Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Phát bệnh vì thuốc tăng trí nhớ

Tạp Chí Giáo Dục

Chưa hết áp lực thi tốt nghiệp THPT, các “sĩ tử” lại tiếp tục lao vào vòng xoáy thi vào lớp 10 và đại học, cao đẳng sắp tới. Không chỉ sức khỏe bị ảnh hưởng do ôn bài mà những áp lực của chính bản thân và gia đình đã khiến không ít “sĩ tử” rơi vào trạng thái rối loạn hành vi, thậm chí bị loạn thần do sử dụng những chất kích thích, thuốc tăng trí nhớ…

Học quá… hóa khùng

Chưa hết vẻ lo lắng mặc dù được bác sĩ chẩn đoán là đứa con gái đầu lòng đang học lớp 12 chỉ bị căng thẳng thần kinh nên hành vi bị lệch chuẩn nhất thời, chị Hoàng Ngọc P. (ngụ quận 7, TPHCM) tâm sự: “Tui tưởng kỳ thi tốt nghiệp phổ thông này cháu không thể đi được, may mà không sao”. Sáng qua (2-6) là ngày thi tốt nghiệp THPT đầu tiên, chị P. đã dậy rất sớm để chuẩn bị đưa con đi thi trong sự hồi hộp. “Cách nay khoảng một tháng, tui nhận thấy cháu thỉnh thoảng cứ lảm nhảm gì đó, rồi có lúc ngồi thừ người ra thất thần, nói gì cũng không nghe. Thậm chí còn có lúc lơ đãng làm vỡ cái này cái nọ. Đêm ngủ thì hay giật mình. Tưởng con bị ảnh hưởng tâm thần do ôn bài nhiều, tui dẫn cháu đi khám nhưng bác sĩ bảo cho uống thuốc, nghỉ ngơi và học hành đúng giờ nên không sao”, chị P. nói. Không chỉ áp lực thi cử mà ngay cả chuyện thi thố thành tích học sinh giỏi cũng khiến không ít học sinh rơi vào trạng thái ảnh hưởng tâm thần. Mới đây, Bệnh viện Tâm thần TPHCM đã tiếp nhận trường hợp em N.V.M. (lớp 10 tại TPHCM) bị khủng hoảng tinh thần do áp lực thi học sinh giỏi quốc gia. Theo các bác sĩ, tình trạng của M. là mắc chứng rối loạn lo sợ do học hành quá sức.

Đừng để áp lực học hành mà phát bệnh tâm thần.

Ghi nhận ở khoa Tâm lý tinh thần trẻ em (Bệnh viện Tâm thần TPHCM) có rất nhiều trường hợp tương tự như M. Tuy nhiên, thỉnh thoảng có những trường hợp nặng hơn do sử dụng các chất kích thích để tăng khả năng nhớ bài, mau thuộc bài. Chẳng hạn cách nay không lâu là trường hợp P.V.Q. (nữ học sinh lớp 12, ngụ quận 9, TPHCM) sợ không qua được 2 kỳ thi THPT và đại học nên đã lên mạng tìm kiếm các loại thần dược bổ sung trí não với hy vọng cải thiện tình hình bài vở. Q. đã tìm đến các nhà thuốc và mua Ritalin, một loại thuốc được cho là an thần và tăng trí nhớ. Thế nhưng, vừa uống được nửa vỉ, Q. đã kêu đau đầu, chóng mặt và luôn la hét. Rốt cuộc người nhà đưa Q. vô Bệnh viện Tâm thần TPHCM cấp cứu.

Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần TPHCM, trong năm 2011 có 25.000 lượt trẻ trong độ tuổi đi học (từ 3 – 15 tuổi) đến khám và điều trị các bệnh liên quan đến tâm thần. Năm 2012 con số này là 28.000 và năm 2013 vượt hơn 32.000 trẻ… Theo các bác sĩ Bệnh viện Tâm thần TPHCM, thường đến thời gian thi cử thì lượng học sinh đến khám và điều trị tăng lên, trung bình mỗi tuần tiếp nhận từ 600 – 700 ca. Bác sĩ Lê Minh Công, Bệnh viện Tâm thần Trung ương II (Biên Hòa – Đồng Nai) cho biết tình trạng học sinh áp lực thi cử bị rối loạn tâm thần cũng gia tăng. Những trường hợp bệnh viện tiếp nhận gần đây thường có biểu hiện là mệt mỏi, căng thẳng, lo âu, hay hồi hộp và không tập trung học tập.

Tránh xa… “thần dược”

Theo các bác sĩ Bệnh viện Tâm thần TPHCM, học sinh đến khám có nhiều biểu hiện bệnh lý tâm thần khác nhau, có em bị rối loạn chứng lo âu, có em bị trầm cảm, thậm chí có em bị loạn thần do tác dụng phụ của các chất kích thích. Chẳng hạn đã có những trường hợp sử dụng thuốc kích thích Ritalin để tăng trí nhớ, trong khi đây là thuốc điều trị cho bệnh nhân có chứng gia tăng hành vi, rối loạn tập trung chú ý. Nhiều em học sinh rỉ tai nhau coi như “thần dược” tăng trí nhớ nên rất nguy hiểm vì có thể gây đột tử. Theo bác sĩ Phạm Văn Trụ, Bệnh viện Tâm thần TPHCM, bệnh viện vẫn thường gặp các sĩ tử bị “ngộ độc” các loại thuốc được quảng bá có tác dụng bổ thần kinh, tăng trí nhớ, học bài mau thuộc như thuốc Amphetamine là loại ma túy kích thích thần kinh bị cấm lưu hành rộng rãi nếu không có đơn chỉ định của bác sĩ. Người uống Amphetamine cảm nhận mình bỗng có một năng lực dồi dào, làm việc say mê nhưng thực chất bệnh nhân đã rơi vào rối loạn hưng phấn. “Có tới 66% những người lạm dụng Amphetamine đều có thể rơi vào chứng rối loạn tâm thần: mất ngủ, rối loạn giấc ngủ, rối loạn hành vi”, BS Trụ cho biết.

Thống kê của Bệnh viện Tâm thần TPHCM cho thấy, mỗi năm cứ đến các kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học đều tiếp nhận không dưới 10 em mắc các chứng bệnh liên quan đến các “thần dược” tăng trí nhớ. Có những trường hợp mới sử dụng, mắc nhẹ có thể chữa khỏi nhưng có trường hợp đã lạm dụng nhiều thì trở nên phát khùng, điên loạn hoàn toàn. Trong khi đó, điều đáng nói là mua các loại “thần dược” như vậy rất dễ ở các chợ thuốc sỉ hay nhà thuốc. Điển hình như thuốc Recotus là một loại thuốc trị giảm ho nhưng chứa chất kích thích, được các học sinh ưa chuộng như thần dược “tăng cường trí nhớ” và đã gây ra nhiều vụ ngộ độc đáng tiếc.

Theo các bác sĩ, hầu hết các loại thuốc lưu hành trên thị trường là dùng cho người bị suy giảm trí nhớ tạm thời hay các bệnh lý chứ không phải dùng cho người bình thường. Việc phụ huynh hay học sinh tùy tiện mua thuốc “bổ thần kinh” vô tội vạ, không có đơn của bác sĩ sẽ có tác dụng ngược, gây nhanh quên, buồn ngủ. Nguy hiểm hơn, nếu dùng thuốc bổ thần kinh lâu ngày có thể gây rối loạn hành vi, hoang tưởng, suy gan, suy thận, cơ thể suy kiệt. Các chuyên gia y tế đều khẳng định, không có phương thuốc kỳ diệu nào tạo ra trí nhớ, trí thông minh hay tăng cường trí nhớ, chỉ có thuốc điều trị suy giảm trí nhớ.

Các chuyên gia tâm thần khẳng định, trong thời kỳ ôn thi, biểu hiện mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ… của sĩ tử là dấu hiệu của áp lực học hành quá căng thẳng. Vì thế, những phương thuốc hiệu quả và an toàn là học hành đúng phương pháp, ngủ đủ giấc, thư giãn… Mặt khác, theo Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, thí sinh cần bổ sung các loại dinh dưỡng, ăn uống điều độ, ăn nhiều trái cây, sữa, trứng cũng như sử dụng các loại thảo dược giúp thoải mái tinh thần thì mới có thể tăng cường trí nhớ, học hành và làm việc hiệu quả.

TƯỜNG LÂM (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)