Cứ đến dịp mỗi mùa thi cử, các bệnh viện Tâm thần ở khu vực phía Nam lại tiếp nhận những sĩ tử nhập viện vì rối loạn tâm thần. Áp lực, sự kỳ vọng vào kết quả thi cử từ các bậc phụ huynh cộng với nỗi lo “thi phải đỗ” khiến cho không ít học sinh phát điên.
Áp lực thi cử. Minh họa: Khều. |
Vòng xoáy áp lực
Gần 10 năm công tác ở Khoa tâm lý lâm sàng thuộc BV Tâm thần Trung ương II, bác sĩ Lê Minh Công kể lại, mới đây đơn vị tâm lý tiếp nhận em Nguyễn V.C, 8 tuổi, học sinh lớp 3 của một trường tiểu học nổi tiếng ở TP Biên Hòa. Gia đình khá giả, C. học rất giỏi, vào viện thăm khám bởi em thường xuyên đau bụng, toát mồ hôi, nhịp tim tăng nhanh kèm theo ngộp thở… mỗi lần chuẩn bị đến trường. Bác sĩ Công cho biết C. bị một loại rối loạn hành vi và cảm xúc ở lứa tuổi học sinh.
Trong khi đó, Hoàng Anh T., một học sinh lớp 12 tại TPHCM phải vào viện với các triệu chứng mệt mỏi, căng thẳng, lo âu, hay hồi hộp và không tập trung học tập. Anh T. là con trai lớn trong gia đình nên cha mẹ và họ hàng rất kỳ vọng vào việc học của em. Đó cũng là nguyên nhân khiến từ khi vào lớp 10, Anh T. phải học với một chế độ nghiêm ngặt. Cha mẹ T. cho biết dường như cả ngày T phải đến lớp học và các lớp học thêm, tối đến thì lại được một gia sư kèm cặp.
Khi bắt đầu vào học lớp 12 thì cường độ học tập của Anh T. càng căng thẳng hơn. Ngày nào em cũng phải học trên lớp buổi sáng, chiều và tối thì xoay như chong chóng với 6 lớp học thêm để thi tốt nghiệp và thi đại học. Vòng xoay của học hành cộng với sự kỳ vọng quá mức của gia đình càng tạo cho em nhiều áp lực lớn về tâm lý. Dần dần T. rơi vào các trạng thái suy nhược, lo âu, mất tập trung và không thể học bài một cách sáng suốt.
Phát điên
Khi còn công tác ở BV Tâm thần TPHCM, bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, hiện là Giám đốc Trung tâm pháp y tâm thần TPHCM cho biết cứ trước và sau mỗi kỳ thi, BV lại tiếp nhận học sinh bị rối loạn tâm thần vào điều trị. Cách đây không lâu, bác sĩ Quang cho biết, một học sinh nữ ở Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh, chuẩn bị thi đại học thì phát điên bởi áp lực quá lớn từ kỳ thi. “Khi đến bệnh viện khám, học sinh này không còn nhớ gì mình đã khổ luyện trước đó, ăn cơm như người mất hồn, thậm chí hay hò hét và cười một mình”- Bác sĩ Quang cho biết. Đó là chưa kể, không ít sĩ tử nhập viện vì một thời gian dài dùng các loại thuốc được quảng cáo là “tăng trí nhớ hay bổ não”.
Không chỉ học sinh cấp 3, học sinh thi đại học mà theo các bác sĩ vào các đợt thi đầu cấp học, họ cũng tiếp nhận cả học sinh chuẩn bị vào lớp 1, học thi lên lớp 6. Em Trần T.V có bố là hiệu phó của trường cấp 2 nổi tiếng ở quận 3. Đầu năm học lớp 9, V. được bầu làm lớp trưởng nên cô bé lúc nào cũng phải đạt danh hiệu đầu lớp.
V. cho bác sĩ biết em luôn nỗ lực để còn phải thi vào trường Chuyên Nguyễn Thượng Hiền như kỳ vọng của bố mẹ. Vậy nhưng đợt thi thử vừa rồi V. chỉ đạt 41 điểm, không đủ điểm báo trường chuyên. Thế là tuần nào, từ sáng đến khuya em cũng chúi đầu vào học. Em rơi vào trầm cảm, rối loạn tâm thần phải vào BV Tâm thần TPHCM chữa trị.
V. cho bác sĩ biết em luôn nỗ lực để còn phải thi vào trường Chuyên Nguyễn Thượng Hiền như kỳ vọng của bố mẹ. Vậy nhưng đợt thi thử vừa rồi V. chỉ đạt 41 điểm, không đủ điểm báo trường chuyên. Thế là tuần nào, từ sáng đến khuya em cũng chúi đầu vào học. Em rơi vào trầm cảm, rối loạn tâm thần phải vào BV Tâm thần TPHCM chữa trị.
Giảm áp lực
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang cho rằng nên giảm áp lực học cho con cái, tạo khoảng thời gian cho học sinh nghỉ ngơi, đừng chạy theo thành tích ảo. “Nếu cha mẹ đặt áp lực, sự kỳ vọng cho con cái sẽ tạo cho con dễ stress, dễ gây sang thương tâm lý và làm rối loạn tâm thần”- bác sĩ Quang khuyên.
Để giảm tình trạng trên, bác sĩ Công cho biết cha mẹ thật sự phải là nơi chia sẻ của con cái, các em có thể giãi bày những khó khăn, những áp lực của cuộc sống. Đừng bao giờ tạo sự quá kỳ vọng và đặt áp lực lên các em, nhất là trong chuyện học tập. Thay vào đó cần chăm sóc các em tốt không chỉ về mặt dinh dưỡng mà còn cả về tinh thần, bằng cách gần gũi, động viên các em.
Để giảm tình trạng trên, bác sĩ Công cho biết cha mẹ thật sự phải là nơi chia sẻ của con cái, các em có thể giãi bày những khó khăn, những áp lực của cuộc sống. Đừng bao giờ tạo sự quá kỳ vọng và đặt áp lực lên các em, nhất là trong chuyện học tập. Thay vào đó cần chăm sóc các em tốt không chỉ về mặt dinh dưỡng mà còn cả về tinh thần, bằng cách gần gũi, động viên các em.
Đứng ở góc độ người điều trị và thường xuyên làm công tác tham vấn tâm lý học đường, bác sĩ Công cho biết, cần phải cải tiến chế độ đánh giá thi cử một cách rõ ràng và minh bạch, tạo điều kiện để các em học hành, thi cử một cách thoải mái. Ngoài ra, việc thành lập các phòng tham vấn tâm lý và chăm sóc sức khỏe tâm thần ở trường học là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, đến nay xã hội, đặc biệt là ngành giáo dục vẫn chưa có quan tâm một cách sâu sắc. Nhiều trường hợp nếu được hỗ trợ tâm lý từ trường học thì các em sẽ không rơi vào các tình trạng đau lòng.
Lê Nguyễn / Tien Phong
Bình luận (0)