Chiều 26.12, tại TP.HCM diễn ra hội thảo khoa học “An toàn thực phẩm và dinh dưỡng với a xít oxalic”, do Hội Y tế công cộng TP.HCM tổ chức.
A xít oxalic có trong tự nhiên không đáng ngại, chỉ sợ khi dùng loại a xít này để làm trắng thực phẩm – Ảnh: Công Nguyên |
Tại hội thảo, giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn (Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học – kỹ thuật TP.HCM) trình bày về một số kết quả phân tích a xít oxalic trong thực phẩm từ cuối tháng 6 đến ngày 10.12.2013 tại Trung tâm Sắc ký Hải Đăng (TP.HCM) như sau:
Trong số 369 mẫu bún, bánh phở, hủ tiếu được kiểm nghiệm, có 112 mẫu có chứa a xít oxalic, với hàm lượng từ 24,2 – 1.100 mg/kg.
Dùng lâu dài sản phẩm có chứa hóa chất a xít oxalic sẽ tác hại lên gan, thận và hệ tiêu hóa…
Trong số 353 mẫu bột nguyên liệu (tinh bột dùng làm bún, bánh phở…) qua kiểm nghiệm có 120 mẫu chứa a xít oxalic, với hàm lượng từ 32,4 – 374 mg/kg.
26 mẫu măng muối qua kiểm tra có 25 mẫu có chứa a xít oxalic.
Và trong 54 mẫu các loại khác (há cảo, bánh cuốn, nấm mèo…) qua kiểm nghiệm có 35 mẫu có chứa a xít oxalic…
Theo giáo sư Sơn, a xít oxalic là loại không được phép cho vào thực phẩm.
Trong rất nhiều loại thực phẩm như rau, củ, quả, ngũ cốc… có chứa a xít oxalic (a xít oxalic trong tự nhiên). Nhưng khi ta rửa, nấu thì hàm lượng a xít oxalic có sẵn trong thực phẩm sẽ giảm đi, không gây nguy hiểm.
Theo TS.BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM, a xít oxalic thường được sử dụng trong công nghiệp và gia dụng, không được dùng chế biến thực phẩm (nhằm tẩy trắng thực phẩm).
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Phó chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM – a xít oxalic là hóa chất không có trong danh mục các chất phụ gia thực phẩm được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm; là hóa chất dùng trong công nghiệp, dùng nhiều nhất là để tẩy trắng trong sản xuất, tái chế giấy.
theo TNO
Bình luận (0)