Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Phát hiện “mặt trăng nham thạch” ngoài Hệ Mặt trời

Tạp Chí Giáo Dục

Các nhà thiên văn học tìm thấy bằng chứng về sự tồn tại của một mặt trăng chưa từng được biết tới với đầy rẫy núi lửa hoạt động.
Mặt trăng nham thạch xoay quanh ngoại hành tinh WASP 49-b.
Mặt trăng nham thạch xoay quanh ngoại hành tinh WASP 49-b.
Một mặt trăng với nham thạch nóng chảy bao phủ khắp bề mặt có thể đang ẩn nấp trong hệ mặt trời WASP-49, cách Trái đất khoảng 554 năm ánh sáng, các nhà khoa học từ Viện Vật lý thuộc Đại học Bern, Thụy Sĩ hôm 29/8 công bố. Nhóm nghiên cứu mô tả phát hiện mới giống như Io – thiên thể có hoạt động địa chất mạnh nhất trong hệ Mặt Trời với hơn 400 núi lửa.
Mặc dù chưa thể trực tiếp quan sát mặt trăng, các nhà thiên văn học đã nhận thấy sự tăng vọt của khí natri ở độ cao bất thường xung quanh ngoại hành tinh WASP 49-b. Natri nguyên tử thường có nguồn gốc từ hoạt động phun trào của núi lửa, đây là dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của một "thiên thể nham thạch" xoay quanh WASP 49-b.
"Các đám mây khí natri trung tính nằm cách rất xa WASP 49-b, đến mức chúng không thể được gió đưa lên từ bề mặt hành tinh", nhà thiên văn học Apurva Oza loại trừ khả năng khí natri được sinh ra do hoạt động núi lửa trên ngoại hành tinh WASP 49-b. Nhóm nghiên cứu cho biết sẽ tiếp tục quan sát để tìm kiếm những manh mối bổ sung thông qua kính viễn vọng không gian và đài quan sát trên mặt đất.
HT (theo khoahoc.tv)

Bình luận (0)