài các ngành đặc biệt ấy ra, lâu nay việc chọn các ngành học theo giới tính chẳng qua là một thành kiến xã hội, lâu quá thành một quy ước bất thành văn.
Thành kiến cần thay đổi
Tính hòa đồng nam nữ trong giáo dục đại học là một khích lệ cho tất cả những ai bác bỏ thành kiến giới tính trong giáo dục chuyên nghiệp. Nhưng bức tranh thực tế về phân biệt giới tính vẫn còn đó, như một thách đố: chỉ có 1% nam học nghề hộ sinh, 5% nữ học kỹ thuật điện. Vấn đề hòa đồng giới tính vẫn còn rất khó được xã hội chấp nhận thực sự. Vì thế trong tuyển sinh, “tuyên truyền cổ động” vẫn rất cần. Tháng 3 vừa qua Đại hội các trường kỹ thuật còn tuyển sinh với lời khuyến khích: “Nữ kỹ sư, một tương lai cho phái nữ!”. Phòng nghiệp đoàn thông tin Syntec Inforrmatic chiêu dụ phái nữ qua chiến dịch “changeur-demonde.com” (người thay đổi thế giới.com). Tại sao lại có phân biệt giới tính khi chọn ngành nghề? Có thể kể đến một vài nguyên nhân chính như: đánh giá thấp phái nữ, đánh giá cao phái nam, đầu óc phân biệt giới tính của giáo viên và phụ huynh, và cả xã hội nữa. Muốn xóa bỏ phân biệt giới tính “vô lý” bản thân học sinh phải vượt qua e ngại (nam học hộ sinh sẽ bị nữ hóa!), vượt qua cách nhìn thành kiến của xã hội (nam mà học hộ sinh là “pê-đê”!). Đó quả thật là điều rất khó! Rui, một nam sinh nói: “Khi tôi thi trượt y khoa lần thứ hai, tôi phải chọn: hoặc trở lại học tú tài hai năm nữa, hoặc chấp nhận vào học hộ sinh”. Cũng như Rui, hiện nay ở năm học thứ tư có 5 nam sinh Trường Poisy cũng lựa chọn nghề “bất đắc dĩ” này. Nhưng dần dần họ lại tỏ ra thích thú. Julien nhớ lại: “Kỳ thực tập đầu ở phòng sinh đã xóa hết mọi nghi ngờ của tôi”. Chương trình học gồm 3/4 là thực hành ở nhà hộ sinh. Francois sinh viên năm thứ tư nói: “Trái với ý nghĩ trước kia, không phải chỉ hướng dẫn sản phụ khi sinh, mà người đỡ đẻ còn phải theo dõi sản phụ sau khi họ sinh một tháng”. Đôi mắt của Rui sáng lên khi nói đến nghề hộ sinh: “đó là một nghề rất nhân đạo, một dịp tuyệt vời được nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của người mẹ khi sinh đứa con đầu của mình…”.
Trừ một số sản phụ không muốn nam đỡ đẻ cho mình (vì lý do tôn giáo), Rui nói: “là nam hộ sinh cũng có cái lợi. Sản phụ đều ngạc nhiên và đặt cho chúng tôi một lô câu hỏi. Điều đó giúp tạo ra sự thông cảm, tin tưởng”. Ưu thế thứ hai: đàn ông không sinh con, do đó các sản phụ không sợ bị chê trách là chịu đau kém và có đề nghị được gây tê cục bộ cũng được thông cảm hơn. Nếu như có ai đó nói – nghề hộ sinh phù hợp với nam như nữ, thì thật là vô lý!”.
Bắt đầu từ khâu tuyển sinh
Yannck học sinh nam duy nhất trong số 30 nữ sinh năm thứ ba nói: “Khi không làm tốt bài kiểm tra, mình dễ bị lộ ra. Và nói chung trong sinh hoạt phải giữ ý tứ nhiều hơn, không thể tự nhiên thoải mái như giữa nam với nhau”. Về phần ban giám hiệu, họ không phân biệt nam nữ, chỉ có vấn đề đồng phục là có thay đổi một chút: Trước kia nam hộ sinh và nữ hộ sinh đều mặc áo blouse màu hồng, bây giờ nam mặc màu xanh hay trắng. Cô giáo dạy hộ sinh năm thứ hai đánh giá cao việc hòa đồng nam nữ: “Cái nhìn của nam giới đem lại một cảm giác khác so với cái nhìn của nữ giới, vì vậy nam hộ sinh thường bảo vệ quyền lợi của các vị làm bố. Việc gì liên quan đến cha mẹ, vợ chồng họ đều bênh vực quyền lợi của phái nam. Nói chung nam đóng vai trò làm cân bằng. Một mặt họ phải làm cho sản phụ an tâm, một mặt phải chống lại những thành kiến nghề nghiệp và họ đã làm được điều đó vì họ có trình độ và bản lĩnh.
Sự thay đổi cách tuyển sinh vào trường hộ sinh bắt đầu từ năm 2003 có thể đem lại kết quả mới. Trước kia, người ta tuyển sinh vào trường hộ sinh qua một kỳ thi đặc biệt ngay từ năm đầu nên rất ít nam học sinh xin học. Bây giờ việc tuyển sinh vào trường hộ sinh sẽ được tiến hành sau năm thứ nhất Đại học Y khoa. Số nam sinh viên xin học trường này có đông hơn. Nhìn chung ở một số trường nam sinh có tăng lên, chiếm được 13%, trong khi đó ở các bệnh viện phụ sản hiện nay chỉ có 1% nam hộ sinh hành nghề. Trường hộ sinh Poissy cũng đẩy mạnh việc tuyển nam hộ sinh và hiện họ đang tuyển mộ một nam giáo sư dạy về sản.
(Theo Tạp chí Phosphore)
Phan Thanh Quang
Bình luận (0)