Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Phạt con trước đám đông, hậu quả khôn lường

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều phụ huynh cho rằng mắng nhiếc con trước đám đông là cách giúp trẻ cảm thấy xấu hổ mà nhận thức đúng đắn hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, đây là cách làm phản khoa học.
Mỗi phụ huynh có cách phạt con riêng: Có người nói năng nhẹ nhàng, có người mắng nhiếc nặng nề, cũng có người dùng đòn roi thô bạo.
Bêu riếu con trước hàng xóm
Họ đã nói
Phạt không đúng cách sẽ khiến trẻ tự ti, trầm cảm
Cha mẹ không được, không nên mắng mỏ, bêu rếu con cái trước đám đông. Trẻ rất nhạy cảm và có lòng tự trọng cao. Việc chì chiết con là “đồ vô dụng” hay “ăn hại”, “lười biếng”, “hư hỏng”… sẽ khiến trẻ cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. Xa hơn, trẻ có thể mang tâm lý tự ti, trầm cảm dẫn đến học hành sa sút vì những câu nói tưởng chừng nhất thời của cha mẹ. Vì vậy, trước bất kỳ việc “tày trời” nào mà con gây ra, hãy biết tôn trọng con và chọn cách ứng xử khéo léo. Đừng vì phút giây nóng nảy nhất thời mà sẵn sàng mắng nhiếc con trước đám đông, đặc biệt là mắng con trước mặt bạn bè chúng.
BS NGUYỄN THỊ DIỆU ANH, chuyên viên tâm lý lâm sàng BV Nhi đồng 1 (TP.HCM)
Nhà QA (12 tuổi) nằm trong một khu nhà tập thể cũ ngay giữa trung tâm TP. Nhà ở đây sát vách nhau, chỉ ngăn cách bằng một bức tường mỏng nên chỉ cần bên nhà này to tiếng là nhà hàng xóm nghe rõ mồn một. QA thường mắc một số lỗi: góc học tập không gọn gàng, quần áo thay ra vứt bừa bãi,… Ba mẹ nhiều lần nhắc nhở nhưng QA vẫn chứng nào tật đấy. Mẹ QA không thể kiềm chế đã mắng nhiếc con khá nặng nề; rằng QA là đồ “lười biếng, bẩn thỉu, vô dụng, ăn hại… thậm chí là “đồ bỏ đi”. Những lời lẽ mắng mỏ ấy được phát ra với âm lượng khá lớn nhằm mục đích cho QA xấu hổ với hàng xóm.
Mẹ QA tự hào về phương pháp này: “Đôi khi tâm lý những đứa trẻ là như thế. Chúng không sợ người xung quanh biết chuyện mình bỏ học, bị điểm thấp, đánh nhau… nhưng lại rất sợ mọi người biết mình sinh hoạt luộm thuộm, bẩn thỉu và lười nhác. Tôi đã nói nhỏ nhẹ nhiều lần nhưng không xong. Cho nên đó là cách cuối cùng để cho con bé xấu hổ”. Hậu quả là QA bị trầm cảm, biếng ăn, mất ngủ, học hành giảm sút phải điều trị nhiều tháng mới thuyên giảm nhưng vết hằn tâm lý vẫn kéo dài. “Ngay lúc đó em cảm thấy bị xúc phạm nặng nề, chỉ biết òa lên khóc tức tưởi. Từ hôm đó, mỗi khi gặp hàng xóm, em lại ngượng đến nỗi không dám nhìn thẳng vào ai; cảm giác như mình là người có tội, phải khép nép, khúm núm…” – QA tâm sự.
Nhốt con trước cửa ban đêm
Hơn 12 giờ đêm, một số người qua đường không khỏi ngoái lại nhìn khi thấy một cô bé 14 tuổi ngồi gục mặt trước cửa một căn nhà trên đường Phạm Văn Hai (quận Tân Bình, TP.HCM). Cô bé không có dáng vẻ của trẻ lang thang cơ nhỡ nhưng lại đứng một mình khóc lóc trước cửa nhà. Vài người hàng xóm thấy vậy hỏi han thì ba cô bé nói vọng ra rằng: “Tí tuổi đầu đã bày đặt đi chơi về khuya. Về muộn thì cứ đứng ở ngoài đó, đừng vào nhà để mọi người đi qua nhìn thấy cho ê mặt…”.
Mẹ cô bé cũng ủng hộ hình phạt của chồng. Hàng xóm phàn nàn về cách trừng phạt này thì người mẹ lên tiếng: “Cha mẹ nào mà chẳng thương con, chúng tôi làm thế vì thương con đấy. Biết tình hình tội phạm tuổi vị thanh niên ngày càng gia tăng, chúng tôi lo lắm chứ. Nếu con mình cứ đi đêm về hôm như vậy thì ai dám đảm bảo cho sự an toàn của nó, nhất là khi nó lại là con gái”. Một tuần sau, cô bé bỏ nhà ra đi để lại lá thư vĩnh biệt đầy nước mắt và những lời trách móc cha mẹ về cách đối xử cay nghiệt với mình. Không ai hình dung nổi tương lai của cô bé sẽ ra sao.
“Tôi là kẻ ăn cắp”
Câu chuyện này xảy ra ở một ngôi làng nhỏ cách xa TP. Một cậu bé 15 tuổi ngượng ngùng cầm tấm bảng có dòng chữ “Tôi đã ăn cắp” đứng ngay đình làng. H. từng nhiều lần trộm những khoản tiền nhỏ của bố mẹ. Tuy nhiên, lần này cậu đã trộm một số tiền lên tới cả triệu đồng để mua đồ cho nhân vật trong game và bị cha mẹ phạt. Một người họ hàng của H. cũng đứng bên cạnh và tỏ ra ủng hộ hình phạt này của bố mẹ H.
Bố H. giải thích: “Đừng nghĩ rằng chuyện trộm tiền của gia đình là chuyện nhỏ. Việc này đã diễn ra nhiều lần và lâu dần sẽ trở thành một thói quen, một tính cách xấu. Hơn nữa, lấy trộm tiền để ném vào những trò game là việc hết sức nguy hiểm. Biết bao vụ án giết người, cướp của ở tuổi vị thành niên chỉ vì lấy tiền chơi game…”.
Một số lỗi nên tránh khi phạt con
Mất bình tĩnh và phản ứng thái quá: Khi trẻ mắc lỗi, nhiều phụ huynh tức giận và không kiểm soát được cảm xúc đã nói những câu làm tổn thương con. Sự thỏa mãn cơn tức trong phút chốc của cha mẹ dễ gây hậu quả tiêu cực trong suy nghĩ con trẻ. Khi một đứa trẻ không cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ, chúng co mình lại hoặc nổi loạn, ngày càng khó bảo hơn.
Phạt không nói lý do: Khi phạt con, cha mẹ cần giải thích cụ thể, rõ ràng nguyên nhân con bị phạt và nếu con tiếp tục phạm lỗi đó thì sẽ có hậu quả gì. Có vậy mới khiến trẻ ngoan ngoãn, tuân theo hình phạt của cha mẹ. Lặng lẽ phạt con dễ khiến trẻ có thái độ hậm hực với cha mẹ vì trẻ không hiểu do đâu mình bị phạt và lần sau rất có thể trẻ lại mắc lỗi. Hãy dùng lời lẽ phân tích đúng – sai, phải – trái cho trẻ thay vì la mắng, đánh đập.
(Theo giadinh.net)
PHẠM THỦY
Theo Pháp Luật

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)