Mấy ngày gần đây, các nhà khảo cổ học và cán bộ Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội đã vui mừng khôn xiết
Mặt đường lát gạch vồ thời Lê mới được phát lộ tại thành cổ tháng 1-2009. |
khi kết quả hố thám sát đầu tiên đã làm phát lộ con đường lát đá và gạch vồ thời Lê dẫn từ cổng chính Đoan Môn đến chân điện Kính Thiên.
Ở độ sâu 1,2m, hai vỉa con đường lát gạch vồ ngả màu xám đá lộ ra gần như nguyên vẹn. Hai phiến đá xanh lát đường cỡ lớn (khoảng 65x40x30) là bằng chứng sống về con đường lát đá xanh chính giữa. Trong khi hai vỉa đường lát gạch còn gần như nguyên vẹn thì đá lát đường chính giữa đã bị bóc đi hết. Chắc chắn là các nhà xây dựng thời Nguyễn đã lấy lên để sử dụng lại. Nếu nhìn vào bức ảnh tư liệu của Viện Viễn Đông Bác Cổ chụp từ phía bãi đất trống tại cột cờ hướng về phía Đoan Môn, ta sẽ thấy một con đường lát đá chạy thẳng tắp tới cổng chính Đoan Môn. Nhiều khả năng, các phiến đá lát này được sử dụng lại để làm đường khi nhà Nguyễn cho xây lại tường bao quanh Thành Hà Nội và Bắc Môn.
Chiều ngang của đoạn đường mới phát lộ có cùng đúng kích thước với đoạn đường được phát lộ tại vị trí chính giữa cửa Đoan Môn hướng về phía điện Kính Thiên (khai quật năm 1999). Đoan Môn – cổng phía Nam, lối đi chính vào Cấm Thành là nơi thiết triều và các cung điện là nơi ở của vua cùng hoàng gia. Được xây dựng từ thời Lý, nhưng cổng Đoan Môn còn lại ngày nay được xây dựng từ thời Lê Sơ (thế kỷ XV) và được sửa sang tu bổ dưới thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Cổng Đoan Môn rất quan trọng trong các hoạt động mang tính nghi lễ của Hoàng Thành. Giữa Đoan Môn và Điện Kính Thiên là sân Long Trì (sân rồng), đây là không gian mang ý nghĩa chính trị, văn hóa tâm linh rất quan trọng như: sự kiện mở hội Nhân Vương, mở hội Quảng Chiếu (1136); quốc nhân hội thề (1128); duyệt cấm quân (1351); Khảo thí thi Đình do nhà vua ra đề để tuyển Trạng Nguyên (năm 1466, 1475, 1481, 1496).
Năm 1999, khi các nhà khảo cổ học khai quật một điểm tại vị trí chính giữa Đoan Môn, ở độ sâu 1,2m đã phát lộ dấu vết đường viền lát đá chân tường và sân gạch thời Lê. Tiếp theo, ở độ sâu 1,9m tìm thấy phần còn lại của con đường lát gạch hoa chanh thời Trần rộng 1,3m chạy thẳng từ cửa chính Đoan Môn theo hướng vào điện Kính Thiên ở trung tâm, đặc biệt trong số gạch lát con đường có một số viên gạch thời Lý được dùng lại. Giáo sư sử học Phan Huy Lê nhận định: "Kết quả khai quật góp phần khẳng định Khu Di tích Thành cổ Hà Nội là trung tâm của Hoàng Thành Thăng Long qua các triều đại Lý-Trần-Lê. Trung tâm của Cấm thành là Điện Kính Thiên thời Lê sơ, xưa là điện Càn Nguyên, Thiên An thời Lý, thời Trần. Đó là cung điện quan trọng bậc nhất, nơi tiến hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi tiếp sứ giả nước ngoài, nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự. Nền điện Kính Thiên bây giờ còn đó với bậc thềm và lan can đá chạm rồng mang đặc trưng nghệ thuật trang trí thế kỷ XV. Kiến trúc này xây dựng trên núi Nùng tức Long Đỗ (Rốn Rồng) nơi tụ hội khí thiêng của non sông theo quan niệm phong thủy cổ truyền. Đoan Môn là cửa Nam của Cấm Thành. Tài liệu sử sách cho biết vị trí của Đoan Môn cũng không thay đổi qua các triều đại. Vừa rồi khảo cổ đã đào thám sát và xác định chắc chắn Đoan Môn còn lại hiện nay được xây dựng từ thời Lê, đến thời Nguyễn có sửa sang. Dưới chân Đoan Môn đã phát hiện dấu tích kiến trúc của thời Lý, thời Trần. Đoan Môn phải hiểu là cửa Nam phía trong cùng của Cấm Thành, bởi theo Phan Huy Chú và Nguyễn Văn Siêu thì phía nam Cấm Thành có ba lần cửa, nhìn trên bản đồ Hồng Đức cũng thấy điều đó. Theo một số tài liệu đời Nguyễn thì Cột Cờ được xây dựng trên nền cửa Tam Môn là cửa Nam ngoài cùng của Cấm Thành. Như vậy là Kính Thiên – Đoan Môn – Cột Cờ/Tam Môn là trục trung tâm của Cấm Thành".
Kiến trúc chính của Đoan Môn làm theo kiểu vọng lâu, gồm hai hệ thống cửa. Năm vòm cửa đá được xây dựng vào thời Lê, có chiều dài 46,5m; cao 6m; cửa lớn ở chính giữa bên trên có tấm biển đá khắc chữ Hán "Đoan Môn". Hai cửa phụ ba tầng gạch được làm thêm vào thời Nguyễn, có chiều dài 26,5m cao 6m. Nhìn vào những phiến đá lát đường cỡ lớn, nhìn vào kiến trúc đồ sộ vững chãi, uy nghi của Đoan Môn, nhìn vào đôi rồng đá và những dải vân mây được chạm khắc vô cùng tinh tế ở thềm bậc Điện Kính Thiên còn lại đến ngày nay, chúng ta không khỏi thán phục về kỹ thuật chế tác đá và nghệ thuật kiến trúc, mỹ thuật phát triển vô cùng rực rỡ thời kỳ này. Bản đồ Hồng Đức năm 1940, bản đồ biên giới quốc gia Đại Việt, Bộ luật Hồng Đức mang niên hiệu vua Lê Thánh Tông, Bộ Đại Việt sử ký toàn thư do Sử quan Ngô Sĩ Liên biên soạn năm 1479 dưới sự chỉ đạo của vua Lê Thánh Tông, Hội Tao Đàn gồm 28 ông tiến sĩ giỏi văn thơ nhất nước do Lê Thánh Tông làm nguyên súy… Tất cả những sự kiện được sử sách lưu giữ cũng như những kiệt tác kiến trúc, nghệ thuật được thời gian lưu giữ đến ngày hôm nay càng làm tăng thêm niềm tin của chúng ta vào quy mô đồ sộ của Hoàng thành Thăng Long cũng như một nền văn hiến lâu đời của mảnh đất kinh kỳ.
Như vậy, qua hai cuộc khai quật thám sát năm 1999 và đầu năm 2009, con đường lát đá và gạch vồ thời Lê Sơ và cũng là con đường lát gạch hoa chanh thời Trần đã được phát lộ. Đây cũng chính là trục trung tâm theo hướng bắc – nam của Cấm Thành trong Hoàng thành Thăng Long. Rất mong các cơ quan chức năng triển khai sớm công việc quy hoạch tổng thể cho Thành cổ Hà Nội và cũng rất mong Bộ Quốc phòng bàn giao sớm các khu vực còn lại của Thành cổ để người dân Thủ đô và cả nước được chiêm ngưỡng một cách tổng thể phần nào quy mô hoành tráng của Hoàng thành Thăng Long trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Bài, ảnh: Nguyễn Thu Thủy (HNM)
Bình luận (0)