Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Phạt… “ác”

Tạp Chí Giáo Dục

Không biết hình phạt chép phạt ra đời từ khi nào và hình phạt này được rất nhiều giáo viên sử dụng, nhất là ở bậc tiểu học. Anh T., có con học lớp 1 tại một trường tiểu học ở trung tâm TP.HCM, bức xúc kể: “Cô giáo kiểm tra vở ghi chép của con gái tôi, thấy mép vở hơi quăn thế là bắt bé phải chép phạt lại nguyên cuốn vở 10 lần, hai ngày sau cô sẽ kiểm tra. Cuốn vở đã viết được mấy chục trang rồi, chép một lần cũng chép không nổi nói gì là 10 lần. Cô giáo… ác quá!”.

Đúng vậy. Cô giáo thật quá đáng khi bắt một đứa trẻ chỉ mới học lớp 1 được mấy tháng phải chép lại 10 lần mấy chục trang vở. Điều đáng buồn là những thầy cô “ác” như thế này không hiếm. Học sinh không thuộc bài, chép phạt; học sinh không nghe thầy cô giảng bài, chép phạt; học sinh nói chuyện trong giờ học, chép phạt… Nói chung là có cả trăm lý do để giáo viên áp dụng hình phạt chép phạt đối với học sinh. Nhẹ thì chép phạt 10 lần, nặng thì 40-50 lần… Mục đích của giáo viên khi áp dụng hình phạt này là gì? Phải chăng thầy cô nghĩ rằng: “Mỗi lần chép là một lần nhớ. Việc chép phạt sẽ giúp học sinh nhớ bài lâu hơn”. Có thể suy nghĩ này là đúng. Nhưng, nó chỉ đúng trong trường hợp học sinh tự nguyện chép chứ không phải là bị phạt chép. Ngay cả người lớn khi bị ép làm một việc gì đó cũng cảm thấy vô cùng khó chịu và làm trong tư thế đối phó. Và đương nhiên làm đối phó thì kết quả không tốt, thậm chí còn tệ hơn. Với trẻ em cũng vậy, khi bị thầy cô phạt bằng cách chép phạt thì cho dù chép 10 lần, hay 100 lần, các em cũng không thuộc bài. Những dòng chữ trong các bài học mà học sinh phải chép không còn là kiến thức mà đó là đòn roi, sẽ không có chữ nào lọt vào đầu các em hết. Bộ GD-ĐT quy định, một tiết học ở bậc tiểu học là 30 phút, bậc THCS và THPT là 45 phút. Đây là khoảng thời gian học sinh có thể ngồi học một cách nghiêm túc, quá thời gian này là các em bắt đầu quay ngang quay dọc, chân tay ngứa ngáy khó chịu… Ấy vậy mà bắt các em ngồi chép phạt, thật sự là một hình phạt quá tàn nhẫn.

Học sinh chỉ ham học, học giỏi khi các em yêu quý thầy cô của mình. Nếu bị phạt thì rất dễ dẫn đến tình trạng các em ghét thầy cô dạy mình. Lúc đó các em không những không học giỏi mà trái lại sẽ bỏ bê việc học, chống đối lại thầy cô. Ắt hẳn, chẳng có thầy cô nào muốn điều này xảy ra. Vậy thì, không có lý do gì thầy cô lại phải duy trì cái “truyền thống” chép phạt từ thế hệ nhà giáo này đến thế hệ nhà giáo khác.

Cả nước đang bước vào công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Đổi mới ở đây không chỉ bó gọn trong việc đổi mới sách giáo khoa, tích hợp các môn học lại với nhau, đổi từ bảng đen phấn trắng sang bảng thông minh… mà còn đổi mới cả cách phạt học sinh nữa.

Kim Anh

Bình luận (0)