Thị trấn Bắc Trà My – Quảng Nam từng là nơi thu hút nhiều người đến đầu tư làm ăn nhưng hiện nay, họ đang có nguy cơ sạt nghiệp vì nhà đất rao bán hàng tháng trời chẳng ai thèm hỏi mua
Chúng tôi trở lại vùng tâm chấn động đất Bắc Trà My – Quảng Nam, đứng dưới chân đập Sông Tranh 2 nhìn lên túi nước khổng lồ treo lơ lửng mà rùng mình. Bây giờ, mỗi buổi sáng thức dậy, người dân ở đây thường hỏi nhau: “Không biết hôm ni có động đất không? Hôm qua nhà cửa nứt nữa không?…”. Dạo quanh một vòng từ các xã Trà Bui, Trà Đốc lên Trà Tân đến thị trấn Trà My, ở đâu chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh người dân tụ tập bên ngoài hiên nhà đề phòng động đất, nhiều người đến bữa dọn cơm ra hiên nhà ăn cho an toàn.
Nhiều hộ dân ở huyện Bắc Trà My phải dựng chòi tạm để con cái trú ngụ khi người lớn đi vắng
Ảnh: HOÀNG DŨNG
Ảnh: HOÀNG DŨNG
Bỏ việc làm, túm tụm bàn tán
Sau trận động đất hôm 15-11, nhiều nhà dân, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng và những công trình ở đây vốn đã nứt nay càng hư hỏng nặng hơn khiến người dân luôn trong tâm trạng thấp thỏm. Chúng tôi đến nhà chị Hồ Thị Hạnh (thôn 2, xã Trà Đốc) đúng lúc trời mưa tầm tã nhưng 3 đứa con của chị vẫn ở cái chòi lợp bằng tôn chứ không dám vào trong nhà. Bé Đinh Thị Lan, con gái chị Hạnh, cho biết trước khi lên rẫy, bố mẹ dặn mấy chị em không được ngồi trong nhà mà phải ra cái chòi dựng tạm hoặc ra vườn chơi, đề phòng động đất sập nhà.
Cô giáo Bích Phương, Trường Mẫu giáo Hoa Phượng, lo lắng cho biết khi đi tập huấn về cách phòng chống động đất được hướng dẫn là núp xuống bàn nhưng khổ nỗi, bàn học mẫu giáo quá thấp nên cô không thể núp được. Nhiều phụ huynh sợ quá, không dám cho con đến trường học. Khi cô đến nhà động viên các em thì nhiều phụ huynh hỏi: “Cô có bảo đảm được tính mạng của con tôi không?”, đành bó tay. Ông Lê Công Vinh (70 tuổi, ngụ khu tái định cư xã Trà Đốc) nói mấy ngày qua, nhiều hộ dân ở đây mang tiền gửi vào ngân hàng vì sợ nhà sập thì tiền bị chôn vùi.
Theo ông Hồ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Trà Đốc, động đất liên tục nên việc đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các vùng tái định cư bỏ nhà di cư sâu vào rừng phòng hộ là điều không tránh khỏi. Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, than thở: “Đời sống nhân dân bị xáo trộn, cơ quan Nhà nước thì ùn việc lên vì suốt ngày lo động đất, học sinh không dám đến trường. Nhiều gia đình ở các làng tái định cư bỏ công ăn việc làm túm tụm bàn tán. Có gia đình gói quần áo, nồi niêu đưa lên rừng để tránh động đất”.
Nhà, đất bán rẻ như cho
Hơn 10 năm trước, thị trấn Bắc Trà My là nơi thu hút nhiều người đến làm ăn khiến đất sốt giá. Bây giờ thì ngay cả những gia đình khá giả cũng đang tìm cách chạy khỏi vùng đất này.
Chủ một nhà hàng cho biết ngày trước phải bỏ ra trên 300 triệu đồng mới mua được mảnh đất 200 m2 xây nhà hàng. Từ ngày có động đất, ông rao bán cả nhà hàng với giá rẻ như cho không mà chẳng ai đến hỏi mua. Ông Trần Văn H., một đại gia ở vùng này, cũng ngán ngẩm nói vợ chồng ông dồn hết vốn liếng đổ vào đất đai, nhà cửa mà giờ kêu bán chẳng ai thèm hỏi mua, coi như sạt nghiệp. “Cứ nghĩ đến là muốn phát điên” – ông rầu rĩ.
Cô giáo Nguyễn Thị M., người gắn bó trên 20 năm với huyện, cũng đã gửi 2 đứa con về quê ngoại ở miền Bắc và tính nghỉ hưu trước tuổi để chạy trốn khỏi vùng động đất. Khi chúng tôi chuẩn bị rời Bắc Trà My cũng là lúc nhận được tin nhiều giáo viên ở đây đang làm đơn kiến nghị ban giám hiệu các trường giảm bớt thời gian dạy phụ đạo để giảm thiểu rủi ro khi động đất xảy ra.
Không tích nước vẫn động đất
PGS-TS Cao Đình Triều, nguyên phó viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết hiện nay có tích nước hay không cũng không thể ngăn chặn được hiện tượng động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Bởi lượng nước tích được thời gian qua đã thẩm thấu liên thông xuống đới đứt gãy chạy ngang trong lòng hồ, phá vỡ ứng xuất lỗ rỗng, làm cho đất đá yếu đi, xuất hiện động đất kích thích. Thời điểm này chỉ phát hiện có một đới đứt gãy chạy qua thủy điện sông Tranh 2 nhưng nếu mực nước dâng cao hơn và phát hiện thêm một đới đứt gãy khác thì nhất định động đất sẽ mạnh hơn. Việc này phải có chuyên gia nước ngoài cùng phối hợp nghiên cứu kỹ lưỡng mới đánh giá được.
TS Lê Tử Sơn, chuyên gia Viện Vật lý địa cầu, cho biết từ khi lắp đặt 3 trạm quan trắc động đất, khu vực này đã ghi nhận có trên 20 trận động đất có cường độ từ 3 độ Richter trở lên, các trận nhỏ hơn thì lên đến con số hàng trăm.
Theo NLĐ
Bình luận (0)