Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Phát hiện “siêu đại dương” bị Trái đất nuốt chửng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Trái đất đã trỗi dậy, tự nuốt chửng siêu đại dương Mirovoi của chính mình, xé rách một siêu lục địa cổ để rồi lại sinh ra Pangea – siêu lục địa "mẹ" của 6 châu lục ngày nay.
Nghiên cứu mới của các nhà khoa học đến từ Đại học Curtin (Perth – Úc) đã lần ra dấu vết của một thời kỳ dữ dội trong lịch sử trái đất. Khi đó, hành tinh của chúng ta nuốt chửng siêu đại dương duy nhất của nó, để rồi lại tái tạo một siêu lục địa mới và một siêu đại dương mới.
Và đây không phải là lần đầu trái đất tự nuốt đại dương vào lòng. Theo các tác giả, các bằng chứng địa chất cho thấy các lục địa tự hợp nhất thành một siêu lục địa lớn sau thời gian trung bình là 600 triệu năm để rồi lại phân tách. Chính hành động nuốt các đại dương của trái đất liên quan mật thiết đến quá trình này.
Trái đất nhiều lần nuốt chửng các đại dương của chính mình?
Trái đất nhiều lần nuốt chửng các đại dương của chính mình?
Lục địa cổ xưa nhất được ghi nhận là Nuna, tồn tại từ 1,6 tỉ đến 1,4 tỉ năm trước với một siêu đại dương duy nhất bao quanh. Nuna tan vỡ, biến thành nhiều châu lục với các đại dương nhỏ hơn hình thành giữa những vùng đất bị xé rách.
Khoảng 900 triệu năm về trước, trái đất bỗng trỗi dậy và nuốt các đại dương nhỏ, kéo các phần của Nuna lại gần nhau lần nữa và tạo nên siêu lục địa khác mang tên Rodinia, trong một quá trình tạm gọi là "hướng nội". Tuy nhiên, vào mốc 700 triệu năm về trước, trái đất lại quyết định nuốt đại dương lần nữa, lần này là siêu đại dương duy nhất bao quanh Rodinia được đặt tên là Mirovoi. Quá trình này đã xé tan siêu lục địa này và mạnh mẽ đến nỗi kéo các mảng lục địa tan vỡ về phía đối diện của địa cầu.
Vào mốc 320 triệu năm về trước, các mảng Rodinia tan vỡ hợp nhất lần nữa ở phía đối diện và hình thành Pangea – siêu lục địa "mẹ" của các châu lục ngày nay, như kết quả cuối cùng của một quá trình hình thành siêu lục địa hoàn toàn ngược với Rodinia, tạm gọi là "hướng ngoại". Sau đó, các quá trình địa chất dữ dội của trái đất tiếp tục xé Pangea thành 6 châu lục, như những gì chúng ta nhìn thấy trên bản đồ thế giới ngày nay. Siêu đại dương bao quanh Pangea cũng biến thành 4 đại dương lớn như ngày nay.
Theo tác giả đứng đầu nghiên cứu Zheng-Xiang Li, dựa trên các bằng chứng họ thu thập được, các quá trình "hướng nội" và "hướng ngoại" trên đã xảy ra xen kẽ trong 2 tỉ năm và rất có thể sẽ tiếp tục trong một tương lai xa. Lần này sẽ là quá trình "hướng nội": Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Bắc Băng Dương sẽ dần bị trái đất nuốt mất, trong khi Thái Bình Dương sẽ mở rộng thành một siêu đại dương duy nhất của trái đất. Siêu lục địa tương lai mang tên Amasia sẽ là kết quả của sự hợp nhất 6 châu lục.
Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn khẳng định tương lai này chưa thực sự rõ ràng. Nếu có, nó cũng chỉ diễn ra sau ít nhất hàng trăm triệu năm nữa.
Công trình vừa được công bố trực tuyến và sẽ đăng tải chính thức trên tạp chí khoa học Precambrian Research số tháng 4/2019.
HT (theo khoahoc.tv)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)