Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Tulane (Hoa Kỳ) cho biết, trong đậu nành có chất glyceollin có khả năng ngăn ngừa sự phát triển của bệnh ung thư vú và buồng trứng.
Ung thư vú và buồng trứng được kích thích bởi các nội tiết hoóc-môn estrogen. Glyceollin đã thành công trong việc kìm hãm sự tăng trưởng khối u bằng cách ngăn chặn hoóc-môn estrogen. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Northwestern (Hoa Kỳ) cũng đã tìm thấy một hóa chất khác là genistein trong đậu nành giúp ngăn ngừa sự lây lan của bệnh ung thư tuyến tiền liệt ở chuột. Nghiên cứu đạt thành công tới 96% trong việc giảm di căn ung thư tuyến tiền liệt tới phổi. Genistein ức chế các tế bào ung thư tuyến tiền liệt bằng cách ngăn chặn enzyme tyrosine kinase.
Một công trình nghiên cứu khác tại Bệnh viện Nhi và Trung tâm nghiên cứu ung thư Oakland (Children’s Hospital & Research Center Oakland), tiểu bang California công bố, chất béo trong đậu nành có tên là sphingadiene có thể ngăn ngừa và chữa trị bệnh ung thư ruột. Ung thư ruột là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 tại Hoa Kỳ. Sphingadiene là kẻ thù của tế bào ung thư ruột. Khám phá này đóng vai trò quan trọng trong việc bào chế loại thuốc mới để điều trị bệnh ung thư ruột.
Gần đây, hai công trình nghiên cứu tại Đại học Illinois (Hoa Kỳ) cũng thông báo rằng, chất lunasin – một chất thường bị loại bỏ trong các nhà máy chế biến đậu nành – có lợi ích trong việc điều trị bệnh bạch cầu. Lunasin có khả năng ngăn chặn topoisomerase 2 trong tế bào bạch cầu và thúc đẩy sự hủy diệt của ung thư tế bào. Lưu ý là bột đậu nành không chứa hàm lượng cao lunasin.
Nên sử dụng các sản phẩm từ đậu nành trong chế độ ăn uống hằng ngày để hỗ trợ cho việc ngăn ngừa ung thư. Hiện Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã hợp tác với các tổ chức y tế và dược phẩm trên thế giới để tìm hiểu những lợi ích tiềm năng của đậu nành.
Theo TNO
Bình luận (0)