Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Phát hiện cụm núi lửa gần 200 triệu năm tuổi dưới lòng đất

Tạp Chí Giáo Dục

Nhóm chuyên gia quốc tế dùng công nghệ chụp ảnh tiên tiến để phát hiện khoảng 100 núi lửa cổ xưa bị chôn vùi ở Australia.
Các nhà khoa học tại Đại học Adelaide (Australia) và Đại học Aberdeen (Scotland) tìm ra khoảng 100 núi lửa ở vùng trũng Cooper-Eromanga, nơi sản xuất dầu và khí trên bờ lớn nhất của Australia, Science Daily hôm 13/8 đưa tin. Chúng nằm trong lòng đất và chưa từng được phát hiện trong 60 năm khai thác dầu khí tại Cooper-Eromanga.

Hoạt động núi lửa thường diễn ra ở rìa các mảng kiến tạo.
Nhóm nghiên cứu sử dụng kỹ thuật chụp ảnh dưới bề mặt tiên tiến, tương tự với chụp cắt lớp vi tính trong y học, để phát hiện các miệng núi lửa, dòng dung nham và hang chứa mắc ma nằm sâu phía dưới. Khu vực mới phát hiện được đặt tên là Vùng núi lửa Warnie.
Cụm núi lửa hình thành và hoạt động trong kỷ Jura, khoảng 160-180 triệu năm trước, sau đó bị chôn vùi dưới hàng trăm mét đất đá. Cooper-Eromanga hiện là vùng đất khô cằn nhưng trong kỷ Jura, nơi này có nhiều miệng núi lửa và khe nứt phun tro bụi, dung nham nóng rực lên không trung, xung quanh là rất nhiều nhánh sông.
"Trong khi phần lớn hoạt động núi lửa trên Trái đất diễn ra ở rìa các mảng kiến tạo hoặc dưới đại dương, cụm núi lửa cổ xưa này lại hình thành sâu trong lục địa Australia. Phát hiện mới mở ra khả năng còn nhiều cụm núi lửa khác nằm dưới lòng đất Australia", Simon Holford, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
Đá trầm tích từ kỷ Jura chứa dầu, khí và nước có vai trò quan trọng với kinh tế Australia. Việc tìm ra cụm núi lửa tại Cooper-Eromanga cũng cho thấy, hoạt động núi lửa trong kỷ Jura phong phú hơn so với những gì các nhà khoa học từng nghĩ.
HT (theo khoahoc.tv)

Bình luận (0)