Năm địa đạo nằm ở huyện Tây Giang, nhiều đoạn còn nguyên vẹn dấu tích xưa. Già làng cho biết vùng này còn rất nhiều địa đạo.
Từ trung tâm huyện Tây Giang, đi theo đường Hồ Chí Minh chừng 10 km là tới suối Mtré. Từ đây, để vào địa đạo phải đi xuyên rừng. Dẫn đường cho chúng tôi là ông Alăng Đàn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tây Giang, người đã cùng đồng bào xã A Nông năm xưa (nay là xã A Tép 1) đánh giặc, đào địa đạo và bản thân ông đã 2 lần được tuyên dương “Dũng sĩ diệt Mỹ”.
Ông Nguyễn Hữu Sáng, Bí thư Huyện ủy Tây Giang (Quảng Nam), khảo sát hệ thống địa đạo
Đến cửa địa đạo dưới chân núi Bha Nơơm, ông Alăng Đàn chỉ tay về hướng đối diện cho biết: Vào năm 1968, một đại đội công binh của ta mất tích vì bị bom B52 rải thảm. “Chính lực lượng công binh đó đã cùng dân làng A Nông ngày đêm đào địa đạo mà chúng ta hôm nay tìm đến” – ông Alăng Đàn xúc động nói.
Chúng tôi vào địa đạo, càng vào sâu càng hun hút. Vào được khoảng hơn 100 m, qua từng phòng ngủ, phòng họp, nơi nấu ăn, lối thoát hiểm…, đến một phòng làm việc, chúng tôi dừng lại. Tại đây, ông Nguyễn Hữu Sáng, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, cho biết: “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tây Giang sẽ lấy nơi đây làm địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau”.
Những năm 1965 – 1970, Tây Giang là túi hứng bom của quân Mỹ, vì nằm trên trục đường Đông Trường Sơn từ Hà Tĩnh vào. Ngoài hàng chục trận bom mỗi ngày, còn có B52 rải thảm. Dân làng A Xòo, xã A Nông thời đó đói khổ lắm nhưng người Cơtu không bỏ núi rừng, quyết cùng bộ đội công binh ngày đêm đào địa đạo để trú ngụ và cùng các anh xây dựng đường Hồ Chí Minh – Đông Trường Sơn. Năm 1967 – 1968, về đêm, dân làng cùng bộ đội đào địa đạo, ban ngày thì tham gia vận chuyển vũ khí, lương thực từ miền Bắc vào Nam.
“Lâu quá, chừ không nhớ hết. Nhiều địa đạo lắm. Địa đạo cho người ở, địa đạo để cất giấu vũ khí… Có những địa đạo chứa đầy xe đạp để thồ hàng” – già làng Bling Tươm, 75 tuổi, xã Bha Lê, kể. Thời đó, ông cũng là thanh niên xung phong, cùng tham gia làm đường Đông Trường Sơn và đào địa đạo cùng bộ đội công binh. Như vậy, ngoài những địa đạo đã được biết, bây giờ tại núi rừng Tây Giang còn có những địa đạo là kho hàng khổng lồ nằm trong lòng núi, chưa được khám phá. Cùng với địa đạo ở núi Bha Nơơm mà chúng tôi đến, tại xã A Nông còn có thêm 4 địa đạo khác đã được phát hiện. “Mỗi địa đạo cao 1,8 m, rộng hơn 1,5 m, còn chiều dài các địa đạo chưa ai xác định được, chỉ biết càng đi trong lòng núi càng mỏi cái chân” – ông Alăng Đàn vỗ bàn tay vào vách địa đạo nói.
Theo Vũ Công Điền – Người lao động
Bình luận (0)