Cây chùm ngây non
|
Trước đây, cây chùm ngây được biết đến như một vị thuốc nam dùng để điều trị một số bệnh thông thường trong dân gian. Thế nhưng gần đây, nhờ phát hiện của y học, hoa và trái đặc biệt là lá cây chùm ngây còn là món ăn bổ dưỡng cho cơ thể cho nên nhiều địa phương đã bắt đầu trồng, kinh doanh loại rau này.
Vừa làm thuốc
Tại một số nhà thuốc đông y, rễ chùm ngây được bày bán dưới dạng trà túi lọc với giá từ 50 đến 100.000 đồng/gói tùy theo loại dùng để trị suy nhược cơ thể, giúp ổn định huyết áp ổn định đường huyết và một số công dụng khác như trị u xơ tuyến tiền liệt, ngăn ngừa sỏi thận. TS. Phan Quốc Kinh – Viện trưởng Viện Thực phẩm chức năng cho biết, chùm ngây còn được gọi là cây ba đậu dại là thực vật thân gỗ, lá kép dài hình lông chim màu xanh mốc, thường trổ hoa vào mùa xuân. Cũng theo TS. Kinh, cây chùm ngây chứa nhiều khoáng chất quan trọng, giàu đạm, vitamin và nhiều hợp chất khác. Có mặt trên 80 quốc gia thế giới, từ lâu cây chùm ngây đã trở thành sản phẩm dùng trong công nghệ dược phẩm, mỹ phẩm, nước giải khát dinh dưỡng và thực phẩm chức năng. Hầu hết các bộ phận như lá, cây, hoa, quả, rễ chùm ngây đều có tác dụng đối với con người, đặc biệt lá chùm ngây chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn quả và hạt nhất là vitamin C, A, canxi, sắt… Theo các nghiên cứu khoa học, cây chùm ngây có những hoạt tính như kích thích hoạt động của tim mạch và hệ tuần hoàn; hoạt tính chống ung bướu và kinh phong rất có lợi cho sức khỏe con người khi làm dược liệu hay thực phẩm. Chính vì thế, tại nhiều nước vùng Nam Á chùm ngây được dùng để điều trị nhiều bệnh trong y học dân gian truyền thống. Một số nơi dùng lá để đắp mặt nạ dưỡng da và chiết xuất thành các loại mỹ phẩm cao cấp giống như dưa leo, táo, bơ. Sản phẩm từ cây chùm ngây hiện nay đã có nhiều loại rất phong phú như nước uống dinh dưỡng, bột và viên dinh dưỡng, rễ cây và lá chùm ngây phơi khô… Tại các cửa hàng sản phẩm chức năng N.V trên đường Bà Hom, P.13, Q.6 hay cửa hàng C.C.N đường Trần Văn Danh, P.13, Q.Tân Bình hiện nay đều có bán viên chùm ngây nguyên chất, viên chùm ngây mật ong (150.000 đồng/ lọ). Một số tỉnh thành khác như An Giang, Bắc Giang, Thanh Hóa lại kinh doanh hạt và cây chùm ngây con cung cấp nguồn giống cho các địa phương khác với giá từ 260 đến 270.000 đồng (gói 300 hạt). Một số trung tâm sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ cây chùm ngây ở tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận còn sản xuất ra loại bột khô chùm ngây, rễ khô chùm ngây. Gần đây, khoa trồng trọt ở các trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ĐH Nông lâm TP.HCM cũng đã ươm giống chùm ngây bán ra thị trường với giá 12 đến 13.000 đồng/cây.
Lại vừa làm rau
Phổ biến nhất vẫn là rau cây chùm ngây. BS. Đỗ Thị Ngọc Diệp – Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM khẳng định, lá cây chùm ngây chứa nhiều chất dinh dưỡng có thể chế biến thành những món ăn giống như các loại rau khác. Lá còn non thường được các bà nội trợ dùng để ăn sống hay trộn như xà lách còn lá già dùng để nấu canh và xào thịt bò. Nhiều người khẳng định nấu canh lá chùm ngây với tôm hoặc thịt đều có mùi vị giống như rau ngót. Theo BS. Diệp, lá chùm ngây khi già chế biến dạng khô nhưng vẫn không mất dinh dưỡng như các loại rau khác. Bột chùm ngây có thể sử dụng cho nhiều món ăn như cháo, bột trẻ em, pha vào bột làm bánh đều tăng thêm giá trị dinh dưỡng. Hoa chùm ngây có nhiều mật ngọt nên phơi khô cất dành để làm trà uống rất tiện lợi. Hầu hết các cửa hàng kinh doanh sản phẩm từ cây chùm ngây đều có các loại trà túi lọc cây chùm ngây giống như trà atiso hay trà khổ qua. Một số nơi còn dùng trái chùm ngây non để hầm xương, ninh súp hoặc nấu canh sẽ làm tăng độ ngọt và hương vị của món ăn. Hạt chùm ngây có thể rang ăn bùi và béo như hạt đậu phộng. Nếu rễ già, các lương y phơi khô làm thuốc thì rễ non có thể ăn sống và chế biến giống như các loại thực phẩm củ quả khác. Hơn thế nữa, chùm ngây là loại cây có sức chịu đựng tốt, mọc nhanh, bất chấp khí hậu khắc nghiệt và đất đai khô cằn nên còn được trồng làm hàng rào che chắn cho các khu công nghiệp, nhà ở. Chính vì thế, tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam cây chùm ngây càng ngày càng được các nhà khoa học quan tâm, vượt ra ngoài khuôn khổ loại rau bình thường tìm mọi cách tận dụng các công dụng của nó để phục vụ tốt nhất đời sống con người.
Bài, ảnh: Hương Thủy
Theo BS. Diệp thì cũng giống như nhiều loại rau khác, các bà nội trợ không nên nấu quá kỹ dễ làm mất hương vị và chất dinh dưỡng trong lá rau chùm ngây. Cũng đừng nên gia giảm quá nhiều bột ngọt hay đường làm mất đi độ ngọt tự nhiên của rau. Đặc biệt, đối với phụ nữ có thai thì hạn chế ăn loại rau này vì dễ bị trục thai. |
Bình luận (0)